Thứ Tư, Ngày 23 tháng 04 năm 2025,
Nhức nhối thuốc giả, sữa giả
Dương Ngân - 23/04/2025 10:28
 
Thuốc giả, sữa giả đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối, cần có các biện pháp siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát.
Lực lượng chức năng thu giữ các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng
Lực lượng chức năng thu giữ các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng từ thuốc giả, sữa giả

Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán thuốc tân dược giả có quy mô hoạt động trên toàn quốc. Các loại thuốc bị làm giả đều là những sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, như Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion. Thuốc được làm giả với nguyên liệu không rõ nguồn gốc, đóng gói tinh vi.

Thuốc giả thường không thể lọt vào bệnh viện, nhưng điều nguy hiểm là, chúng dễ dàng xâm nhập các nhà thuốc tư nhân - nơi rất nhiều người dân tìm đến đầu tiên khi bị ốm, bị bệnh. Một số chủ nhà thuốc, vì lợi nhuận, đã làm ngơ trước quy định pháp luật, tiếp tay cho các sản phẩm giả và đẩy người bệnh vào tình huống nguy hiểm.

Bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga) cảnh báo, thuốc giả không chỉ gây thất bại trong điều trị, mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Đây không còn là vấn đề cá biệt, mà đã trở thành một thách thức toàn cầu. Đối với Việt Nam, nơi hệ thống phân phối thuốc còn nhiều kẽ hở, nguy cơ này càng lớn hơn.

Trước hết, ngành y tế cần tiến hành một cuộc tổng rà soát trên toàn hệ thống, từ quy trình công bố, đấu thầu, nhập khẩu đến phân phối sản phẩm y tế.

Không chỉ dừng lại ở thuốc giả, một sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt là sữa cũng đang bị lạm dụng và làm giả. Mới đây, hơn 600 sản phẩm sữa không đủ điều kiện công bố được phát hiện lưu hành trên thị trường, trong đó có những sản phẩm đã được cung cấp trong bệnh viện uy tín hàng đầu cả nước. Mặc dù bệnh viện đã thu hồi sản phẩm và hoàn tiền cho bệnh nhân, nhưng điều này chỉ như một biện pháp “chữa cháy”. Vấn đề sâu xa là sự thiếu kiểm soát chặt chẽ trong việc kiểm định và công bố sản phẩm.

Đặc biệt nghiêm trọng là các sản phẩm sữa giả này chủ yếu nhắm vào đối tượng người dùng như trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mãn tính, những nhóm có sức đề kháng yếu và cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Việc sử dụng sản phẩm không đạt chuẩn có thể gây ra những hậu quả khôn lường như tiêu chảy, dị ứng, rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn, thậm chí ngộ độc nếu có chứa chất cấm hoặc kim loại nặng.

Các cơ quan chức năng đã có những phản ứng nhanh chóng, nhưng câu hỏi lớn đặt ra là: tại sao những đường dây buôn lậu quy mô lớn này lại có thể hoạt động trong một thời gian dài mà không bị phát hiện? Phải chăng, quy trình giám sát và kiểm tra còn thiếu sót, và các đối tượng gian lận ngày càng tinh vi hơn?

Bên cạnh đó, việc các sản phẩm sữa giả hoặc thuốc kém chất lượng có thể dễ dàng tiếp cận thị trường một cách hợp pháp cho thấy sự lỏng lẻo trong việc kiểm tra và giám sát chất lượng.

Cải cách hệ thống y tế và siết chặt kiểm soát

Theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm là bắt buộc đối với các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dành cho trẻ đến 36 tháng tuổi. Hồ sơ đăng ký công bố phải bao gồm kết quả kiểm nghiệm còn hiệu lực, bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm và thông tin đầy đủ về thành phần, nhà sản xuất.

Điều 194, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ, hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án thấp nhất là 2 năm tù và cao nhất là tử hình. Điều này thể hiện rõ sự nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý các hành vi đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Những vụ việc về thuốc giả, sữa giả vừa qua cho thấy rõ sự suy giảm nghiêm trọng trong năng lực kiểm tra và quản lý chất lượng, dẫn đến việc hàng giả, hàng kém chất lượng lọt vào hệ thống y tế và đến tay người bệnh. Hậu quả của việc này không chỉ nằm ở những biến chứng, tổn thương thể chất, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, mà còn gây mất niềm tin vào hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe quốc gia. Vậy đâu là giải pháp?

Theo các chuyên gia, trước hết, ngành y tế cần tiến hành một cuộc tổng rà soát trên toàn hệ thống, từ quy trình công bố, đấu thầu, nhập khẩu đến phân phối sản phẩm y tế. Việc siết chặt các quy định về công bố sản phẩm, nhất là với các mặt hàng dành cho đối tượng nhạy cảm như trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính, là điều không thể chậm trễ. Mỗi sản phẩm lưu hành cần đi kèm bằng chứng khoa học xác thực, kết quả kiểm nghiệm độc lập và được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, thành phần.

Song song với đó, việc tăng cường hậu kiểm, thanh tra đột xuất và xử lý mạnh tay những tổ chức, cá nhân vi phạm là điều bắt buộc. Không thể có chuyện doanh nghiệp sai phạm hàng loạt nhưng chỉ bị xử phạt hành chính rồi tiếp tục hoạt động như chưa hề có gì xảy ra. Sự nghiêm minh của pháp luật, với chế tài đủ sức răn đe, mới là công cụ hữu hiệu để làm trong sạch thị trường.

Ngoài ra, ngành y tế cần khẩn trương áp dụng công nghệ vào giám sát và kiểm định sản phẩm. Việc sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, phần mềm quản lý dược phẩm, bệnh án điện tử không chỉ giúp phát hiện sớm sai sót, mà còn tăng tính minh bạch trong toàn chuỗi cung ứng. Đặc biệt, truyền thông đóng vai trò sống còn trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức để tự bảo vệ bản thân, tránh mua hàng qua mạng xã hội, qua các kênh không chính thống vốn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Sức khỏe cộng đồng là nền tảng của một quốc gia phát triển. Nền tảng đó chỉ có thể vững chắc nếu được xây dựng trên sự trung thực, minh bạch và một hệ thống quản lý đủ mạnh để bảo vệ người dân trước mọi rủi ro từ thị trường. Khi thuốc giả, sữa giả vẫn có đất sống; khi doanh nghiệp gian lận vẫn nhởn nhơ; khi sự thờ ơ tiếp tục được che đậy bởi những văn bản hành chính khô khan, thì mọi nỗ lực cải cách y tế đều sẽ chỉ là lời hứa vô nghĩa.

Đã đến lúc, ngành y tế và các cơ quan quản lý không thể tiếp tục “chữa cháy” mỗi khi có vụ việc vi phạm, mà cần hành động một cách chủ động, toàn diện và triệt để. Bởi nếu niềm tin của người dân tiếp tục bị xói mòn, thì mất mát không chỉ là danh tiếng hay tiền bạc, mà là sự đổ vỡ toàn diện của một hệ thống vốn được xây dựng từ chính kỳ vọng của hàng triệu người bệnh trên khắp cả nước.

Vụ sữa giả: Gần 600 sản phẩm sữa, chỉ 71 loại được cấp công bố sản phẩm
Trong gần 600 sản phẩm mang nhãn thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt do Công ty Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Dược dinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư