Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhiều vướng mắc, khó khăn khi học sinh trở lại trường
D.Ngân - 08/11/2021 19:53
 
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường phải đảm bảo học sinh không bị sang chấn tâm lý khi dịch xâm nhập vào nhà trường.

Ngày 8/11, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. 

Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh để trở lại trường.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, để đảm bảo công tác giáo dục trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, học sinh trong thời gian qua đã chuyển trạng thái sang phải học trực tuyến, học qua truyền hình. 

Gần đây, một số tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại đã phải điều chỉnh kế hoạch; một số trường phải dừng hoạt động dạy học trực tiếp vì xuất hiện chùm ca bệnh trong trường.

Việc đưa trẻ, học sinh, sinh viên đến trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo an toàn phòng dịch bệnh là nhu cầu chính đáng và cấp thiết. Vì vậy Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự hợp tác chặt chẽ, đồng thời ban hành các kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể. 

Theo bà Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản 4726 gửi các địa phương, với mong muốn cụm từ “thích ứng an toàn” sẽ được các địa phương triển khai mạnh mẽ. 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã hướng dẫn rõ ràng về xác định cấp độ dịch, để thầy cô và các em học sinh trở lại trường học trực tiếp. 

"Việc học trực tuyến, học qua truyền hình kéo dài đã ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và yêu cầu đặt ra cho chương trình giáo dục năm học 2021-2022, theo đó, chất lượng giáo dục có những ảnh hưởng nhất định", Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Những tiêu chí về đảm bảo an toàn trường học đã được 2 Bộ đặt ra và đang tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí, quy định an toàn, ban hành Sổ tay Covid-19 trong nhà trường… 

Với việc xác định chính xác cấp độ dịch, để quyết định đưa học sinh trở lại trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định đây là vấn đề còn nhiều khó khăn. 

Theo đó, đề nghị các địa phương có báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa học sinh trở lại trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ báo cáo với Chính phủ để có giải pháp đảm bảo an toàn và quyền của học sinh khi đi học trực tiếp.

Tại Hội nghị đại biểu ngành Giáo dục đến từ các địa phương đã đưa ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch như vấn đề đeo khẩu trang liên tục, giãn cách trong trường học, xử trí như thế nào khi xuất hiện F0... 

Đây là những vướng mắc mà các ngành Giáo dục các địa phương còn lúng túng khi triển khai học trực tiếp trở lại. 

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt nhấn mạnh, phải đảm bảo học sinh không bị sang chấn tâm lý khi dịch xâm nhập vào nhà trường.

Vì vậy cần có đề xuất, tập huấn kỹ năng cho giáo viên và phụ huynh về cách ứng xử, tránh tâm lý kỳ thị với học sinh F0 khi quay trở lại trường.

Liên quan đến vấn đề để trẻ quay lại trường học, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 toàn quốc độ bao phủ tương đối cao, đặc biệt các tỉnh miền Nam. 

Nhận định của Tổ chức y tế thế giới (WHO), và các nước trên thế giới, tình hình dịch năm 2021 -2022 vẫn phức tạp, chưa thể kết thúc và chưa dự báo có biến chủng nữa không. 

Vì vậy các nước bắt đầu thay đổi biện pháp phòng chống dịch. Hiện nay, trên thế giới, có 105/134 quốc gia đã mở cửa trường học trở lại. Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, các địa phương, doanh nghiệp đón nhận một cách hồ hởi, phấn khởi. 

Đây là giải pháp trong tình hình hiện nay và thời gian tới, phải thích ứng, an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch.

Đặt vấn đề cho lĩnh vực giáo dục, học sinh có cần tiếp tục học ở nhà không? Chúng ta vẫn thống nhất an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Do đó, ông Tuyên cho rằng, các địa phương phải rà soát, hướng dẫn cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình hiện nay theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 128 là "thích ứng, linh hoạt"; đồng thời, xây dựng kế hoạch khi có F0 trong trường học. 

Theo Nghị quyết 128, địa phương cấp độ dịch 1, các trường dạy, học trực tiếp bình thường; cấp độ 2, dạy, học trực tiếp bình thường/hạn chế. Cấp độ dịch 3, dạy, học trực tiếp hạn chế, cấp độ dịch 4, ngừng dạy, học trực tiếp.

“Các địa phương căn cứ vào tình hình dịch tại địa phương để quyết định cho trẻ đến trường. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn phòng chống dịch ở trường học về công tác vệ sinh, khử khuẩn, xử trí khi các trường hợp nghi mắc, mắc Covid-19, phong toả dập dịch...", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.  

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam có 2 loại vắc-xin phòng Covid-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna. 

Liều lượng và kỹ thuật tiêm được thực hiện tương tự với người lớn. Vắc-xin tiêm cho trẻ em 3-11 tuổi là loại có liều lượng tiêm khác. Các địa phương cần triển khai lập danh sách trẻ em 3-11 tuổi để xây dựng kế hoạch cung ứng vắc-xin cho độ tuổi này.

Nêu rõ hơn việc bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường, ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế nêu rõ, quan điểm "Phải an toàn mới đi học và khi đi học phải an toàn".

Khi có trường hợp nghi mắc trong trường học, ông Dương Chí Nam hướng dẫn cần thông báo cho trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh;

Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách; yêu cầu hạn chế tiếp xúc người xung quanh, tránh ở gần dưới 2 m; thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi đến phòng cách ly tạm thời; gọi điện thoại cho đường dây nóng của cơ quan y tế theo quy định của địa phương để thực hiện xét nghiệm nCoV.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo không sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển trường hợp nghi mắc đến cơ sở y tế. Cuối cùng, đơn vị trường học cần lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc khi cơ quan y tế yêu cầu.

Khi có bệnh nhân Covid-19 trong trường học, đơn vị cần phong tỏa tạm thời, thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Lập tức tách F0 và đưa đi cách ly, điều trị.

Cơ sở trường học phát hiện F0 cũng cần rà soát ngay để phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, truy vết F1 triệu để tại trường học cũng như trong cộng đồng. Tổ chức ngay lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động của trường.

Các trường hợp F2 cũng được rà soát, xem xét lấy mẫu xét nghiệm nếu thấy F1 có nguy cơ trở thành F0. Những người là F2 được hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1. Trong khi chờ kết quả, học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ, thực hiện nghiêm túc 5K.

Kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi trong thời gian tới vẫn theo theo nguyên tắc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên; ưu tiên tiêm đủ liều cho các đối tượng 50 tuổi trở lên.

 Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, đoàn thể để triển khai chiến dịch tiêm chủng. Việc sử dụng vắc-xin cần đảm bảo an toàn và hiệu quả.

 Việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi bắt đầu từ quý IV. Mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi).

Tin mới về dịch Covid-19 ngày 7/11: Tăng tốc tiêm vắc-xin sau “nhắc nhở” của Bộ Y tế
Số lượng tiêm vắc-xin tăng lên tới 2 triệu mũi/ngày sau khi Bộ Y tế "nhắc nhở" một số địa phương tiêm chậm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư