Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhiều tập đoàn lớn quan tâm tới KCN
Khôi Nguyên - 27/11/2013 08:37
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, việc thu hút được các dự án lớn là điểm sáng trong hoạt động của các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT), tạo xung lực cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, những năm gần đây, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển, thu hút đầu tư, cũng như quản lý vận hành của các KCN, KCX, KKT trên cả nước. Các cơ quan chức năng đã có giải pháp gì hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế đặc thù này?

Thời gian qua, nhằm khắc phục khó khăn, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển các KCN, KKT, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan hoạch định chính sách.

Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế
(Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Cụ thể, ngày 2/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hoạt động của các KKT, KCN và cụm công nghiệp, trong đó đề ra các nhiệm vụ, như thắt chặt việc bổ sung quy hoạch, thành lập; rà soát, điều chỉnh quy hoạch; rà soát, xử lý các dự án đầu tư chậm triển khai, kém hiệu quả...

Về chính sách chung phát triển KCN, KKT, Chính phủ đã ban hành Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về KCN, KCX và KKT, trong đó quy định chặt chẽ các điều kiện bổ sung quy hoạch, đầu tư, thành lập; điều chỉnh, bổ sung các quy định về nhà ở công nhân, cơ chế hoạt động của KCN, KKT.

Điểm quan trọng của Nghị định là tiếp tục cơ chế phân cấp, ủy quyền của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh cho ban quản lý KCN, KKT thực hiện nhiệm vụ quản lý trên các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động...

Về ưu đãi đầu tư, Quốc hội đã ban hành Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, trong đó bổ sung quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến KCN, KKT.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số KKT ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước; phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển KKT ven biển đến năm 2020.

Đồng thời, nhiều giải pháp chính sách khác về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai cũng đang được các cơ quan nghiên cứu, triển khai, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy các KCN, KKT tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là đang có những dịch chuyển nhất định trong dòng vốn đầu tư, cả về chất và lượng, theo ông, UBND, ban quản lý KCN, KKT các địa phương cần có động thái gì để thực hiện chủ động và hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ của mình?

Để phát huy vai trò của UBND, ban quản lý KCN, KKT các địa phương trong việc thu hút đầu tư, đổi mới cơ cấu đầu tư, cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tuân thủ nghiêm các cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, thành lập KCN, KKT, tập trung vào thu hút đầu tư, phát triển các KCN, KKT đã thành lập, không đề xuất phát triển KCN, KKT tràn lan khi chưa đáp ứng đủ điều kiện.

Thứ hai, quán triệt và thực hiện tích cực, đồng bộ các quyền hạn, trách nhiệm được phân cấp, ủy quyền tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP, Nghị định 164/2013/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan. Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động thống nhất giữa ban quản lý KCN, KKT với các sở, ban, ngành địa phương, trong đó cần xác định rõ vị trí, vai trò của ban quản lý KCN, KKT trong quản lý nhà nước đối với KCN, KKT ở địa phương theo cơ chế phân cấp, ủy quyền.

Thứ ba, tích cực và chủ động hơn trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến, vận động đầu tư hiệu quả, thiết thực, tập trung vào các nhà đầu tư chiến lược, các dự án gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; kiên quyết không thu hút các dự án đầu tư có trình độ công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường.

Thứ tư, thường xuyên rà soát quy hoạch phát triển KCN, KKT, các dự án đầu tư vào KCN, KCX, KKT để có biện pháp hỗ trợ kịp thời hoạt động của các dự án, đề xuất điều chỉnh quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch các phần diện tích quy hoạch không triển khai được trong thực tế, kiên quyết xử lý các dự án đầu tư chậm triển khai, kém hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Đâu là điểm sáng trong bức tranh tổng thể về các KCN, KCX, KKT hiện nay?

Nhờ thực hiện một loạt giải pháp, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hoạt động của các KCN, KKT thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác quy hoạch, thành lập và đầu tư phát triển các KCN, KKT được triển khai nghiêm túc và đi vào nề nếp. Chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý KCN, KKT được tiếp tục hoàn thiện và thống nhất. Môi trường đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư vào KCN, KKT được củng cố và cải thiện.

Từ những cơ sở về chính sách này, điểm nổi bật của các KCN, KKT gần đây là đã được sự quan tâm của các tập đoàn lớn, uy tín trên thế giới và đã thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng đầu tư vào KCN, KKT nói riêng và cả nước nói chung.

Cấp thiết ban hành luật khu kinh tế
Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, cũng như doanh nghiệp hoạt động trong các khu công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư