Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Những chuyện không ai muốn làm thời Viettel bình dân hoá dịch vụ di động
Tú Ân - 09/10/2019 16:48
 
Nhiều năm trước, Thiếu tướng Dương Văn Tính, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhận định: Nếu chỉ tính hiệu quả đầu tư bằng tiền trong thời gian ngắn tại các xã nghèo, thậm chí rất nghèo thì còn lâu dịch vụ di động mới đến. Nhưng đấy là việc cần làm để tạo ra cơ hội tốt hơn cho người dân dù họ ở bất cứ đâu.

Ánh sáng lạ ở “bản Sida” và những chuyện tình trên biển

 Vào một buổi tối cách đây 8 năm (năm 2011), Hoàng Thị Kết, một người mẹ trẻ sống tại bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hoá) ngồi chăm chú ấn điện thoại di động trong căn nhà được thắp sáng bởi đèn dầu. Thuỷ, con gái Kết vui vẻ ngồi khoác tay mẹ. Được một lúc, Thuỷ chạy xuống bếp vo gạo, chiếc điện thoại đã từ mẹ sang tay con và được sử dụng như chiếc đèn pin. Ánh sáng xanh lét từ từ mất hút sau cửa, trả lại màu ánh đỏ của ánh lửa đèn dầu cho căn phòng.

 Hình ảnh mẹ con Kết có điện thoại di động để dùng không hề cá biệt ở bản Poọng 8 năm về trước dù… hơi ngược đời. Lúc đó, ở một bản chưa được hoà lưới điện quốc gia, nghèo khó, lạc hậu, ấy thế mà thứ đồ công nghệ như điện thoại di động lại xuất hiện như một điều…rất hiển nhiên.

   Chú thích ảnh: Chiếc điện thoại di động trong tay Thuỷ (được sạc từ nguồn điện ắc quy) là nguồn sáng để vo gạo thay cho điện lưới quốc gia.
 Chiếc điện thoại di động trong tay Thuỷ (được sạc từ nguồn điện ắc quy) là nguồn sáng để vo gạo thay cho điện lưới quốc gia.

Sự ngược đời này có được chính nhờ Viettel đã dựng các trạm phát sóng ở nơi đây. Điện không có, Viettel dùng dầu để chạy máy nổ.

“Kể từ khi có sóng, cuộc sống người dân có nhiều thay đổi, họ liên lạc với nhau nhanh và dễ dàng hơn. Đấy là điểm sáng giúp nâng cao chất lượng sống, nhân tố giúp giảm nghèo bền vững”, ông Lương Văn Bường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (vào năm 2011) nói.

 Không chỉ tìm cách phát sóng ở những vùng sâu vùng xa chưa được hoà lưới điện, nhiều năm trước, Viettel đã tìm cách vươn khơi. Công nghệ của Viettel thời điểm đó đã giúp nhiều ngư dân đi biển dễ dàng liên lạc được với đất liền.

Ngư dân Vũng Tàu cho biết 90% người dân  có di động hoặc máy cố định không dây mà đa phần sử dụng dịch vụ của Viettel. “Tàu đi đến 100 hải lý vẫn có sóng”, ông Võ Quang Nhơn, một ngư dân cho biết.

Một chuyến đi biển thường kéo dài hơn 3 tháng. Thời gian trước, khi chưa có sóng Viettel, không cách nào ngư dân liên lạc về nhà khiến người đi, người ở nhấp nhổm không yên. “Nhưng giờ thì khác, ngày nào cũng nói chuyện được”, ông Nhơn nói.

Thực tế, trước khi có sóng di động Viettel, các thuyền vẫn có thể liên lạc bằng Icom, nhưng chi phí cao, đường truyền chập chờn, nên chỉ có thuyền trưởng mới được sử dụng.

“Người ta vẫn cứ bảo gia đình có người đi biển, biển thì mặn còn tình cảm gia đình thì nhạt, vì có khi đi biển cả năm cũng đâu có liên lạc được đâu. Giờ thì khác, vợ chồng cũng mặn mà hơn nhiều, ngày liên lạc có khi cả tiếng đồng hồ …”, anh Nhơn nói.

 Đôi dép cuối ngày và những logic kiểu… Viettel

Năm 2015, Mai Văn Tới là nhân viên kỹ thuật của Viettel Quảng Nam. Nhìn lại những tháng ngày bảo trì thiết bị phát sóng ở Chơ Chun – một bản nghèo không điện, anh nói rằng thật không tin nổi.

Không tin nổi là 1 tuần 2 lần, anh cùng đồng nghiệp vượt cung đường kinh hoàng dài 40 km gồm 20 km đường đồi núi, 20 km đường lầy lội từ trung tâm Chaval đến bản.

Xe của Tới phía trước treo lưỡi liềm tiện cho phát quang, sau xe buộc thêm đôi dép nhựa dự phòng, lốp thì quấn đầy dây xích chống trơn trượt. Đoạn đường đất lầy, Tới mất 3 – 4 tiếng để vượt qua. Hôm nào mưa, sình lầy thì phải xuống đẩy. Có hôm Tới phải ngủ giữa đường, chờ hôm sau khô ráo hơn mới dám đi tiếp.

Đây là cung đường mà anh Mai Văn Tới vẫn đi lại thường xuyên để giữ sóng di động cho bản nghèo chưa có điện lưới quốc gia.
Đây là cung đường mà anh Mai Văn Tới vẫn đi lại thường xuyên để giữ sóng di động cho bản nghèo chưa có điện lưới quốc gia.

“Mỗi lần đi trạm về là người tôi bị ê ẩm vì mỏi xóc”, anh nói. Nhưng anh vẫn miệt mài hành trình của mình, giữ sóng di động cho bản.

Như bản Poọng, Chơ Chun không có điện, Viettel phải sử dụng máy nổ phục vụ cho trạm phát sóng. “Mỗi tháng trạm phát sóng xã ngốn mất gần 20 triệu đồng để duy trì hoạt động, trong đó tốn khoảng 700 lít dầu", lãnh đạo Viettel Quảng Nam cho biết. Còn nhân viên Viettel như Tới, cứ 1 tuần 2 lần, đều đặn đến kiểm tra.

Ngoài việc xem máy nổ, Tới hoặc đồng nghiệp còn phải trèo lên đỉnh tháp phát sóng cao 72m để kiểm tra, hiệu chỉnh thiết bị. Tờ mờ tối, xong việc, anh bám dây đu xuống rồi tiếp tục quay lại cung đường kinh hoàng về ch nhánh. Nhiều hôm về tới nơi là 12h. Đôi dép nhựa của Tới phủ kín bùn đỏ, cứng đặc.

Việc phủ sóng của Viettel ở những địa điểm này, xét về logic thông thường thì có vẻ là không có cơ sở. Thường thì chỉ khi có lưới điện, hạ tầng viễn thông mới hoạt động được. “Dân Viettel” lại nghĩ ra cách dùng máy nổ. Nhưng dù máy nổ có là giải pháp thì không một nhà mạng nào ham hố tham gia vì ở những vùng này, lượng thuê bao thấp, doanh thu ít, đầu tư rất tốn kém, ví dụ 1 lít dầu sẽ đội thêm 6.000 đồng (trường hợp ở Chơ Chun), dẫn đến hiệu quả kinh tế bằng 0, thậm chí không muốn nói là lỗ.

Hay với việc phát sóng trên biển, lý thuyết cũng chỉ ra mỗi trạm phát sóng thông tin di động (BTS) trung bình có thể phát sóng được cách xa 35km. Trên thế giới, các mạng điện thoại di động sử dụng công nghệ GSM đều lấy khoảng cách 35km để thiết kế mạng. Nhưng khi bắt được thông tin trạm BTS sử dụng công nghệ GSM có thể phát sóng tối đa tới 121km -  nhưng chưa từng có ai thử nghiệm, Viettel cũng lại muốn làm.

 Khi đặt vấn đề với chuyên gia nước ngoài để thử nghiệm phát sóng xa, Viettel nhận được lời khuyên, đừng phí sức, vì đó là viễn tưởng, chỉ xuất hiện trên bản giấy. Dù vậy, người Viettel vẫn quyết tâm làm thử.

Cuối cùng, họ đã thành công khi đến cuối năm 2009, Viettel đã lắp đặt xong 81 trạm BTS biển đảo, chạy dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang dài 2.000 km với bán kính ra biển là 100km. Riêng Vịnh Bắc Bộ là 100%.  Viettel trở thành nhà khai thác viễn thông đầu tiên trên thế giới chứng minh được lý thuyết về khả năng phát sóng của các trạm BTS.

Khó khăn, tốn kém, hiệu quả không nằm ngay trước mắt nhưng Viettel vẫn quyết tâm làm việc không ai làm, bởi những người Viettel tin rằng việc lắp trạm phát sóng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo sẽ phục vụ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, trợ giúp địa phương sớm thoát nghèo, bớt gian khó hơn.

Thiếu tướng Dương Văn Tính, nguyên Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ: “Nếu chỉ tính hiệu quả đầu tư bằng tiền trong thời gian ngắn tại các xã nghèo, thậm chí rất nghèo thì dịch vụ di động còn lâu mới đến được những vùng này. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ cần tạo ra những cơ hội tốt hơn cho người nghèo tiếp cận dịch vụ viễn thông, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có mật độ điện thoại và tỷ lệ người dùng Internet cao nhất thế giới, thì đây là việc cần làm”.

Công nghệ thông tin, theo ông Tính là nhân tố trực tiếp thúc đẩy thay đổi cuộc sống. Nhưng ở Việt Nam, có một thực tế là hàng chục triệu người cần đến những lợi ích mà công nghệ thông tin đem lại nhưng họ không có cơ hội được hưởng những lợi ích này vì không đủ điều kiện.

Với khả năng của mình, Viettel mong muốn dùng sức mạnh để người dân được tiếp cận với công nghệ mà không cần đợi đến khi họ có đủ khả năng chi trả. Xét về mặt hiệu quả, xã hội sẽ phát triển hơn vì có thêm nhiều người thoát nghèo nhờ một phần tác động của viễn thông.

Thực tế, kể từ khi tham gia vào thị trường di động năm 2004, Viettel đã tạo ra sự thay da đổi thịt cho thị trường này, biến cuộc chơi vốn độc quyền trở thành bình dân cho mọi người.

Bởi nếu nhìn lại trước đó, điện thoại di động chỉ dành cho người giàu khi nó có giá ngang ngửa xe máy và cần đến 200 USD để hoà mạng, 30 USD/tháng để duy trì. Nhưng năm 2004, 1 năm sau khi Viettel gia nhập thị trường, mọi chuyện thay đổi.

Điện thoại di động đã dành cho mọi người, với giá rẻ như “quả cà chua” (gói Tomato của Viettel). Việc kết nối cũng không chỉ ở thành phố, mà ngay cả những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, người dân cũng được bình đẳng, trong làn sóng công nghệ. Và tất cả những điều đó cũng nhờ vào việc người Viettel sẵn sàng làm những điều mà không ai muốn làm.

Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất năm 2019: Samsung Việt Nam vượt Viettel
Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất năm 2019 ghi nhận sự vươn lên của Samsung Việt Nam, thay Viettel giữ ngôi á quân. Ngôi vương trong Bảng xếp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư