Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Những băn khoăn về sự gia tăng của các kỳ thi đại học riêng
D.Ngân - 07/02/2023 14:37
 
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường đại học dành 31.435 chỉ tiêu (trên tổng số 587.786 chỉ tiêu) để xét tuyển từ kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.

Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 10 cơ sở giáo dục đại học thông báo tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá chuyên biệt… (kỳ thi riêng) để tuyển sinh năm 2023 gồm: kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, thi đánh giá của Bộ Công an, thi năng khiếu của các trường khối ngành mỹ thuật, âm nhạc…

Việc ra đời các kỳ thi độc lập trong xét tuyển đại học nhận được phản ứng tích cực của xã hội, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, với sự gia tăng nhanh của các kỳ thi riêng đã khiến thí sinh bị áp lực, nhiều thí sinh chưa biết sẽ lựa chọn tham gia như thế nào để đạt được kết quả cao.

Theo TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học -Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo Luật 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho phép các trường được quyền tự chủ, tự quyết định phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, TS. Lê Viết Khuyến bày tỏ sự lo ngại khi việc tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ xét tuyển đại học dường như đang trở thành xu hướng.

Ảnh minh hoạ

Hiện cả nước chỉ có một kỳ thi tuyển sinh quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi này nhằm 2 mục đích, một mặt xét điều kiện tốt nghiệp THPT của học sinh, mặt khác là căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; trên tinh thần giảm gánh nặng thi cử, phiền hà cho người học.

TS. Lê Viết Khuyến đặt vấn đề: "Nhiều trường tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, trong khi vẫn còn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này liệu có đúng với tinh thần giảm gánh nặng thi cử cho người học?".

Có rất nhiều lập luận khác nhau về vấn đề lý do cần tổ chức các kỳ thi riêng. Một số ý kiến cho rằng không tin tưởng vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tính phân loại của kỳ thi chưa cao nên các trường phải tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Hoặc cũng có ý kiến cho rằng, việc tổ chức các kỳ thi riêng giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mình mong muốn,...

Về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng cần xem xét dựa trên nhiều khía cạnh thay vì đưa ra nhận định chủ quan. "Một trong những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT là thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhiều trường khác nhau. Nếu trượt trường này, thí sinh vẫn có thể sử dụng kết quả đó để trúng tuyển vào trường khác. Tuy nhiên, với các kỳ thi riêng, kết quả chỉ được công nhận ở một số lượng trường nhất định. Thí sinh muốn tăng cơ hội trúng tuyển vào nhiều trường đại học có thể phải tham gia nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, nhưng đồng thời các em vẫn phải ôn thi tốt nghiệp THPT" - TS. Lê Viết Khuyến phân tích.

Ngoài ra, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy không phải là điều dễ dàng. Để đảm bảo kỳ thi đạt chất lượng, đánh giá chính xác năng lực người học đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia rất am hiểu về đo lường, đánh giá trong ra đề thi. Điều này có thể là khó khăn với nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường chuyên ngành, không phát triển về khoa học giáo dục.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải thể hiện hơn nữa vai trò quản lí của mình, tổ chức các hội đồng chuyên môn để đánh giá về năng lực của những trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi riêng. "Theo tôi, trường nào quyết tâm trong việc tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cần có đề án chứng minh mình đủ khả năng tổ chức", TS. Lê Viết Khuyến cho biết.

Trước việc ngày càng nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng, PGS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có kế hoạch phù hợp. Việc tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ gây lãng phí thời gian, công sức, tạo áp lực và gánh nặng về thi cử trong khi lại khó có kết quả như mong muốn.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, các kỳ thi có định hướng vào những lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, 2 ĐHQG có kỳ thi với phạm vi lĩnh vực rộng; ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho lĩnh vực đào tạo giáo viên; Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an… Do đó, thí sinh không cần lựa chọn tham gia nhiều kỳ thi mà cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay thời gian đầu mở cổng đăng ký, ghi nhận của hệ thống cho thấy có khoảng 48.000 lượt truy cập, với con số này khó hệ thống nào có thể đáp ứng được. Cổng đăng ký dự thi sẽ mở cho đến khi hết chỗ đã đăng ký hoặc tối thiểu trước 14 - 21 ngày thi chính thức để thực hiện quy trình thi.

Năm 2023, ĐH Quốc gia tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực. Trong đó, 4 đợt đầu thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 6/2; 4 đợt còn lại, thí sinh đăng ký từ 18/3. Để thuận lợi trong những lần đăng ký sau, thí sinh nên đăng ký thông tin trước trên hệ thống, đồng thời tìm hiểu kỹ thông tin để chuẩn bị dữ liệu cá nhân khi đăng ký như chụp ảnh hai mặt căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân; kết quả học tập 5 học kỳ ở bậc THPT, ảnh chân dung thí sinh, số điện thoại và địa chỉ nhận phiếu báo điểm. “Qua lần đăng ký này, có thể thấy, nhiều thí sinh “nước đến chân mới nhảy”, không tìm hiểu kỹ thông tin nên mất thời gian, dẫn đến chậm đăng ký”, GS Thảo nói.

TS Vũ Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) nói rằng, một số trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đã mời đại diện nhà trường đến để phổ biến dạng đề, sau đó nhà trường phổ biến lại cho học sinh ôn thi. Ngay từ đầu năm, trường cũng đã triển khai dạy học phù hợp theo 3 hướng nhằm học sinh hướng đến đầu ra gồm: xét tuyển ĐH theo hồ sơ học bạ; thi tốt nghiệp THPT; học để thi theo hướng đánh giá năng lực của một số trường. “Trường đã tăng cường kiểm tra, ra các dạng câu hỏi đánh giá năng lực tổng hợp câu hỏi nhiều môn để các em làm quen. Trong quá trình dạy học, phân loại học sinh để bồi dưỡng đúng năng lực. Kết quả như năm ngoái, có hơn 40% học sinh đạt điểm từ 24 trở lên trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT”, TS Hậu nói.

Tuyển sinh đại học 2023: Nhiều trường lựa chọn sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh riêng
Trong phương án tuyển sinh đại học năm 2023, nhiều trường đại học lựa chọn sử dụng kết quả từ các kỳ thi tuyển sinh riêng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư