Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
NHNN định nghĩa “mobile money” thế nào?
Thanh Thủy - 10/11/2019 09:16
 
Sau hơn một năm kể từ khi đề cương Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt công bố hồi tháng 7/2018, dự thảo Nghị định này mới được công bố đầu tháng 11 vừa qua. Điểm thay đổi lớn nhất so với đề cương, cũng là câu chuyện thu hút sự quan tâm lớn hiện nay là tiền di động.

Tiền di động là một loại tiền điện tử

Tại dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (sửa đổi Nghị định 101), lần đầu tiên tiền di động được Ngân hàng Nhà nước định danh và là một loại tiền điện tử (e-money).

Cụ thể, theo định nghĩa, tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động.

Ba loại tiền điện tử trên khác nhau ngoài về hình thức còn ở đối tượng phát hành. Tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.

Ví điện tử là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (có thể là tổ chức tín dụng hoặc không –pv) phát hành và định danh khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng. Còn thẻ trả trước là tiền điện tử do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành, cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ.

Đối với loại hình mới - tiền di động (mobile money), các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích nộp đơn đề nghị hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản ngân hàng. Hai dịch vụ thanh toán được thực hiện là chuyển tiền và thu hộ, chi hộ.

Cấm tiết lộ thông tin tiền gửi chủ tài khoản và các giao dịch thanh toán

Tại dự thảo Nghị định, NHNN liệt kê 16 hành vi bị cấm, trong đó bổ sung thêm so với Nghị định cũ về hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tài khoản thanh toán của người khác để hoạt động phi pháp, các hành vi liên quan đến dịch vụ TGTT và dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng, hoạt động đại lý thanh toán.

Liên quan đến thông tin, cả bên cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán, hoạt động đại lý thanh toán đều phải cung cấp thông tin trung thực. NHNN cấm mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán. Thêm vào đó, việc tiết lộ, cung cấp thông tin có liên quan đến tiền gửi của chủ tài khoản và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng theo quy định của pháp luật cũng bị cấm.

Quy định còn cấm hành vi của các “hacker” bao gồm xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập trái phép, phá hoại, làm thay đổi chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi.

Liên quan đến Giấy phép hoạt động, các tổ chức không được thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Các tổ chức không được ẩy, xóa, thay đổi nội dung, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, làm giả Giấy phép hay ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc thông tin ví điện tử. Việc gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đáp ứng đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cũng được liệt kê trong hành vi bị cấm.

Các hành vi trục lợi bị cấm gồm: lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao trong xử lý các giao dịch thanh toán làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của khách hàng và ngân hàng; sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, kinh doanh trái pháp luật hoặc lừa đảo, thực hiện giao dịch khống, giao dịch hàng hóa, dịch vụ không phát sinh/không có thật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

NHNN cũng cấm việc làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, thay thế phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán; lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả, chứng từ thanh toán giả; giả mạo, mạo danh bên đại lý thanh toán. Bên đại lý thanh toán lợi dụng việc làm đại lý thanh toán để thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi giao dịch gian lận, giả mạo, chiếm đoạt tiền của khách hàng; hành vi giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Mobile Money: Cuộc chơi mới của các ông lớn viễn thông
Tại Tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc” do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ vừa tố chức, các chuyên gia, doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư