Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Nhiều trường tăng học phí thấp hơn mức trần để hỗ trợ sinh viên
Mộc An - 17/01/2024 14:38
 
Lộ trình tăng học phí đại học bắt đầu từ năm học 2023-2024. Mức tăng thấp hơn so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP được giới chuyên gia cho là hợp lý.

Ngày cuối cùng của năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP về học phí công lập. Theo đó, lộ trình tăng học phí đại học lùi 1 năm. Cụ thể, trần học phí ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 12 - 24,5 triệu đồng/năm, tùy ngành, thay vì 13,5 - 27,6 triệu đồng như Nghị định 81.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 97, trong đó có quy định điều chỉnh tăng học phí đại học từ năm học 2023 - 2024 so với năm học 2022 - 2023, nhưng tăng thấp hơn so với lộ trình của Nghị định 81 theo các chuyên gia là một quyết định phù hợp. Giải pháp này được đánh giá là hài hòa cho cả các nhà trường và sinh viên. Bởi thực tế cho thấy, nếu không tăng học phí thì các trường sẽ rất khó khăn, nhưng nếu học phí tăng mạnh thì sinh viên, đặc biệt là sinh viên nghèo sẽ không thể kham nổi.

Sau khi Chính phủ chốt việc tăng học phí đại học, nhiều trường đại học đã đưa ra mức học phí mới cho năm học 2023 - 2024. Chẳng hạn, học phí Trường đại học Mỏ - Địa chất dự kiến tăng lên 12,5 - 14,5 triệu đồng/năm, thấp hơn mức trần khoảng 2 triệu đồng. Trường đại học Công thương TP.HCM dự kiến tăng lên gần 25 triệu đồng/năm, thấp hơn mức trần dành cho trường tự chủ hoàn toàn.

Cũng trong lộ trình tăng học phí, năm học 2023 - 2024, Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tăng mức học phí lên 780.000 đồng/tín chỉ. Tại Trường đại học Kinh tế quốc dân, học phí hiện tại dao động 10,5 - 35 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Trường dự kiến giữ ổn định mức này cả năm nay và năm học tới, trong khi theo Nghị định 97, trường được phép thu 24 - 61 triệu đồng/năm, tức gần gấp đôi hiện tại, vì đã tự chủ hoàn toàn.

Tương tự, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, Trường đại học Công thương TP.HCM, Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, năm học 2023 - 2024, vẫn áp dụng mức học phí của năm học trước, chưa tăng học phí. Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM cũng giữ nguyên mức đang thu là 10,6 - 23,1 triệu đồng/năm và giữ ổn định trong 4 năm liên tiếp.

Theo đại diện một số nhà trường, thời điểm này việc đăng ký học phần, thu học phí học kỳ 2 cũng đã thực hiện. Do đó, bất kỳ sự điều chỉnh tăng học phí nào cũng ảnh hưởng đến sinh viên. Hơn nữa, thời điểm cận Tết, việc tăng học phí có thể gia tăng gánh nặng cho gia đình sinh viên.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng học phí là việc cần thiết, song trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, trường đại học cần thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ với người học.

“Thực tế, không ít sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn, trường phải tìm kiếm các nguồn tài chính từ bên ngoài để hỗ trợ các bạn. Nhiều sinh viên khi được hỏi cho biết, họ sẽ phải đi làm thêm, tăng ca để có thể đáp ứng được mức học phí mới”, một chuyên gia nói.

TS. Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, học phí hiện là nguồn thu chính của các trường, nhưng nếu chỉ dựa vào học phí thì sẽ rất khó để nâng chất lượng đào tạo.

Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người học, nhất là những đối tượng yếu thế, các trường đại học cần đa dạng nguồn thu, mở rộng, tìm kiếm các nguồn kinh phí ngoài học phí để hỗ trợ người học khi tăng học phí. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

“Việc điều chỉnh tăng học phí cần có sự kiểm soát của Nhà nước và phải đảm bảo không vi phạm nguyên tắc công bằng của giáo dục để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học”, ông Khuyến nhấn mạnh.

Tăng học phí luôn được xã hội yêu cầu là phải đi kèm với tăng chất lượng. TS. Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học (Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho hay, khi học phí tăng, các trường có nguồn lực để đầu tư cho cơ sở vật chất, phòng thực hành, nghiên cứu, tăng lương cho giảng viên, sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo.

Còn về quyền lợi của sinh viên sau khi tăng học phí, ông Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - sinh viên (Trường đại học Mỏ - Địa chất) cho biết, học phí tăng sẽ giúp cải thiện nhiều quyền lợi cho sinh viên. Bởi giá trị học bổng, mức vay vốn và nhiều gói hỗ trợ khác đều được tính dựa trên học phí.

Học phí tăng, chất lượng có tăng tương ứng?
Học phí tăng mạnh, liệu chất lượng giáo dục đại học có tăng hay vẫn “giậm chân tại chỗ” đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư