Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiều "ông lớn" đổ bộ lên UPCoM
 
Lâu nay, khi nhắc đến các DN đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, giới đầu tư nghĩ ngay đến các DN quy mô nhỏ, ít tên tuổi. Tuy nhiên, suy nghĩ này đã “lạc hậu”, khi nhiều “ông lớn” đang đổ bộ lên sàn UPCoM.
“Cái tiếng” đìu hiu của sàn UPCoM đang lùi dần vào dĩ vãng
“Cái tiếng” đìu hiu của sàn UPCoM đang lùi dần vào dĩ vãng

Xuất hiện “hàng khủng”

Từ năm 2014 trở về trước, tình cảnh… chợ chiều trên UPCoM liên tục tái diễn hết năm này qua năm khác, khi rất ít DN lên sàn, thanh khoản èo uột. Điều này khiến không ít câu hỏi đặt vấn đề về tính hữu ích của sự ra đời sàn UPCoM là gì đã được nêu ra. Với những gì diễn ra từ đầu năm đến nay, câu hỏi này đã có câu trả lời, khi số lượng DN lên UPCoM tăng mạnh so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, thanh khoản được cải thiện rõ nét.

Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), nếu như năm 2009, giá trị giao dịch bình quân trên UPCoM chỉ 1-2 tỷ đồng/phiên, thì 6 tháng đầu năm nay con số này tăng lên 40,7 tỷ đồng/phiên. Cùng với thanh khoản tăng mạnh, ngày càng có nhiều DN vốn lớn, có hiệu quả kinh doanh khả quan lên giao dịch trên sàn UPCoM...

Điển hình phải kể đến mới đây CTCP Tài nguyên Ma San (MSR) đã đăng ký giao dịch hơn 703,5 triệu cổ phiếu trên UPCoM, tương đương hơn 7.035 tỷ đồng theo mệnh giá. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư. MSR là thành viên của Tập đoàn Masan, đang quản lý và khai thác Mỏ Núi Pháo tại Thái Nguyên.

Theo HNX, trong ngày 24/9, có 3 công ty con của các tập đoàn, tổng công ty lớn là CTCP Cảng Cam Ranh (CCR) thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; CTCP Cơ điện Uông Bí (UEM), thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; CTCP Phòng cháy chữa cháy và Đầu tư Xây dựng Sông Đà (SDX), thành viên của Tổng công ty Sông Đà, đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Trong đó, CCR, một DN thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng đầu tư khi tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 16/3/2015, đăng ký giao dịch hơn 24,5 triệu cổ phiếu. Sở hữu vị trí địa lý đắc địa, CCR đang sử dụng hơn 253.000 m2 đất thuê phục vụ làm kho bãi, dịch vụ hàng hải… Theo kế hoạch, giai đoạn năm 2016- 2018, doanh thu của CCR ước đạt từ 161,3 - 223,3 tỷ đồng.

Nếu không trễ hẹn, thì một “ông lớn” khác có lẽ đến nay cũng đã có mặt trên sàn UPCoM là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Gần đây, HĐQT của Vinatex ban hành nghị quyết đề nghị HNX cho phép Tập đoàn lùi thời gian đăng ký giao dịch trên UPCoM, nhưng lùi đến bao giờ thì không được công bố. Việc trễ hẹn lên UPCoM của Vinatex là khá bất ngờ đối với NĐT, bởi gần đây, Tập đoàn đã được Trung tâm Lưu ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán, với mã chứng khoán là VGT...

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, sự xuất hiện của các “ông lớn” trên UPCoM, cùng với việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép nới biên độ dao động giá chứng khoán đăng ký giao dịch trên sàn này từ ± 10% lên ± 15%, áp dụng từ ngày 1/7 vừa qua, “cái tiếng” đìu hiu lâu nay của UPCoM đang dần đi vào dĩ vãng. 

Sẽ sôi động hơn

Theo thống kê chưa đầy đủ của HNX, có khoảng gần 400 DN phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký giao dịch trên TTCK trong năm nay theo Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN. Nếu toàn bộ số DN trên lên sàn đúng hạn, cùng với hơn 200 DN đang đăng ký giao dịch trên UPCoM, thì sàn này có một lượng hàng khá lớn là trên 600 DN.

Theo đại diện HNX, với tốc độ đăng ký lên sàn UPCoM như hiện tại, thì từ nay đến cuối năm, số lượng DN đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ còn tăng mạnh. Mặt khác, hiện do quy định về việc đăng ký niêm yết, giao dịch trên TTCK chưa thực sự rõ ràng, nên khiến không ít DN sau khi tiến hành IPO chưa khẩn trương đăng ký giao dịch trên UPCoM, mà tìm cách đăng ký niêm yết. Nếu vấn đề này được làm rõ trong thời gian tới, thì số lượng và tốc độ các DN đăng ký giao dịch lên UPCoM sẽ còn tăng mạnh hơn so với hiện tại.

Để DN lên sàn UPCoM không chỉ vì phải chấp hành quy định mang tính hành chính tại Quyết định 51/2014 và Nghị định 60/2015, mà trở thành nhu cầu tự thân của DN vì sàn UPCoM có tính hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của NĐT, HNX đã có nhiều nỗ lực “làm mới” UPCoM.

Ngoài nỗ lực nới biên độ dao động giá chứng khoán đăng ký giao dịch trên sàn này đã được hiện thực hóa, HNX còn đang nghiên cứu các giải pháp: thay đổi cách tính chỉ số UPCoM để khắc phục tình trạng khá nhiều cổ phiếu hiện có mức vốn hóa lớn, nhưng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp, phản ánh thiếu chuẩn xác diễn biến thị trường; phân bảng thị trường UPCoM…

Tăng biên độ, UPCoM vào tầm ngắm
Từ ngày 1/7, biên độ giá cổ phiếu trên thị trường UPCoM được nâng từ mức 10% lên 15%. Với động thái này, UPCoM được kỳ vọng lọt vào tầm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư