Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 03 tháng 07 năm 2024,
Nhìn lại quý II thăng trầm của giá vàng trong nước và thế giới
Tùng Linh - 01/07/2024 06:46
 
Ở trong nước và quốc tế, vàng đồng loạt xác lập kỷ lục giá mới trong quý II/2024. Tuy vậy, tăng nóng nhưng hạ nhiệt chóng vánh hơn, khép lại quý vừa qua, giá vàng thế giới chỉ tăng 5%, còn vàng miếng SJC “rơi” cả chục triệu đồng.

Vàng thế giới tuột mốc 2.330 USD/ounce: “Bốc hơi” 120 USD/ounce từ đỉnh

Diễn biến giá vàng theo tuần từ đầu năm đến nay 

Khác với xu hướng tăng áp đảo từng diễn ra ở quý đầu năm, giá vàng thế giới nhìn chung giao dịch giằng co ở quý II với 7 tuần tăng giá và 6 tuần giảm giá. Vàng giảm mạnh nhất ở trung tuần tháng 5. Đây cũng là thời điểm giá vàng lần đầu chạm mốc 2.450 USD/ounce – mức cao kỷ lục trong lịch sử giao dịch.

Đóng cửa ngày cuối tháng 6, giá vàng giao ngay ở mức 2.326 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2024 trên sàn Comex New York đóng cửa tại 2.336,9 USD/ounce. Vàng thế giới đã “bốc hơi” 120 USD/ounce từ đỉnh, tương đương mức giảm gần 5%. Tuy nhiên, giá vàng tăng 5% so với thời điểm cuối quý I và tăng 14% kể từ đầu năm đến nay.

Tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải - sàn giao dịch vàng vật chất lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm giao dịch vàng lớn nhất châu Á, giá vàng cũng ghi nhận diễn biến khá tương đồng. Giá vàng tại đây cũng lập đỉnh vào ngày 19/5 khi có thời điểm giao dịch ở mức gần 575 nhân dân tệ/gram. Xu hướng giảm diễn ra ngay sau đó. Giá vàng giao dịch tại sàn Thượng Hải cuối quý chỉ còn ở mức 543 nhân dân tệ/gram, thấp nhất kể từ ngày 7/5 nhưng vẫn 2,25% trong cả quý II.

Diễn biến giá vàng tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải trong quý II/2024

Một số yếu tố tác động mạnh nhất đến giá vàng thế giới quý vừa qua phải kể đến là tình hình căng thẳng địa chính trị liên quan đến Nga/Ukraine và Trung Đông, động thái của các ngân hàng trung ương (NHTW) đối với kho dự trữ vàng cùng kỳ vọng của các nhà đầu tư trong quyết định điều hành chính sách tiền tệ của các NHTW lớn, đặc biệt là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Sự xoay chuyển của các biến số trên cũng góp phần khiến giao dịch giằng co và khó đoán. Ngay trong tháng 5/2024 – khi vàng xác lập đỉnh giá mới. báo cáo về giá trị giao dịch ròng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho thấy tổ chức này đã không mua thêm vàng để bổ sung vào kho dự trữ, qua đó cũng chấm dứt chuỗi 18 tháng liên tiếp mua vàng.

Cùng đó, việc Fed củng cố quan điểm diều hâu, tiếp tục cẩn trọng và  trì hoãn việc cắt giảm lãi suất chờ đợi sự chắc chắn hơn về xu hướng hạ nhiệt của lạm phát cũng tác động đến giá vàng. Khác với Fed, nhờ tín hiệu hạ nhiệt lạm phát rõ ràng hơn và nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, một số NHTW lớn khác đã có những động thái cắt giảm lãi suất đầu tiên như Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ, Ngân hàng Trung ương Canada và gần đây là ECB cũng tác động lên chỉ số US Dollar Index (DXY). Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến hàng hoá được định giá bằng USD như vàng.

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện đang nghiêng nhiều hơn vào khả năng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 với tỷ lệ đặt cược 64%.

Trong một báo cáo của Bank of America (BofA), các nhà phân tích tại đây dự đoán giá vàng có thể tăng ước đạt 3.000 USD/ounce trong vòng 12-18 tháng tới. Dù vậy, họ cũng thừa nhận thị trường hiện tại không hỗ trợ mức giá này.

Việc cắt giảm lãi suất của Fed có thể kích hoạt dòng vốn chảy vào các quỹ ETF vàng với khối lượng giao dịch cao hơn. Bank of America (BofA) dự đoán các ngân hàng trung ương có thể giảm tỷ trọng USD trong danh mục đầu tư ngoại hối, từ đó thúc đẩy việc gia tăng tỷ trọng của vàng. Báo cáo này cũng đề cập đến một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới phản ánh ý định mua thêm vàng của các ngân hàng trung ương trước mối lo ngại về thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. BofA không đưa khả năng về sự sụp đổ của thị trường trái phiếu Mỹ vào kịch bản cơ bản nhưng cũng xét đến như một rủi ro tiềm ẩn.

Vàng trong nước rơi sâu nhờ loạt biện pháp bình ổn

Tại thị trường trong nước, giá vàng đã từng phản ứng quá đà trước diễn biến tăng của vàng thế giới. Đã có thời điểm trong quý II, vàng miếng SJC trở lại cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới 20 triệu đồng/lượng, ngang ngửa mức kỷ lục từng ghi nhận hồi cuối năm 2023. Ở giai đoạn đỉnh điểm, vàng miếng SJC được mua vào với giá 90,2 triệu đồng/lượng trong khi giá bán ra vượt mốc 92 triệu đồng/lượng. Không chỉ “nóng” về giá, giao dịch cũng không dễ dàng trong giai đoạn này khi nhiều hãng vàng thông báo hết vàng và cũng chỉ mở bán khoảng thời gian ngắn trong ngày.

Các biện pháp bình ổn giá vàng đã được thực thi khi quản lý thị trường vàng, cụ thể là mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, là nội dung liên tục được Chính phủ đề cập. Trong văn bản số 213/TB-VPCP ngày 10/5/2024  được Văn phòng Chính phủ ban hành thông về báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng, ‘”không để chậm trễ hơn nữa” là cụm từ được nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai tổ chức đấu thầu bán vàng miếng cho các đơn vị kinh doanh vàng từ ngày 22/4. Tổng cộng 9 phiên thành công cùng khoảng 48.500 lượng vàng được bán ra, tương đương khoảng 1,82 tấn vàng. Sau khi biện pháp này không cho thấy nhiều hiệu quả, NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng và triển khai phương án bình ổn thay thế từ ngày 03/6/2024 thông qua việc bán vàng trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) để các tổ chức này bán lại cho người dân. Giá vàng miếng bán ra tại các tổ chức này cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá bán ra từ NHNN.

Không có thông tin chính thức về số lượng vàng miếng SJC đã bán ra thời gian qua. Tuy nhiên, thị trường vàng đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá. Chỉ trong gần hai tuần đầu tiên kể từ khi biện pháp bình ổn mới được công bố vào tối 27/5, giá vàng miếng SJC đã giảm hơn 13 triệu đồng/lượng. Tính đến ngày 28/6, vàng miếng SJC đi ngang trong ba tuần với giá bán ra được niêm yết ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Hầu hết các bên công bố giá mua vào tại 74,98 triệu đồng/lượng. Cá biệt, Phú Quý và Bảo tín Minh Châu mua vào tại mức 75,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn biến động theo diễn biến giằng co của thị trường quốc tế nhưng nhìn chung cũng không ghi nhận thay đổi quá lớn. Đến cuối quý II, giá vàng nhẫn tại SJC giao dịch ở mức 73,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 75,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại Bảo tín Minh Châu, giá vàng nhẫn nhỉnh hơn, giao dịch ở mức 74,68 triệu đồng/lượng (mua vào) và 75,98 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tỷ giá lại “nóng” do USD mạnh, giá vàng miếng SJC tiếp chuỗi ngày đi ngang
Chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh vọt lên mức cao nhất từ đầu tháng 5/2024. Giá USD tự do cũng “nóng” theo, đang được bán ra ở mức 25.900...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư