Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Nhiều dự án lớn sắp “cập bờ” Quảng Ngãi
Bảo Giang – Hồng Sơn - 06/06/2013 07:00
 
Với nhiều dự án lớn đang chuẩn bị triển khai, mục tiêu thu hút trên 12 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm 2015 của  Quảng Ngãi là hoàn toàn khả thi - Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định tại Hội nghị “Quảng Ngãi-cơ hội mới về đầu tư” do UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với VSIP vừa tổ chức tại TP.HCM.  
TIN LIÊN QUAN

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Sô cho biết, cơ sở cho hy vọng này là, đến nay, ngoài 111 dự án được cấp giấy Chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án đạt trên 8,5 tỷ USD, vốn thực hiện 5 tỷ USD.

Có nhiều dự án lớn đang chuẩn bị triển khai tại Dung Quất gồm mở rộng Liên hợp lọc hóa dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 10 triệu tấn/năm, nhà máy thép JFE (Nhật) có công suất 7 triệu tấn/năm, Nhiệt điện BOT Sembcorp 1.200MW và nhà máy bột giấy JK (Ấn Độ) công suất 150.000 tấn/năm.

Ngoài ra, việc dự án VSIP bắt đầu từ tháng 7/2013 có mặt bằng “sạch” để giao cho các nhà đầu tư cũng là cơ sở để có thêm nhiều dự án FDI “cập bến” Quảng Ngãi trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Cao Khoa - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cam kết: “Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sẽ luôn đồng hành cùng với nhà đầu tư, tạo nên một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và thông thoáng nhất, là địa điểm đáng tin cậy cho các nhà đầu tư.”

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năng động, Quảng Ngãi có vị trí thuận lợi và hội tụ nhiều điều kiện để phát triển với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và thông suốt. Khu kinh tế Dung Quất (KKT Dung Quất) là một trong 05 khu kinh tế ven biển của cả nước được Chính phủ tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng từ nay đến năm 2015 và là một trong những khu kinh tế có những chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam hiện nay.

Quảng Ngãi còn có nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước với công suất 6,5 triệu tấn/năm; có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT. Ngoài KKT Dung Quất, Quảng Ngãi còn có 4 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp làng nghề được đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, với ngư trường rộng lớn trên 11.000 km2 và với đường bờ biển dài 130km, tỉnh Quảng Ngãi cũng có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển và du lịch biển, đảo. Đây là những lợi thế nổi trội và là cơ hội mới cho các nhà đầu tư khi chọn Quảng Ngãi làm địa điểm đầu tư.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 289 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 177.500 tỷ đồng. Trong đó, có 22 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký là 3,9 tỉ USD (Quý I năm 2013, tỉnh đã cấp phép cho 3 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 16,54 triệu USD). Riêng Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút được 111 dự án (gồm 98 dự án trong nước và 13 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký trên 8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện gần 5 tỷ USD.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trả lời các câu hỏi, đề xuất của nhà đầu tư

Một thông điệp vui được chính một số nhà đầu tư thành công tại Quảng Ngãi trước đây chia sẻ là “sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Quảng Ngãi”.

Cụ thể, ông Kim Gwang Ju, Phó TGĐ Công ty Doosan Vina (Hàn Quốc) cho biết, Doosan Vina có tổng diện tích 110 ha tại Khu KT Dung Quất, bao gồm 10 ha dành cho cảng chuyên dụng. Tổng mức đầu tư lên đến 300 triệu USD với thời gian dự án là 70 năm.

"Chúng tôi thiết kế, sản xuất xây dựng và lắp đặt các dự án nhiệt điện, hệ thống cẩu trục container cho cảng biển, thiết bị xử lý hóa chất và công nghệ lọc hóa dầu, và thiết bị biến nước biển thành nước ngọt phục vụ dân sinh. Chúng tôi đã đi khảo sát nhiều nơi trên thế giới để tìm địa điểm đầu tư nhưng chọn Dung Quất và chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại đây", ông Kim Gwang Ju nói.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Quan Hoàng, TGĐ Foster Quảng Ngãi (công ty con của Foster Nhật Bản) cho biết, Công ty điện tử Foster Việt Nam được thành lập cuối năm 2006 tại khu công nghiệp VSIP Bình Dương, chuyên sản xuất các loại tai nghe dùng cho điện thoại di động. Chúng tôi có nhà máy tại VSIP 1 và VSIP 2 (Bình Dương), tại VSIP Bắc Ninh và tại Đà Nẵng.

"Chúng tôi đã thành lập chi nhánh của Đà Nẵng, đặt tại KCN Tịnh Phong (Quảng Ngãi). Địa phương có lực lượng lao động dồi dào và có chất lượng. Đồng thời chúng tôi thấy Quảng Ngãi có vị trí chiến lược và chúng tôi đang đặt trọng tâm ở miền Trung, nơi có Hành Lang Kinh Tế Đông-Tây thông với Lào, Thái Lan và Myanmar. KCN Tịnh Phong nằm ngay trên quốc lộ 1A nối với Đà Nẵng, nơi Foster có 2 nhà máy rất lớn đang hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi đánh giá cao hỗ trợ của tỉnh cũng như Ban quản lý KCN. Lãnh đạo Foster tại Nhật rất tin tưởng vào Quảng Ngãi.

Do đó, Foster Nhật đã quyết định thành lập 1 công ty độc lập tại Quảng Ngãi và đã nhận giấy phép đầu tư cho công ty này vào ngày 1/2/2013. Tại Quảng Ngãi, chúng tôi đã tạo ra 3000 việc làm cho người địa phương và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư để nâng lên 5000 việc làm, và sẽ xuất khẩu sản phẩm từ Quảng Ngãi đi khắp thế giới. Foster sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nhà đầu tư nào quan tâm đến Quảng Ngãi", ông Nguyễn Quan Hoàng chia sẻ.

Nói đến Quảng Ngãi không thể không nói đến dự án Khu phức hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, thường được biết đến với tên gọi dự án VSIP Quảng Ngãi.

Đây là dự án thứ 05 của Công ty VSIP và là dự án đầu tiên của VSIP tại miền Trung. VSIP Quảng Ngãi được quy hoạch gồm 1.746 héc-ta trong đó giai đoạn 1 sẽ ưu tiên phát triển 600 héc-ta đất công nghiệp nằm trong KKT Dung Quất và 520 héc-ta đất đô thị - dịch vụ gần Trung tâm thành phố Quảng Ngãi, cách Thành phố Đà Nẵng 120km về phía Nam.

Với lợi thế nguồn lao động dồi dào từ địa phương và các tỉnh lân cận, VSIP Quảng Ngãi là địa điểm lý tưởng cho các công ty có thị trường sản phẩm hướng đến cả hai miền Nam Bắc, cộng thêm khu vực miền Trung. Từ VSIP Quảng Ngãi có thể mở rộng tiếp cận thị trường sang Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia. Các ngành công nghiệp chủ lực bao gồm thực phẩm - nước giải khát, các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), lắp ráp linh kiện điện tử và các ngành công nghiệp nhẹ phục vụ cho lĩnh vực dầu khí và hóa chất. Các công ty sản xuất tại VSIP Quảng Ngãi sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi đầu tư đặc biệt thuộc KKT Dung Quất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư