Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Những chuyến thăm lịch sử và dấu mốc đáng nhớ trong 20 năm quan hệ Việt - Mỹ
PV (Tổng hợp) - 06/07/2015 11:31
 
Hôm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama. Đây được xem là dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Cùng điểm lại những chuyến thăm lịch sử và dấu mốc đáng nhớ trong 20 năm quan hệ Việt - Mỹ.
Khi Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngày 11/7/1995, không nhiều người hình dung được sự phát triển của mối quan hệ này bởi “vết thương” trong cuộc chiến Mỹ tiến hành ở Việt Nam là quá lớn. Tuy nhiên, 20 năm sau, với nỗ lực lớn của cả hai bên, quan hệ Việt - Mỹ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cùng nhìn lại những mốc đáng nhớ mà Việt Nam và Mỹ đã đạt được trong 20 năm qua:

Những chuyến thăm lịch sử

Ngày 11/7/1995,  Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ. Ngay sau quyết định này, hai nước đã thực hiện một loạt những bước đi quan trọng nhằm hàn gắn cũng như tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.

 + Ngày 5/8/1995, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Warren Christopher khánh thành Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội. Đây cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Bộ trưởng Mỹ.

+ Tháng 5/1997, hai nước trao đổi Đại sứ. Ông Lê Văn Bàng trở thành Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ và ông Douglas Peterson trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam.

Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm chính thức kéo dài 4 ngày tới Việt Nam năm 2000.

+ Ngày 13/3/2000, Bộ trưởng Quốc phòng William S.Cohen thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, hai bên thảo luận về việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh và bàn về việc hợp tác quân sự giữa hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng William S.Cohen là người đứng đầu Lầu Năm Góc đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ.

+ Tháng 11/2003, Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam - Đại tướng Phạm Văn Trà đến thăm Washington.

+ Ngày 16/11/2000, Tổng thống Bill Clinton đã có chuyến thăm chính thức kéo dài 4 ngày tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975.

Trong chuyến thăm này, ông Clinton đã nói: “Chúng tôi vinh dự được cùng các Ngài viết nên một chương mới trong quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam, và chúng tôi biết ơn vì chương sử mới này đã có một khởi đầu tốt đẹp. Quả thực, lịch sử mà chúng ta để lại sau mình rất đau buồn và nặng nề. Chúng ta không được quên nó. Nhưng chúng ta cũng không được để nó chi phối chúng ta. Quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai, quá khứ không phải là cái quyết định tương lai".

+ Tháng 12/2003, Phó thủ tướng Vũ Khoan thăm Mỹ. 

+ Ngày 20/6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã tới Mỹ theo lời mời của Tổng thống George Bush.

Tại đây, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam và Mỹ có mối quan tâm và lợi ích chung trên nhiều lĩnh vực. Ông hy vọng chuyến thăm sẽ mở ra triển vọng mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu, mang lại lợi ích cho cả hai nước.

+ Tháng 11/2006, Tổng thống George W.Bush thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông Bush đã kí dự thảo về quy chế quan hệ bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam.

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết gặp Tổng thống Mỹ George W.Bush trong chuyến thăm tới Mỹ năm 2007.

+ Tháng 6/2007, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ. Tại đây chủ tịch nước khẳng định Việt Nam vẫn đang tiếp tục quá trình hòa nhập hơn nữa vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tiếp tục tuân theo các luật lệ của WTO để tạo môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn.

+ Tháng 6/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm cấp cao đến Washington. Hai bên đã thống nhất tổ chức các cuộc đối thoại an ninh chiến lược cấp thứ trưởng. Kết quả của chuyến thăm này, hai bên đã có cuộc đối thoại chính trị, an ninh quốc phòng đầu tiên vào tháng 10/2008 tại Washington.

+ Tháng 7/2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm chính thức Mỹ. Hai bên xác lập quan hệ đối tác toàn diện.

ổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama đón và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7/2013)
Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama đón và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7/2013)

+ Tháng 12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thăm Việt Nam. Ông Kerry và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thảo luận những vấn đề về hợp tác và nâng cao mối quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ.

+ Tháng 10/2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tới thăm Mỹ. Tại đây, ông Kerry thông báo Mỹ sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Biển Đông cũng là chủ đề được hai bên thảo luận trong chuyến thăm này.

Những dấu mốc quan trọng trong hợp tác Việt - Mỹ

+ Hiệp định thương mại Việt – Mỹ: Tháng 7/2000, hai bên chính thức ký Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA). Hiệp định này chính thức có hiệu lực vào ngày 11/12/2001 khi Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và Đại diện thương mại Mỹ Zoellick trao đổi thư phê chuẩn hiệp định tại Washington.

Dệt may đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ.

Theo đó, tất cả hàng hoá của Việt Nam vào Mỹ sẽ được hưởng mức thuế quan theo Quy chế quan hệ thương mại bình thường (NTR) vô điều kiện, thấp hơn nhiều so với mức thuế trước đó.

Đây là một hiệp định có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần chủ đạo trong việc tăng cường mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Theo thông tin từ cả phía Việt Nam và Mỹ, chỉ sau 2 năm BTA có hiệu lực, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam và vị trí này được duy trì cho tới tận ngày nay.

Theo thống kê của Bộ Công thương Việt Nam, tính đến hết 4 tháng đầu năm 2015, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam với tỷ trọng 19,7%.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ năm 2014 đạt 36,3 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 30,6 tỉ USD, tăng 25%, nhập khẩu đạt 5,7 tỉ USD, tăng 13,6%. Theo đó, Việt Nam xuất siêu tại thị trường Mỹ 24,9 tỉ USD, mức xuất siêu cao nhất từ trước đến nay.

Với kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh như trên, Việt Nam đã vượt qua 2 nước xuất khẩu lớn trong ASEAN vào Mỹ là Thái Lan, Malaysia để trở thành nước xuất khẩu số 1 vào thị trường này.

Đến nay, Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là một trong 7 nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với khoảng gần 11tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI).

+ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO):

 

Việt Nam gia nhập WTO năm 2007.

Bên cạnh việc tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư Việt – Mỹ, BTA cũng mở ra cơ hội tăng cường giao lưu giữa công dân hai nước, mở cánh cửa để Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 11/1/2007. Những kinh nghiệm thu được trong đàm phán BTA đã rất có ích cho Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập WTO với Mỹ, một đối tác chính trong WTO.

+ Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP):

Việt Nam, Mỹ cùng 10 quốc gia khác đang đàm phán về Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với triển vọng hiệp định này sẽ được 12 nước kí kết vào cuối năm 2015, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ từ năm 2015 sẽ còn tăng đáng kể. Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) ước tính, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 57 tỉ USD.

TPP được coi là nền tảng cho hội nhập kinh tế trên toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định sẽ thúc đẩy lợi ích kinh tế, tạo việc làm và tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt – Mỹ.  Khi tham gia vào TPP, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ như dệt may, da giầy, thủy sản có thể hưởng mức thuế suất 0%.

Thành công của các hiệp định thương mại sẽ là điều kiện thuận lợi để nâng mối quan hệ Việt - Mỹ lên tầm đối tác chiến lược.

Củng cố nền móng mối quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân dịp 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư