Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Như Bác còn đây giữa cháu con
Quý Hưng - 02/09/2013 18:11
 
Trong lúc cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đang ác liệt, được tin Thái Bình sản xuất giỏi, ngày 31/12/1966, Bác đã về thăm địa phương này. Gần 47 năm đã trôi qua, nhưng “như Bác còn đây giữa cháu con” tại Khu lưu niệm Bác Hồ tại xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tư tưởng lập pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một ngày thu nắng vàng rực rỡ, Khu lưu niệm Bác Hồ ở xã Tân Hòa tràn ngập hương sen man mác. Người trông coi Khu lưu niệm cho biết, ngày mai (21/7 Âm lịch) là ngày Bác mất, nên như thường lệ, nhân dân địa phương lại tới đây dâng hương hoa lên bàn thờ Bác.

Còn ngày mai, bà con sẽ sắp cơm cúng Bác, như nghi lễ cúng giỗ ông bà, cha mẹ mình. Nhân dân còn tổ chức hát múa những bài hát ca ngợi Bác Hồ.

Khu lưu niệm Bác Hồ tại xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Trong đoàn dâng hương tưởng nhớ Bác hôm đó có ông Hoàng Xuân Thủy, nguyên cán bộ của Công ty Than Quảng Ninh, người đã vinh dự có mặt trong Đội thiếu niên cầm cờ đón Bác năm xưa.

Đến nay, hình ảnh Bác Hồ giản dị với chiếc mũ lá, chiếc áo ka ki vẫn còn nguyên trong ông.

Cảm xúc lúc ấy đã được ông truyền đạt lại trong một cuộc thi kể chuyện về Bác và đã giành giải Nhất.

Vào thăm ngôi nhà lá mà 47 năm trước Bác đã làm việc và nghỉ lại, mới hay, 5 lần Bác về Thái Bình, thì duy nhất lần về xã Tân Hòa, Bác nghỉ lại một đêm.

Chiếc bàn gỗ, giường gỗ đơn sơ, chiếc hầm bê tông tránh bom vẫn như phảng phất bóng hình của Bác...

Và trong không gian yên ả của ngôi nhà lá, những câu chuyện kể về Bác của bà Lê Thị Định, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khiến người nghe cảm thấy Bác vẫn đang ở đâu đây.

Bà Định kể, về đến xã Tân Hoà, trong bữa cơm, Bác ăn cơm nắm mang theo từ Hà Nội. Lãnh đạo tỉnh mời Bác ăn bát cơm nóng, nhưng Bác nhẹ nhàng nói: “Bác ăn cơm nắm quen rồi”. Thấy tôi thích món dưa chua, Bác hỏi: “Cô Định ăn dưa chua có ngon không?”. Tôi đáp: “Thưa Bác, ngon ạ!”. Bác cười trìu mến: “Dưa Bác đưa từ Hà Nội về đấy!”. “Một bữa cơm đạm bạc, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi”, bà Định xúc động.

Đêm đó - bà Định kể tiếp - Bác làm việc tới tận 1 giờ sáng, các lãnh đạo tỉnh phải mời Bác đi ngủ. Thế mà sáng hôm sau, Bác đã dậy rất sớm, xách đèn bão chúc Tết mọi người: “Năm mới, Bác chúc Tết các đồng chí”. Chúng tôi lúng túng và cảm động, vì lẽ ra phải đến chúc Tết Bác trước. Đúng là sự bao dung của một lãnh tụ, của một người cha.

Sáng hôm sau, trên đường đến đình Phương Cáp nói chuyện với nhân dân, qua chiếc cầu tre, Bác nhắc nhở phải lưu ý cầu cống, đường sá cho dân đi lại an toàn. Vào hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giới thiệu Bác với nhân dân, Bác nói ngay: “Bác mà chú còn phải giới thiệu cơ à?”.

Mở đầu buổi nói chuyện Bác nói : “Hôm nay, Bác cùng với các đồng chí Tố Hữu và Hoàng Anh, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm Thái Bình là tỉnh trong năm 1966 đã sản xuất giỏi. Bây giờ có mấy câu chuyện nói với các cụ, các cô, các chú”.

Bác khen nhân dân Thái Bình sản xuất giỏi, chiến đấu cũng giỏi. Bác khen Hợp tác xã Hiệp Hòa trồng cây khá, Hợp tác xã Tân Phong đạt hơn 7 tấn thóc/ha. Bác khen phong trào báo công, bình công của Thái Bình.

Cùng với những lời động viên khen ngợi, Bác nhắc nhở và phê bình với cách thức nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, làm cho mỗi người không thể nào quên. Bác hỏi Chủ tịch tỉnh: “Thái Bình đã trồng được bao nhiêu cây?”. Chủ tịch tỉnh báo cáo mỗi người trồng được 12 cây, Bác lại hỏi: “Cây thì chú tính thế nào, vì có nơi tính cả cây muồng muồng cho nhiều!”. Cả hội trường cười vang. Bác lại hỏi “Thái Bình nuôi cá thế nào?” Bí thư Tỉnh ủy trả lời: “Chúng cháu đã làm...” Bác nhắc nhở ngay: “Chú nói cụ thể chứ nói đã và đang thì dễ thôi”.

Bác của chúng ta là thế đấy!

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền
Lịch sử cận đại và hiện đại của Việt Nam, mãi mãi ngời sáng bản hùng ca cuộc cách mạng công - nông 19/8 và Quốc khánh 2/9/1945, lập nên nền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư