Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
NHNN sẵn sàng tăng cung, giá vàng miếng SJC chiều mua tuột mốc 70 triệu/lượng
Tùng Linh - 30/12/2023 11:09
 
Lần đầu tiên sau hơn một tháng, giá vàng miếng SJC đã giảm xuống dưới mốc 70 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Từ mức đỉnh tuần trước, giá mua tại các cửa hàng đã giảm 10 triệu đồng/lượng.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), sau 10h sáng, giá vàng miếng đã giảm về mức 69 - 72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 4 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều. Các hãng vàng khác cũng đồng loạt đẩy giá vàng miếng SJC rơi sâu ngay sau động thái của SJC.

Giá vàng thu mua tại Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu 67,5 triệu đồng và 68 triệu đồng mỗi lượng. Giá bán ra giảm chậm hơn, kéo chênh lệch mua – bán lên hơn 4 triệu đồng/lượng.

Vàng trong nước biến động từng giờ, lần đầu tuột mốc 70 triệu đồng/lượng (mua vào) duy trì từ ngày 21/11

Sau hàng loạt tuyên bố của cơ quan quản lý, giá vàng tiếp tục rớt giá từng giờ ngay cả trong phiên giao dịch cuối tuần khép lại năm 2023. Trước đó, Thủ tướng  Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1/2024.

Ngay sau Công điện của Thủ tướng yêu cầu cơ quan này theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo   Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Ông Đào Xuân Tuấn – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước – khẳng định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC để bình ổn thị trường.

Đại diện cơ quan quản lý cho biết qua theo dõi thị trường trong những ngày giá vàng miếng SJC tăng, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng SJC có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây. Trong những ngày vàng miếng SJC có chiều hướng giảm, người dân đang có xu hướng bán ròng vàng miếng SJC.

Nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC liên tục tăng cao thời gian qua được xác định chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà biến động tăng của giá vàng thế giới.

Khép lại năm 2023, giá vàng thế giới đóng cửa ở mức 2.062,8 USD/ounce. Vàng có năm đầu tiên đi lên sau ba năm với mức tăng hơn 13% vào năm 2023, đồng thời xác lập mức cao kỷ lục mới trong lịch sử giao dịch.

 Vàng thế giới tăng 13% trong năm 2023

Xu hướng trên được hỗ trợ một phần từ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới. Theo số liệu mới nhất trên CME FedWatch, khoảng 83,3% các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng lãi suất sẽ giảm vào cuộc họp vào ngày 20/3. Trong đó, 70,1% đặt cược vào khả năng lãi suất giảm 25 điểm cơ bản và 13,2% cho rằng lãi suất giảm đến 50 điểm phần trăm ở cuộc họp thứ hai trong năm 2024 của Fed.

Sau khi thực hiện chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ bắt đầu vào đầu năm 2022, Fed được kỳ vọng sẽ có động thái bắt đầu nới lỏng trong bối cảnh có dấu hiệu lạm phát ở Mỹ đang hạ nhiệt. Xu hướng ôn hòa của Fed tại cuộc họp chính sách hồi tháng 12 củng cố quan điểm này. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh cho biết không có ý định sớm cắt giảm lãi suất, trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác được dự đoán sẽ theo sau Fed trong chính sách nới lỏng.

Bỏ độc quyền, vàng sẽ hết “một mình một chợ”
Dù không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, song giá vàng miếng trong nước vẫn bị doanh nghiệp vàng đẩy lên cao một cách vô lý so với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư