Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiều trường đại học lớn công bố phương án tuyển sinh năm 2022
D.Ngân - 27/12/2021 16:16
 
Ngày 27/12, Trường Đại học Ngoại thương đã công bố đề án tuyển sinh năm 2022.

Theo phương án mới được công bố, năm nay ĐH Ngoại thương dành một số chỉ tiêu để xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức trong năm 2022.

Nhiều trường đại học lớn công bố phương án tuyển sinh năm 2020

Chi tiết về các phương án tuyển sinh của Đại học Ngoại thương được công bố như sau:

Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho 3 nhóm đối tượng.

Thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia (hoặc tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp điểm xét tuyển của trường); 

Thí sinh đạt giải (Nhất, Nhì, Ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/TP lớp 11 hoặc lớp 12; Thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.

Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, hoặc kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level), áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.

Phương thức 3: Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.

Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn và định hướng nghề nghiệp quốc tế.

Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức trong năm 2022, áp dụng cho một số chương trình tiêu chuẩn.

Phương thức 6: Xét tuyển thẳng được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhà trường.

Theo đại diện Đại học Ngoại thương, các phương thức tuyển sinh riêng của trường sẽ được thực hiện trên Hệ thống tuyển sinh trực tuyến của trường, dự kiến bắt đầu từ tháng 5/2022.

Theo đó, thí sinh có thể đăng nhập hệ thống từ 15/1/2022 để xét tuyển thử và nhận tư vấn trực tiếp về ngành nghề, các phương thức xét tuyển.

Năm 2022, ĐH Ngoại thương sẽ tuyển sinh 4.050 chỉ tiêu cho cả 3 cơ sở tại Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh.

Được biết, năm 2021, điểm trúng tuyển các nhóm ngành của Đại học Ngoại thương tại trụ sở chính Hà Nội và cơ sở 2, TP.HCM tương đối đồng đều và có mức điểm thấp nhất là 28,05 của tổ hợp A00. 

Điểm trúng tuyển của các ngành tuyển sinh tại cơ sở Quảng Ninh (ngành Kế toán, ngành Kinh doanh quốc tế) cho các tổ hợp A00, A01, D01, D07 đều là 24 điểm.

Với Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Vũ Duy Hải, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh nhà trường cho hay, năm 2022, về cơ bản, trường vẫn giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như các năm 2020, 2021.

Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2022 là 7.500 thí sinh, trong đó, ĐH Bách khoa Hà Nội dành khoảng 20-30% số chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, 60-70% chỉ tiêu xét tuyển dưa vào kết quả thi đánh giá tư duy và chỉ còn khoảng 10-20% tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT

Dự kiến, kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được tổ chức gọn nhẹ, không gây áp lực cho thí sinh, diễn ra trong 1 ngày tại 4 điểm khu vực miền Bắc gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Hàng hải (Hải Phòng), Trường Đại học Vinh (Nghệ An), Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ).

Kỳ thi tư duy được thiết kế với các môn bắt buộc như Toán và Đọc hiểu - theo cấu trúc đã được tổ chức vào năm 2020. Năm 2022 sẽ có thêm môn Khoa học tự nhiên bao gồm: Lý - Hóa - Sinh và lấy một đầu điểm.

Ngoài ra, có môn Ngoại ngữ để tạo điều kiện cho những thí sinh có ngoại ngữ tốt vào một số ngành không phải là kỹ thuật chuyên sâu của như Kinh tế Quản lý, Ngôn ngữ Anh. 

Bài thi được làm trực tiếp trên giấy, hình thức thi chủ yếu là trắc nghiệm. Môn Toán có một phần liên quan đến tự luận để đánh giá phương pháp giải, quy trình giải Toán một cách logic, rành mạch của thí sinh.

Đại diện Đại học Thủy lợi đã thông báo chỉ tiêu dự kiến của trường là khoảng 5.200 sinh viên cho 39 ngành đào tạo.

PGS. Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Thủy lợi cho biết, năm 2022 trường sẽ tuyển sinh dựa theo 4 phương thức là xét tuyển thẳng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, xét kết quả học tập 3 năm THPT và xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Đại học Giao thông Vận tải cho biết, năm 2022, nhà trường sẽ tuyển sinh theo 5 phương thức. Trong đó, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức chủ đạo, chiếm từ 40 đến 50% chỉ tiêu tuyển sinh.

Các phương thức còn lại là xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm hai môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Còn đại diện Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, phương thức tuyển sinh của trường là dành khoảng 30% chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. 70% còn lại là chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải năm 2022 tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu ở 4 phương thức là xét tuyển thẳng và kết hợp; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập 3 năm THPT và xét kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Thông tin mới nhất về xét tuyển, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan này đang đề xuất phương án xét tuyển 1 lần cho cả 2...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư