Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tuyển sinh đại học 2023: Nhiều trường lựa chọn sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh riêng
D. Ngân - 30/01/2023 07:58
 
Trong phương án tuyển sinh đại học năm 2023, nhiều trường đại học lựa chọn sử dụng kết quả từ các kỳ thi tuyển sinh riêng.
TIN LIÊN QUAN

Đến hiện tại, cả nước đã có hơn 40 trường đại học công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 với các thông tin về phương thức xét tuyển và tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2023.

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa phê duyệt Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực năm 2023. Dự kiến năm 2023 sẽ tổ chức các đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô khoảng 100.000 lượt thi tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Thí sinh cũng được đăng ký dự thi nhiều đợt trong năm nhưng thời gian cách nhau giữa 2 đợt thi tối thiểu 28 ngày (bao gồm cả các ngày thi). Khi đăng ký dự thi, thí sinh được quyền chọn đợt thi, điểm thi.

Thông tin từ Đại học Quốc gia TP.HCM cho hay, Hội đồng tuyển sinh Đại học Quốc gia TP.HCM vừa thống nhất và quyết định năm 2023 tiếp tục phát triển kỳ thi đánh giá năng lực cả về quy mô lẫn chất lượng.

Cụ thể, ngoài 17 địa điểm thi tại các tỉnh, thành phố như năm 2022, kỳ thi sẽ được tổ chức thêm tại một số địa phương. Với việc mở rộng địa điểm thi, số lượng thí sinh dự thi sẽ tăng lên, đồng thời số trường đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển dự kiến cũng sẽ tăng.

Bên cạnh đó, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, năm 2023 có một số điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.

Về cấu trúc đề thi, độ khó không thay đổi so với năm 2022 nhưng ngân hàng câu hỏi sẽ có sự bổ sung phù hợp hơn. Ngoài ra, năm nay thí sinh đăng ký dự thi sẽ dễ dàng hơn khi hệ thống đăng ký được đầu tư và nâng cấp, thí sinh dễ dàng thao tác, chuyển khoản trực tuyến.

Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội có kế hoạch tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy trong năm 2023 vào các tháng 5, 6 và 7, tăng 2 đợt so với năm 2022. Bên cạnh đó, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi theo hướng tiệm cận với các kỳ thi của quốc tế. 

Đề thi gồm 3 phần: Toán học, đọc hiểu, tư duy giải quyết vấn đề hoàn toàn bằng hình thức trắc nghiệm với tổng thời gian 150 phút, ngắn hơn gần một nửa so với cấu trúc cũ. 

Ngoài ra, thay vì diễn ra cả ngày và thi trên giấy như năm 2022, kỳ thi năm 2023 được tổ chức trên máy tính trong một buổi. Sau khi hoàn thành bài thi, các em được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm, được đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường ĐH nào sử dụng kết quả của kỳ thi.

Theo lãnh đạo Đại học Bách Khoa Hà Nội, việc điều chỉnh cấu trúc đề thi nhằm mở rộng khả năng sử dụng kết quả bài thi cho các trường thuộc khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y dược và quan trọng hơn là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm 2023, kỳ thi đánh giá tuyển sinh công an nhân dân sẽ tiếp tục được Bộ Công an tổ chức để các trường Công an nhân dân sử dụng kết quả thi làm căn cứ xét tuyển.

Dự kiến, việc tổ chức kỳ thi năm 2023 về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, chỉ có một số điều chỉnh nhỏ về mặt kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn cho thí sinh và các trường trong quá trình tổ chức thi, xét tuyển và công bố kết quả.

Dự kiến, trong năm 2023, sẽ có hàng trăm trường đại học, cao đẳng cả nước sử dụng kết quả các kỳ thi này để tuyển sinh. Trong đó, riêng kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM đã có khoảng 140 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả để xét tuyển. 

Bên cạnh đó, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng dự kiến sẽ có khoảng trên 20 trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển;

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ có 8 trường đại học Sư phạm lớn trên toàn quốc sử dụng kết quả để xét tuyển; kết quả kỳ thi đánh giá tuyển sinh của Bộ Công an cũng tiếp tục được 7 trường công an nhân dân sử dụng để làm căn cứ xét tuyển đại học năm 2023.

Ngoài các trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng thì nhiều trường đại học khác cũng công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Cụ thể, trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố thông tin tuyển sinh năm 2023. 

Theo đó, trường dành 10% chỉ tiêu theo mã tuyển sinh và tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp: Thí sinh thuộc hệ chuyên của các trường THPT chuyên toàn quốc/THPT trọng điểm quốc gia kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh phải thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện: Học sinh hệ chuyên (3 năm lớp 10, 11, 12) các trường THPT chuyên toàn quốc, hệ chuyên của các trường THPT trọng điểm quốc gia; Điểm trung bình chung học tập của 6 học kỳ (3 năm lớp 10, 11, 12) đạt từ 8 trở lên (điểm trung bình học kỳ nào đó có thể nhỏ hơn 8).

Điểm xét tuyển (thang 30) = điểm TBC học tập 6 học kỳ + tổng điểm 2 môn xét tuyển + điểm ưu tiên (nếu có).

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có đợt 1, 2: Thí sinh có điểm trung bình cộng các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học của năm học lớp 11, và học kỳ 1 lớp 12 từ 6,5/10 trở lên.

Đợt 3: Thí sinh có điểm trung bình cộng các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học của năm học lớp 11, và lớp 12 từ 6,5/10 trở lên.- Xét tuyển thẳng thí sinh có kết quả học tập lớp 11 và 12 đạt loại giỏi và điểm trung bình 5 môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học năm lớp 11 và 12 đạt từ 8,8/10 trở lên.

Trường Đại học Thủy lợi ưu tiên xét tuyển kết hợp với kết quả học bạ THPT cho các đối tượng như học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; học sinh học tại các trường chuyên (đối với các môn trong tổ hợp xét tuyển); học sinh có học lực xếp loại giỏi 3 năm lớp 10, 11, 12; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả học tập THPT.

Xét tuyển dựa trên kết quả học THPT (xét tuyển dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm các môn trong tổ hợp xét tuyển tương ứng).

Trường Đại học Hà Nội cho biết, dự kiến năm tuyển sinh 2023, trường có thêm tiêu chí xét tuyển thí sinh có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ VSTEP của 1 trong 25 đơn vị đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ này.

Điểm thay đổi rõ nét trong dự kiến phương án tuyển sinh năm 2023 của một số trường đó là điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức theo hướng giảm dần tỷ lệ tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tại trường Đại học Ngoại Thương, cơ sở xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia, đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật quốc gia, đoạt giải (nhất, nhì, ba) trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố lớp 11 hoặc 12 và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia, THPT chuyên.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định xét tuyển dựa vào kết quả học tập cả năm lớp 12 của các môn học trong tổ hợp thí sinh đăng ký xét tuyển, chiếm 40% chỉ tiêu.

Trao đổi về công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022.

Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, không sử dụng các phương thức không phù hợp, không hiệu quả và không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh. Trong đó, có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư