Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Nhiều yếu tố gây áp lực tăng CPI
Mạnh Bôn - 04/04/2018 08:25
 
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 và 3 tháng đầu năm rất thấp, nhưng trong 9 tháng còn lại của năm 2018, mặt bằng giá thị trường chịu tác động đan xen của nhiều yếu tố gây áp lực tăng CPI.
TIN LIÊN QUAN

CPI tháng 3 và 3 tháng đầu năm rất thấp. CPI bình quân quý I/2018 chỉ tăng 2,82% so với cùng kỳ 2017, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 4% mà Quốc hội đặt ra. Theo bà, năm nay có nên quá lo lắng về lạm phát?

CPI tháng 3 giảm là theo quy luật, vì đây là tháng đầu tiên sau Tết Nguyên đán, nên nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm tươi sống, rau sạch, hoa quả tươi của người dân giảm. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ khác như may mặc, mũ nón, giày dép, đồ uống, bia rượu, thuốc lá, đi lại, du lịch… của người dân cũng giảm mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày.

.
.

Cộng thêm với việc giá gas giảm và giá dịch vụ giao thông công cộng được điều chỉnh về mức giá của ngày thường, nên CPI tháng 3 giảm so với tháng 2. Nhưng vấn đề là, đã xuất hiện nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước gây áp lực lên lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2018.

Tức là, còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng trở lại?

Nguy cơ lạm phát tăng trở lại đã nhìn thấy trước. Đó là việc tăng giá dịch vụ y tế bước 2 theo lộ trình giá thị trường (kết cấu thêm chi phí tiền lương của nhân viên y tế vào trong giá) đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế; tăng giá dịch vụ giáo dục (học phí); tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động; và tăng lương cơ sở từ 1,3 triệu lên 1,39 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2018 đối với khu vực nhà nước.

Giá bán lẻ điện được triển khai từ tháng 12/2017 cũng là nguy cơ tiềm ẩn đe dọa lạm phát không nhỏ vì điện là đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá điện tăng sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng lên. Ngoài ra, còn phải kể đến kiến nghị tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính đối với mặt hàng xăng tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng/lít… kể từ ngày 1/7/2018 chắc chắn cũng gây áp lực lên lạm phát.

Còn nguy cơ chưa nhìn thấy trước, không lượng hóa được gây áp lực lên lạm phát, đó chính là yếu tố khách quan. Ngoài biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, giông bão, lũ lụt diễn biến khó lường tác động xấu tới hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, thì việc giá xăng dầu và nguyên, nhiên vật liệu và các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng, chắc chắn tác động không nhỏ tới lạm phát.

Vậy có thể hình dung những yếu tố khách quan trên tác động thế nào lên lạm phát?

Giá giao dịch xăng dầu trên thị trường thế giới quý I/2018 là 66,88 USD/thùng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2017 (54,65 USD/thùng), đã đẩy giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng 9,18%, góp phần làm tăng CPI 0,38 điểm phần trăm.

Theo dự báo, nhiều khả năng giá xăng dầu trên thị trường thế giới năm nay giao dịch bình quân từ 70-80 USD/thùng do nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên thế giới đang phục hồi nhờ tăng trưởng kinh tế và các nước OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ) vẫn kiên định trong việc hạn chế khai thác. Nếu giá xăng dầu trên thị trường thế giới đạt 75-80 USD/thùng, cộng với tăng thuế bảo vệ môi trường, sẽ tác động rất mạnh lên giá bán lẻ xăng dầu trong nước, qua đó đe dọa tới mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% như Quốc hội đặt ra.

Giá các mặt hàng là đầu vào của hoạt động sản xuất cũng như tiêu dùng trên thị trường thế giới đang trong xu hướng tăng. Trong quý I năm nay, trong số 40 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thì có 27 nhóm tăng giá so với quý trước đó. Trong số 42 nhóm hàng hóa nhập khẩu chính yếu của Việt Nam, có tới 31 nhóm tăng giá, trong đó có những nhóm hàng vô cùng quan trọng như than đá, sắt, thép, kim loại khác…

Trước những động thái trên, bà dự báo thế nào về biến động giá cả trong năm nay?

Phân tích, đánh giá bối cảnh trong nước và thế giới cho thấy, trong 9 tháng cuối năm, mặt bằng giá thị trường chịu tác động đan xen của nhiều yếu tố gây áp lực tăng CPI, nhưng cũng có nhiều yếu tố kiềm chế tốc độ tăng giá.

Trong đó, những yếu tố tác động giúp kiềm chế tốc độ tăng CPI như cung - cầu hàng hóa được cân đối, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá một số nhóm mặt hàng có xu hướng giảm như giá dịch vụ viễn thông nhờ triển khai công nghệ 4G; giá một số dịch vụ có dư địa giảm như giá thuốc chữa bệnh cho người thông qua việc tiếp tục tăng cường và mở rộng danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia với mục tiêu tiếp tục kéo giá thuốc giảm 10-15% trong năm 2018.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục rà soát các dự án, hoàn tất đàm phán với nhà đầu tưngân hàng để điều chỉnh giá dịch vụ BOT tại các trạm BOT đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn; tiếp tục rà soát các chi phí liên quan đến vận hành và khai thác dự án BOT, nhờ đó giá dịch vụ sử dụng đường bộ sẽ tiếp tục giảm.

Với những dự báo diễn biến thị trường giá cả trong và ngoài nước cùng với sự điều hành sát sao của Ban Chỉ đạo điều hành giá, tôi cho rằng, tốc độ tăng CPI bình quân năm nay vẫn giữ được mục tiêu dưới 4%. Nhưng khác với các năm trước, CPI bình quân cả năm sẽ cao hơn CPI tháng 12/2018 (CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53%; CPI tháng 12/2017 tăng 2,6% so với tháng 12/2016), do áp lực tăng giá dồn vào 1-2 tháng cuối năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư