Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Nhìn lại 10 thương vụ M&A tỷ USD nổi bật giai đoạn 2009 – 2023
Trọng Tín - 29/11/2023 14:11
 
Trong khuôn khổ Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức ngày 28/11, Ban tổ chức đã công bố 10 thương vụ M&A lớn nhất, xét về giá trị thương vụ giai đoạn 2009 - 2023.
.
Danh sách 10 thương vụ M&A lớn nhất, xét về giá trị thương vụ giai đoạn 2009 - 2023 được công bố tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023. Ảnh: Lê Toàn.

1. Tập đoàn Thaibev (Thái Lan) mua 54% cổ phần Bia Sài Gòn (Sabeco)

Ngày 18/12/2017, Vietnam Beverage đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phần Sabeco với giá 320.000 đồng/cổ phiếu, tương đương khoảng 53,59% cổ phần. Tổng giá trị thương vụ là gần 110.000 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn nhất tính đến thời điểm đó của ngành bia châu Á, cũng là thương vụ dẫn đầu về giá trị trong làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam.

2. Liên minh gồm Chow Tai Fook, Suncity and VMS Investment mua lại 80% cổ phần từ VinaCapital trong Dự án Khu nghỉ dưỡng kết hợp casino tại Nam Hội An, Quảng Nam

Cuối 2010, dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 4 tỷ USD cho liên doanh VinaCapital và Gentinh Berhad của Maylaysia. Đến 2012, Genting bất ngờ rút lui khỏi dự án.

Đến năm 2015, Liên minh gồm Chow Tai Fook, Suncity and VMS Investment công bố mua lại 80% cổ phần từ VinaCapital với giá trị 4 tỷ USD trong Dự án Khu nghỉ dưỡng kết hợp casino tại Nam Hội An.

3. Ngân hàng UOB mua lại toàn bộ mảng ngân hàng bán lẻ của Citigroup tại Việt Nam

Đầu năm 2023, Ngân hàng UOB thông báo hoàn tất mua lại mảng ngân hàng bán lẻ, trong đó có nhận chuyển giao 575 nhân viên của Citi tại Việt Nam. Đây là một phần trong thỏa thuận Citigroup chuyển nhượng mảng ngân hàng bán lẻ tại 4 thị trường gồm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia cho UOB với tổng giá trị 3,7 tỷ USD được hai bên công bố lần đầu vào tháng 1/2022.

4. GIC Private Limited đầu tư Vinhomes

Giữa tháng 4/2018, Tập đoàn Vingroup phát đi thông báo cho biết công ty Vinhomes và một công ty thành viên khác của Tập đoàn đã ký thỏa thuận hợp tác có hiệu lực ngày 12/4 với Quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore. Theo thỏa thuận này, GIC sẽ đầu tư tổng cộng 1,8 tỷ USD dưới hình thức mua cổ phần và cung cấp khoản vay cho Vinhomes để thực hiện các dự án.

5. TNK-BP mua lại tài sản ở Việt Nam của Tập đoàn Dầu khí BP (Anh)

Năm 2011, tập đoàn TNK-BP đã công bố nhận giấy phép đầu tư tại Việt Nam, chính thức hóa thương vụ mua lại tài sản của tập đoàn dầu khí BP (Anh) trị giá 1,8 tỷ USD, bao gồm cả một số tài sản của BP tại Venezuela.

Theo đó, TNK-BP mua lại cổ phần 35% của BP tại một dự án khai thác ở lô 06.1, trong đó có các mỏ khí đốt Lan Tây và Lan Đỏ; cổ phần 32,7% của BP trong dự án đường ống dẫn khí đốt Nam Côn Sơn và kho, cảng; cùng cổ phần 33,3% tại nhà máy điện Phú Mỹ 3.

6. Kuehne + Nagel mua lại Apex International

Năm 2021, Tập đoàn logistics toàn cầu Kuehne + Nagel (có trụ sở chính tại Thụy Sỹ và hoạt động tại Việt hơn 25 năm) đã ký thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD mua lại Apex International Corporation, một trong những công ty giao nhận hàng hóa hàng đầu châu Á. Apex International trực thuộc MBK Partners, có công ty liên quan đang hoạt động tại Việt Nam là Apex Logistics International.

7. Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group - SMBC (Nhật Bản) mua 15% cổ phần VPBank

Tháng 10/2023, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), chính thức đưa ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược.

VPBank đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược SMBC vào cuối tháng 3 vừa qua. Theo đó, ngân hàng chào bán hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho SMBC – ngân hàng trực thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc. (SMFG), Nhật Bản. Tổng giá trị của đợt phát hành đạt hơn 35,9 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD). Toàn bộ số cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm tới.

8. SMBC mua 49% cổ phần VPBank tại FE Credit

Tháng 10/2021, Ngân hàng VPBank phát đi thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ với giá trị 1,4 tỷ USD tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.

Sau thương vụ này, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.

9. Central Group (Thái Lan) mua Hệ thống siêu thị Big C

Năm 2016, Casino Group (Pháp) - đơn vị sở hữu thương hiệu Big C tại Việt Nam phát đi thông cáo đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc bán Big C Việt Nam cho Central Group - một tập đoàn đến từ Thái Lan. Casino tiết lộ giá trị doanh nghiệp của Big C Việt Nam đạt một tỷ euro (tương đương 1,14 tỷ USD). Tập đoàn này cũng cho biết sau thương vụ này sẽ thu về 920 triệu euro, xấp xỉ 1,04 tỷ USD (khoảng 23.300 tỷ đồng).

10. Singha Asia Holding Pte Ltd mua 25% cổ phần Masan Consumer và 33,3% của Masan Brewery

Năm 2016, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Singha Asia Holding Pte Ltd của Thái Lan trong một giao dịch trị giá 1,1 tỷ USD. Theo đó, giao dịch này gồm phần vốn mới cho phép Singha sở hữu 25% cổ phần Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Masan Brewery.

Khai mạc Diễn đàn M&A Việt Nam 2023: Chung tay cùng thịnh vượng
Chiều nay, ngày 28/11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 (M&A Vietnam Forum 2023) lần thứ 15 do Báo Đầu tư tổ chức đã chính thức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư