Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cấp thiết ban hành luật khu kinh tế
Hữu Phúc - 27/11/2013 08:47
 
Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, cũng như doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT), cấp thiết phải sớm ban hành Luật KKT. >>> Nhiều tập đoàn lớn quan tâm tới KCN >>> Khu công nghiệp, khu kinh tế hút dự án tỷ đô

Ban quản lý các KCN, KCX và KKT (gọi tắt là BQL KKT) hoạt động theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ.

Theo đó, BQL KKT đã thực hiện tương đối đầy đủ chức năng quản lý nhà nước và là cơ quan đầu mối thực hiện mô hình “một cửa” trong KCN, KCX, KKT đối với giải quyết các thủ tục có liên quan. Mô hình này đã được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao, bởi nó tiết kiệm thời gian, cũng như chi phí.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định 29/2008/NĐ-CP ra đời, đã có nhiều nghị định, thông tư chuyên ngành khác ban hành chồng chéo, loại bỏ một số nội dung quy định tại nghị định này, thu hẹp dần chức năng, vai trò quản lý nhà nước đối với BQL KKT, làm cho mô hình “một cửa, một đầu mối” trong KKT bị phá vỡ, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo quy định tại điểm d, Khoản 2, Điều 37 Nghị định 29/2008/NĐ-CP, BQL KKT “Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đối với công trình xây dựng trong KCN, KKT cho tổ chức liên quan”. Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ tại Khoản 10, Điều 29, Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Cũng theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP, BQL KKT xác nhận hợp đồng, văn bản về bất động sản trong KCN, KKT cho tổ chức có liên quan, nhưng theo quy định tại Nghị định 04/2013/NĐ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng: “Bãi bỏ quy định tại điểm g, Khoản 2, Điều 37 của Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và KKT”.

Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, kể từ ngày 25/2/2013, các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong KCN, KKT, khu công nghệ cao thuộc thẩm quyền chứng nhận của các tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở.

Ông Huỳnh Việt Dũng, Phó trưởng BQL KKT Cần Thơ cho biết, trước đây, việc tổ chức thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong KCN, KCX Cần Thơ do BQL thực hiện theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP, nhưng từ ngày 8/2/2013, UBND TP. Cần Thơ đã có Công văn 669/UBND-KT chuyển giao chức năng này về cho Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện thực hiện (theo quy định tại Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường).

Cũng theo ông Dũng, thời gian gần đây, thu hút đầu tư vào các KCN Cần Thơ ngày càng sụt giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thủ tục hành chính đối với KCN không còn “một cửa, tại chỗ”, mà ngày càng rườm rà, phức tạp, có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước đối với các KCN. Từ đó, làm cho nhà đầu tư nản lòng không muốn đầu tư vào KCN.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng BQL các KCN Vĩnh Long cho biết, do nắm rõ các doanh nghiệp trong KCN, nên việc xác nhận các hợp đồng, giao dịch bất động sản trong KCN trước đây được BQL làm rất nhanh, mà doanh nghiệp không phải mất phí công chứng. Nay công việc này do các văn phòng công chứng làm, bởi không nắm rõ về doanh nghiệp, nên họ cần có thời gian xác minh, doanh nghiệp vừa phải chờ lâu, vừa mất phí.

“Gần đây, nhiều doanh nghiệp trong KCN than với BQL về việc họ phải bỏ ra 5 - 10 triệu đồng cho phí công chứng, thay vì trước đây BQL xác nhận không thu tiền”, ông Hiếu cho biết.

Ông Phan Thành Phi, Trưởng BQL KKT Long An cho rằng, mục đích việc thành lập BQL KKT là nhằm hình thành một cơ quan đầu mối giải quyết các thủ tục nhanh, gọn, để thu hút được nhiều dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Thời gian qua, các BQL đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo ủy quyền của các bộ, ngành trung ương và UBND cấp tỉnh. Thế nhưng, gần đây, nhiều chức năng quản lý nhà nước của Ban bị chuyển giao về cho các sở, ngành khác. Như vậy, sự tồn tại của các BQL có còn cần thiết nữa hay không?”, ông Phi nêu vấn đề.

Một lãnh đạo BQL KKT trong vùng ĐBSCL (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Việc hình thành các KCN, KCX, KKT cũng như thành lập các BQL là để thực hiện tốt chủ trương cải cách thủ tục hành chính, quy về một đầu mối quản lý, giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp không phải đi tới nhiều cửa. Nhưng với việc ban hành các nghị định, thông tư chồng chéo, loại bỏ một số chức năng của các BQL như vừa qua, xem như đã đi ngược lại chủ trương này”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư