Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Những điểm mới của công tác tuyển sinh đại học 2021
D.Ngân - 25/03/2021 16:43
 
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, sẽ có nhiều điểm mới trong công tác tuyển sinh đại học năm 2021.

Tại Hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 25/3, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho hay sẽ có nhiều điểm mới trong công tác tuyển sinh đại học năm 2021.

Năm nay, theo quy định Bộ GD&ĐT không thực hiện quy định mức lệ phí đăng ký xét tuyển.

Theo đó, năm nay thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh đại học và cao đẳng giáo dục mầm non bằng 1 trong 2 hình thức: Bằng phiếu hoặc trực tuyến (tại những nơi có điều kiện).

Điểm mới nữa là sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng kí xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến.

Thay đổi này giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội trong lựa chọn trường học, ngành học. Mặt khác, với sự điều chỉnh này sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn được các thí sinh phù hợp.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường theo mẫu phụ lục và các quy định tại quy chế tuyển sinh.

Đề án tuyển sinh hoặc đường link đến đề án phải được công khai tại trang chủ trên trang thông tin điện tử của trường, đảm bảo thuận lợi nhất cho thí sinh tìm hiểu.

Thời gian công bố công khai đề án trên trang thông tin điện tử của trường: Đối với hình thức đào tạo chính quy trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển; đối với các hình thức đào tạo khác trước ít nhất 45 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển.

Để phục vụ công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh năm 2021, các trường phải khai báo dữ liệu đề án vào cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước ngày 31/3.

Các trường phải đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong trang Nghiệp vụ với các thông tin trong thông báo tuyển sinh, Đề án như mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ,… Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, đến công tác tuyển sinh của hệ thống.

Đối với các trường có yêu cầu tiêu chí phụ, sơ tuyển trong tuyển sinh như đưa ra mức điểm quá trình học tập bậc THPT, học lực, hạnh kiểm… phải có giải pháp để kiểm soát được các thông tin này trước khi đưa vào hệ thống xét tuyển lọc ảo, tuyệt đối tránh tình trạng do các quy định này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khi tổ chức xét tuyển.

Bộ GD&ĐT cũng thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển/lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh;

Trước thắc mắc của phóng viên về việc, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tới 3 lần có làm ảnh hưởng tới thời gian tuyển sinh của các trường ĐH và CĐ sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn biện giải, thời gian điều chỉnh có thể trong khoảng 5 ngày hoặc một tuần. Trong khoảng thời gian này, thí sinh có thể điều chỉnh 1 hoặc 3 lần, không ảnh hưởng đến tiến độ tuyển sinh của các trường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trung trung tâm khảo thí độc lập hợp tác với nhau để tự xây dựng ngân hàng đề thi. Cũng như, thống nhất phương thức chuẩn mực trong ngân hàng đề thi, thậm chí các có thể hợp tác với nhau trong việc chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển.

Liên quan tới lệ phí của kỳ thi, theo ông Sơn, những năm trước Bộ GD&ĐT thống nhất mức thu lệ phí đăng ký xét tuyển chung là 30.000 đồng/nguyện vọng.

Tuy nhiên, năm nay, theo quy định Bộ GD&ĐT không thực hiện quy định mức lệ phí đăng ký xét tuyển. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng sẽ thực hiện thỏa thuận, thống nhất phương án thu chi và lệ phí đăng ký xét tuyển với các Sở GD&ĐT.

Từ những quy định nêu trên, lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, năm 2020, các trường trên cả nước đều có một mức thu lệ phí xét tuyển chung nên thí sinh có thể yên tâm đăng ký nguyện vọng xét tuyển mà không quá bận tâm về lệ phí xét tuyển.

“Năm nay, lệ phí xét tuyển do các trường thỏa thuận với các sở GD&ĐT sẽ phức tạp cho nhà trường, thí sinh và sẽ nảy sinh những chi phí không cần thiết. Có thể sẽ có mức phí khác nhau cho nguyện vọng vào các trường khác nhau”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền cũng đề nghị mức thu lệ phí xét tuyển 25.000 đồng/nguyên thay vì 30.000 đồng/nguyện như năm ngoái.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội lại cho rằng, lệ phí xét tuyển các trường nên giữ nguyên mức thu như năm ngoái.

Từ ý kiến của các trường, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định các trường phải thỏa thuận, thống nhất với các Sở GD&ĐT về nội dung phối hợp trong công tác tuyển sinh, bao gồm cả việc thu - chi kinh phí xét tuyển.

Được biết, kỳ tuyển sinh năm 2020 đã hoàn thành và đạt hiệu quả. Cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, trong đó hơn 640.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học và cao đẳng sư phạm, đạt hơn 70% số thí sinh đăng ký dự thi.

Thí sinh trúng tuyển, nhập học tất cả các ngành là hơn 467.000, đạt 86,41% tổng chỉ tiêu (năm 2019 là hơn 411.000, đạt 77,7% tổng chỉ tiêu).

Riêng ngành đào tạo giáo viên có trên 58.000 thí sinh đăng ký xét tuyển. Kết quả thí sinh trúng tuyển, nhập học các ngành đào tạo giáo viên là gần 36.000 thí sinh, bằng 61,58% tổng chỉ tiêu (năm 2019, con số này là trên 27.300, đạt 52,97%).
[Infographic] Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2021: Những điểm mới đối với thí sinh
Công tác tuyển sinh năm 2021 về cơ bản giữ ổn định như năm 2020, chỉ có một số thay đổi về mặt kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư