Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Những doanh nghiệp lên kế hoạch… lỗ dài hạn
Kỳ Thành - 30/05/2016 08:45
 
Trái ngược với bức tranh sáng về triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết, không ít doanh nghiệp liên tục lên kế hoạch lỗ trong nhiều năm liền.

Lỗ… vượt kế hoạch

Tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2016 của Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST - Upcom) vừa công bố cho thấy, công ty này đã lỗ 193,85 tỷ đồng trong năm 2015, vượt kế hoạch đặt ra trước đó là lỗ 109,44 tỷ đồng. Nối tiếp đà này, VST trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2016 với doanh thu đạt 625 tỷ đồng, bằng 70,38% so với thực hiện năm 2015; lợi nhuận trước thuế tiếp tục lỗ 263 tỷ đồng. Nếu đạt mục tiêu này, VST sẽ lỗ 5 năm liên tiếp, đưa tổng số lỗ lũy kế của doanh nghiệp này lên trên 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, VST không phải là trường hợp ngoại lệ. Tại ĐHĐCĐ thường niên của Công ty cổ phần Vận tải Biển Bắc (NOS) vừa diễn ra ngày 20/5, lãnh đạo công ty này cũng đã trình các cổ đông kế hoạch năm 2016, với tổng doanh thu 167 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tiếp tục âm 447 tỷ đồng.

Trong danh sách các doanh nghiệp lỗ vượt kế hoạch có nhiều công ty kinh doanh trong ngành logistics. Ảnh: Đ.T
Trong danh sách các doanh nghiệp lỗ vượt kế hoạch có nhiều công ty kinh doanh trong ngành logistics. Ảnh: Đ.T

Trước đó, báo cáo tài chính năm 2015 của NOS ghi nhận doanh thu 296,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch hơn 10%. Tuy nhiên, NOS vẫn ghi nhận khoản lỗ trước thuế tới gần 578 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu đặt ra cho năm 2015 chỉ lỗ 488 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2015, khoản lỗ lũy kế của NOS chạm mức 3.067 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 2.808 tỷ đồng.

Đặt kế hoạch khiêm tốn hơn một chút, ĐHĐCĐ thường niên Công ty cổ phần Container phía Nam (VSG) mới đây đã thông qua kế hoạch năm 2016, với doanh thu 71 tỷ đồng, lỗ trước thuế 59 tỷ đồng. VSG cũng là doanh nghiệp vượt kế hoạch lỗ năm 2015 khi kết quả lợi nhuận năm 2015 ghi nhận âm 91,73 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đề ra trước đó là 71,39 tỷ đồng.

Sống lay lắt để trả nợ?

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của NOS cho biết, đến ngày 31/3/2016, nợ phải trả của Công ty lên tới 5.357,6 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn 3.629,77 tỷ đồng, không thay đổi so với thời điểm cuối năm 2015. Trong kỳ, NOS phải trả 40,63 tỷ đồng tiề­n lãi.

Ít hơn NOS về số lãi vay, nhưng gánh nặng lãi vay đối với VSG cũng không hề nhỏ. Cụ thể, báo cáo tài chính quý I/2016 của công ty này cho biết, nợ phải trả của Công ty thời điểm cuối tháng 3/2016 là 535,41 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn, chiếm 99% tổng nợ. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 437,72 tỷ đồng, cao hơn tổng tài sản của Công ty là 308,38 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phần thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2016 của VSG lại cho thấy, con số vay và nợ thuê tài chính trên được tính là dài hạn, bởi đây là số tiền vay của Ngân hàng TMCP Hàng hải để mua 3 tàu là Dream, Glory và Pride với thời hạn vay 96 tháng.

Đối với VST, công ty này cũng đang có tổng nợ đến cuối tháng 3/2016 là 2.071,55 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn từ các ngân hàng lên tới 1.750,95 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong quý I/2016 của VST là 29,68 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của NOS, ông Trịnh Hữu Lương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, ý kiến từ phía các ngân hàng chủ nợ đều muốn phối hợp, hỗ trợ để tình hình công ty trở nên tốt lên. Ngoài ra, cho dù bán hết 7 tàu đang có, thì NOS cũng không thể trả hết nợ.

Dẫn chứng điều này, ông Lương cho hay, tàu Nosco Glory có dư nợ 66 triệu USD, nhưng định giá bán chỉ được 1,9 - 2 triệu USD. Một tàu khác là Nosco Victory (hiện đã có yêu cầu của 3 ngân hàng mong muốn có thể bán trong tháng 7/2016) được định giá khoảng 2,1 - 2,3 triệu USD, trong khi dư nợ tới 52 triệu USD.

Đối với 2 trường hợp còn lại, mặc dù không nêu cụ thể trong tài liệu đại hội, nhưng VST cũng đang để ngỏ phương án bán tàu Viễn Đông 3, Viễn Đông 5 và VTC Planet. Đối với VSG, đại diện HĐQT mới được bầu tại ĐHĐCĐ vừa qua cho rằng, HĐQT mới sẽ thực hiện cơ cấu lại nợ ngân hàng để hoạt động kinh doanh của Công ty ổn định, trước mắt là giảm chi phí hoạt động của Công ty.

Ba doanh nghiệp kể trên đều là các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành logistics và đều đang âm vốn chủ sở hữu. Theo quy định, các doanh nghiệp này đều đã đáp ứng đủ điều kiện để làm thủ tục phá sản. Tuy nhiên, phá sản hay tiếp tục hoạt động thua lỗ để trả lãi vay có lẽ vẫn là câu hỏi khó với lãnh đạo và chủ nợ của các công ty này.

Bán dự án trả nợ: OGC có thoát khỏi thua lỗ?
CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) công bố Báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất năm 2015 với kết quả có lãi. Tuy nhiên, kết quả này liệu có khả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư