Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 22 tháng 07 năm 2024,
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Nhiều việc cần làm để phát triển nhà đầu tư tổ chức trên sàn chứng khoán
Thanh Thuỷ - 21/07/2024 10:59
 
Cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn. Tuy vậy, còn nhiều việc cần làm để giải bài toán này.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính

Dư địa để tăng sở hữu của nhà đầu tư tổ chức còn rất lớn

Tính đến cuối tháng 6/2024, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức vượt qua cột mốc 8 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản đã tăng lên nhanh chóng các năm gần, trong đó đã có thêm hơn 600.000 tài khoản mở mới riêng nửa đầu năm nay. Dù vậy, phần lớn lượng tài khoản tăng thêm đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức đến này đạt 21.556 tài khoản, chiếm tỷ trọng chưa đến 2,7%. 

Tại Chương trình “Đối thoại tháng 7” thường niên về thị trường chứng khoán với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức” vừa tổ chức, câu chuyện thu hút các tổ chức, định chế tài chính tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam đặc biệt được quan tâm. 

Theo ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính, để một thị trường chứng khoán phát triển bền vững và chất lượng, nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn. Dù vốn hoá thị trường Việt Nam đã lớn, số lượng tài khoản nhà đầu tư gần 8 triệu, cơ cấu và lượng tài khoản rất khiêm tốn của nhà đầu tư tổ chức là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của thị trường Việt Nam.

Cùng quan điểm, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng việc nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ trọng hơn trên 90% cũng là một trong những yếu tố khiến thị trường chứng khoán chưa ổn định, chịu ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý nhà đầu tư. Như các thị trường phát triển, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức thường chiếm 50-60%.

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư tổ chức thực tế đang đầu tư vào nhiều loại tài sản, không riêng cổ phiếu. Từ góc nhìn của một đơn vị trung gian, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và Tổng Giám đốc FiinRatings, việc xây dựng giải pháp thu hút nhà đầu tư tổ chức, cần tập trung và ưu tiên một số nhóm nhà đầu tư tổ chức nhất định.

Trong đó, nhóm Quỹ chủ động trong và ngoài nước cùng Bảo hiểm Xã hội và Quỹ hưu trí tư nhân là các tổ chức có tiềm năng lớn phân bổ vào kênh cổ phiếu, trái phiếu. Các quỹ nội địa tại Việt Nam hiện có khoảng 110 quỹ nhưng giá trị tài sản quản lý 74.000 tỷ đồng vẫn quá nhỏ so với tiềm năng lớn. Đối với quỹ hưu trí tự nguyện, hiện có 10 tổ chức được thành lập và hoạt động nhưng quy mô còn rất hạn chế.

Dư địa đầu tư của các nhóm nhà đầu tư tổ chức - Nguồn : Fiin Group

Cũng theo ông Thuân, tỷ lệ sở hữu được tự do chuyển nhượng (free-float) trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính ở mức 45,5%. Cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.

Còn nhiều việc cần làm 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức thấp là điều Bộ Tài chính và UBCKNN nhận đã ra từ lâu. Cơ quan quản lý đã báo cáo Chính Phủ xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường giai đoạn tới là phát triển nhà đầu tư tổ chức.

“Để phát triển và tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức, có rất nhiều điều phải làm. Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện, mở ra hoạt động cho các dạng quỹ đầu tư. Đối với quỹ hưu trí tự nguyện, cần xem xét quy định đã đủ rõ ràng để đảm bảo quỹ hoạt động hiệu quả, nghiêm túc. Luật Bảo hiểm xã hội mới đây đã được thông qua, Bộ Tài chính được giao rà soát, đánh giá, báo cáo sửa đổi, bổ sung quy định về hưu trí tự nguyện. Chúng ta cần có quy định để khuyến khích, huy động được nguồn lực này bởi đây là dư địa rất lớn”, ông Chi cũng nhấn mạnh. 

Một số công ty quản lý quỹ đã ra sản phẩm quỹ hưu trí nhưng thực tế quy mô vẫn còn rất thấp. Theo ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), việc xây dựng hệ thống tài khoản hưu trí cá nhân đã thực hiện nhưng đang chững lại sau một số năm phát triển. 

Với vai trò là một trong ba trụ cột an sinh bên cạnh bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ông Sơn cũng cho rằng cần có cơ chế về thuế và về phân bố tài sản đầu tư để các quỹ này hoạt động tốt hơn. 

Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC)

Ngoài ra, theo ông Sơn, VSDC đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với  Clearstream  Banking SA về kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình tài khoản tổng (Omibus Account) để thu hút các dòng vốn Châu Âu vào Việt Nam. 

“Họ sẵn sàng làm thành viên của VSDC và sẵn sàng đưa các cái quỹ đầu tư của Châu  Âu vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều quan ngại trong kiểm soát dịch chuyển dòng vốn đầu tư nên chưa triển khai được vấn đề này”. Nếu tháo gỡ được, ông Sơn cho rằng đây là cửa ngõ đưa quỹ đầu tư châu Âu vào Việt Nam, có thể tạo ra ảnh hưởng tốt tới cộng đồng quỹ của nước ngoài. 

Cùng đó, cơ chế để xây dựng sản phẩm mới cũng được nhiều bên đề cập. Từ phía công ty chứng khoán, ông Trịnh Hoài Giang - Tổng Giám đốc HSC mong muốn có cơ chế mới, cho phép thực hiện hoạt động repo, tức là mua bán lại cho nhà đầu tư, để đáp ứng được  nhu cầu đối với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời,vlà cái cơ sở để cho công ty chứng khoán tham gia sâu hơn vào hoạt động quản lý gia sản (wealth management).

Bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức, một yếu tố tác động trực tiếp đến sự phát triển của các quỹ còn là tâm lý của nhà đầu tư cá nhân ưa thích tự quản, tự đầu tư chứng khoán, chưa lựa chọn đầu tư qua các tổ chức chuyên nghiệp.

Cũng tại buổi Đối thoại, một thực tế được ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ ra là việc rất nhiều cá nhân dễ dàng chấp nhận đầu tư, tham gia vào các chương trình đầu tư được quảng bá trên mạng xã hội với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ. Trong khi đó, các quỹ huy động vốn trong nước lại rất khó khăn. Dù lý thuyết cơ bản trong đầu tư là lợi nhuận đi kèm rủi ro nhưng thực tế không ít nhà đầu tư bỏ qua rủi ro, chỉ tập trung vào lợi nhuận. Do đó, theo ông Hải, công tác tuyên truyền, đào tạo nhà đầu tư có lẽ vẫn làm chưa tốt và cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Bán ròng 2,43 tỷ USD trên sàn chứng khoán, khối ngoại vượt kỷ lục năm 2021
Giá trị bán ròng của khối ngoại đến phiên ngày 15/7 đạt 61.338 tỷ đồng, tương đương 2,43 tỷ USD. Đà bán ròng thời gian qua cũng chính thức kéo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư