Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Những kỷ lục khó vượt qua của Agribank sau 35 năm
Thùy Liên - 23/03/2023 11:22
 
Sau 35 năm, Agribank vẫn giữ vững vị thế là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Cho đến nay, rất nhiều kỷ lục mà Agribank tạo ra rất khó để các ngân hàng khác có thể vượt qua.

Ngân hàng có mạng lưới và nhân viên “khủng” nhất hệ thống

Sau 35 năm thành lập, Agribank có mạng lưới chi nhánh rộng khắp cả nước với gần 2.300 điểm giao dịch từ thành thị đến nông thôn, biên giới, hải đảo. Trong top các ngân hàng có mạng lưới lớn nhất hệ thống, Agribank có hệ thống mạng lưới lớn gấp đôi ngân hàng ở thứ hạng liền kề. Với mạng lưới hiện tại của Agribank, khó có ngân hàng nào có thể đuổi kịp. Agribank cũng là ngân hàng thương mại duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo trên cả nước.

Cùng với sở hữu mạng lưới rộng lớn, Agribank cũng sở hữu nhân sự đông đảo nhất hệ thống với khoảng 40.000 người. Trong top 4 ngân hàng có nhân sự lớn nhất hệ thống, nhân sự của Agribank đang cao hơn 40-90% các ngân hàng còn lại.

Việc sở hữu mạng lưới rộng khắp xuất phát từ sứ mệnh gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Agribank. Mạng lưới rộng lớn cộng với nhân sự đông đảo khiến Agribank nặng gánh chi phí, song lại giúp Agribank có lợi thế “độc quyền” về am hiểu khách hàng, am hiểu địa bàn cũng như giữ vị thế số 1 trong lòng khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn.

f
Với mạng lưới 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch và gần 40.000 cán bộ, Agribank đang có lợi thế "độc quyền" về am hiểu thị trường nông thôn

Một kỷ lục khác mà cán bộ tín dụng của Agribank đang nắm giữ là số lượng khách khách hàng. Hiện nay, trung bình mỗi cán bộ tín dụng của Agribank phụ trách 800 khách hàng. Tại một số địa phương, mỗi cán bộ tín dụng phụ trách hơn 1.000 hộ khách hàng. Do địa bàn huyện rộng lớn, mỗi cán bộ tín dụng Agribank phải phụ trách nhiều xã, trong đó có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại rất khó khăn.

Với mạng lưới rộng lớn, Agribank đang giữ vai trò chủ lực trong hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của ngành ngân hàng. Bằng những chương trình cụ thể, thông qua cả kênh truyền thống lẫn kênh ngân hàng số, Agribank đang mang dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với khách hàng, góp phần tạo nên thành công của ngành nông nghiệp, làm thay đổi đời sống nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn, giảm tín dụng đen.

Thị phần huy động tiền gửi lớn nhất hệ thống

Với mạng lưới rộng lớn, không có gì đáng ngạc nhiên khi Agribank luôn đứng đầu bảng về các ngân hàng có nguồn huy động vốn lớn nhất hệ thống. Tại thời điểm  cuối năm 2022, huy động vốn của Agribank đạt 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm thị phần lớn nhất hệ thống.

Agribank cũng là ngân hàng có cơ cấu tiền gửi rất bền vững với tiền gửi chủ yếu từ dân cư. Hiện nay, Agribank có tới 18 triệu khách gửi tiền, trong đó lượng món tiền gửi dưới 50 triệu đồng chiếm khoảng 60%. Các món tiền gửi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn cho thấy cơ cấu tiền gửi của Agribank rất bền vững.

Các ngân hàng có lượng tiền gửi lớn tiếp sau hệ thống đứng khoảng cách khá xa với Agribank, bao gồm BIDV 1,47 triệu tỷ đồng, VietinBank 1,25 triệu tỷ đồng, Vietcombank 1,24 triệu tỷ đồng.

Mặc dù có thị phần vốn lớn nhất hệ thống song xét về dư nợ tăng trưởng tín dụng và quy mô tổng tài sản, Agribank lại chỉ đứng thứ hai toàn hệ thống, xếp sau BIDV. Đây cũng là lý do Agribank có tổng tài sản thấp hơn BIDV.

d
Agribank đang là ngân hàng có thị phần tiền gửi lớn nhất hệ thống

Cuối năm 2022, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,89 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế trên 1,44 triệu tỷ đồng. Con số này tại BIDV lần lượt là hơn 2 triệu tỷ đồng và 1,52 triệu tỷ đồng.

Sở dĩ Agribank có dư nợ cho vay và tổng tài sản chỉ đứng thứ hai hệ thống dù huy động vốn dẫn đầu hệ thống là do nhiều năm qua Agribank không thể tăng vốn, dẫn tới hệ số CAR thấp nhất trong nhóm ngân hàng big 4 và phải tăng trưởng tín dụng hạn chế. Hiện nay, Agribank là ngân hàng 100% vốn nhà nước duy nhất của toàn hệ thống. Trong khi các ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 thuận lợi tăng vốn từ cổ phần hóa thì việc tăng vốn của Agribank vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Do nguồn ngân sách khó khăn, mức tăng vốn mà Quốc hội duyệt chi cho Agribank rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Do đó, Agribank ngày càng thua các ngân hàng bạn về vốn điều lệ, ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn cũng như dư địa tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù vậy, sau 35 năm, quy mô của Agribank đã tăng gấp hàng nghìn lần. Cụ thể, so với thời điểm mới thành lập, tổng tài sản Agribank và quy mô vốn, dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 1.200 lần đến hơn 1.600 lần.

Ngân hàng duy nhất dành gần 1 triệu tỷ đồng cho tam nông

Là ngân hàng gắn với sứ mệnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhiều năm qua, Agribank luôn giành 65-70% tổng dư nợ tín dụng cho vay tam nông. Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng tam nông toàn hệ thống. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, định hướng của Agribank thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ này cho lĩnh vực tam nông.  

Suốt 35 năm qua, dòng vốn của Agribank đã bền bỉ đồng hành cùng ngành nông nghiệp thực hiện nhiều cuộc cải cách. Từ hậu thuẫn các hộ nông dân thành công với cách mạng “Khoán 10”, đến nay Agribank vừa đồng hành với 3,5 triệu hộ nông dân, vừa chắp cánh cho các mô hình kinh tế nông nghiệp lớn phát triển, hướng tới một nền sản xuất xanh, bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới.

Với vai trò dẫn đầu tín dụng tam nông, Agribank luôn được các tổ chức tài chính quốc tế tín nhiệm, ủy thác triển khai nhiều dự án tín dụng phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Đến nay, Agribank đã thiết lập quan hệ với hơn 680 ngân hàng đại lý tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Agribank cũng là ngân hàng hàng đầu trong việc tiếp nhận và triển khai các Dự án tín dụng nước ngoài của các nhà tài trợ quốc tế, giữ vai trò tích cực trong Ban điều hành của các Hiệp hội tín dụng nông nghiệp quốc tế…

Ông Nguyễn Văn Thành (Ngọc Hồi, Kon Tum) vay vốn Agribank
Cán bộ Agribank chi nhánh Ngọc Hồi (Kon Tum) đang kiểm tra sử dụng vốn vay tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thành (xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum)

Đặc biệt, Agribank cũng là ngân hàng thưc hiện nhiều nhất các chương trình tín dụng chính sách nhất trong số các ngân hàng thương mại hiện nay. Cụ thể, Agribank đang triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách (Cho vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay gia súc, gia cầm; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay chính sách phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”) và 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia (xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững).   

Agribank đã trở thành “cầu nối” quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước, mang đến cho người dân cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước, góp phần làm thay đổi căn bản chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank luôn nỗ lực không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Lột xác kết quả kinh doanh, luôn đứng đầu top ngân hàng nộp thuế hàng đầu

Kết thúc năm 2022, Agribank đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 17.672 tỷ đồng, nằm trong top 4 ngân hàng có hiệu quả lớn nhất hệ thống. Chỉ trong 5 năm gần đây, lợi nhuận của Agribank đã tăng gấp 3 lần. 

Thêm vào đó, các chỉ số sinh lời của ngân hàng như ROA, ROE… cũng liên tục được cải thiện. Trong đó, ROE (tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân) của Agribank là 22,32%, đứng thứ hai hệ thống trong nhóm big 4, chỉ sau Vietcombank. Những năm gần đây, Agribank cũng luôn đứng trong top doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước.

Để giữ vững vị thế ngân hàng top đầu như hiện nay, suốt 35 năm qua, Agribank cũng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Thời kỳ đầu mới thành lập, Agribank có điểm xuất phát thấp” tổng tài sản chưa tới 1.500 tỷ đồng; tổng nguồn vốn 1.056 tỷ đồng, trong đó vốn huy động chiếm 42%, còn lại 58% vay từ Ngân hàng Nhà nước; tổng dư nợ 1.126 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên 10%. Đáng lưu ý, với sứ mệnh đặc biệt là phục vụ thị trường tam nông, khách hàng chủ chốt của ngân hàng khi đó lại chủ là những doanh nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã phần lớn làm ăn thua lỗ, sáp nhập, giải thể, tự tan rã… Mặc dù vậy, những khó khăn đó lại là môi trường để Agribank tôi luyện, rèn bản lĩnh vực vàng để gặt hái thành công.

Đặc biệt, trong gần 10 năm trở lại đây, sau khi thực hiện Quyết định số 53/QĐ-NHNN về tái cơ cấu, Agribank đã hoàn toàn lột xác. Từ chỗ một ngân hàng nợ xấu cao, thanh khoản nhiều lúc “ăn đong”, bộ máy vận hành kém hiệu quả… hiện nay Agribank đã trở thành một trong những ngân hàng đứng top đầu về hiệu quả hoạt động, hỗ trợ thanh khoản lớn nhất hệ thống cũng như đóng góp nhiều nhất với nền kinh tế.

Đặc biệt, sức khỏe tài chính của Agribank đã cải thiện rất nhiều do tấm nệm dự phòng ngày càng tăng lên. Tính tới cuối năm 2022, nợ xấu tại Agribank chỉ còn 1,81%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới gần 140%, cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, nguồn dự phòng hiện có lên tới hơn 36.200 tỷ đồng cũng là “của để dành” cho Agribank.    

f
Agribank là một trong các ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất năm 2022

Năm 2022, Agribank đứng thứ hạng thứ 8 trong bảng xếp hạng Top 500 - 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, liên tục 6 năm đứng trong Top 10 - 10 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (từ năm 2017 đến năm 2022), đứng đầu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam tại bảng xếp hạng này. Tổ chức Moody’s nâng xếp hạng Agribank từ mức “Ba3” lên mức “Ba2” với triển vọng “Ổn định”. Uy tín thương hiệu Agribank tiếp tục được nâng cao khi Agribank được xếp hạng cao nhất trong các Ngân hàng Việt Nam tại bảng xếp hạng Brand Finance Banking 500 năm 2022; Giải thưởng Sao vàng Đất Việt; Giải thưởng Sao Khuê; Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022; Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín; Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022; Top 10 thương hiệu mạnh ngành tài chính ngân hàng năm 2022…

Không chỉ là một trong những ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất hệ thống Agribank luôn là một trong những ngân hàng thương mại hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp và nền kinh tế. Năm 2022, Agribank chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để thực hiện giảm lãi suất, cho vay ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần tích cực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và khoảng 600 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội.

Năm 2023, Agribank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên tiên phong giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Mới đây, ngân hàng này vừa triển khai chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô lên tới 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD với lãi suất ưu đãi với doanh nghiệp.  Đặc biệt, năm 2021, tổng số tiền hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất, miễn phí dịch vụ thanh toán của Agribank lên tới 7.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng, là ngân hàng hỗ trợ khách hàng lớn nhất hệ thống. 

Agribank phát động giải chạy "Vì tương lai xanh"
Dự kiến, thông qua giải chạy, Agribank sẽ dành 35 tỷ đồng để triển khai các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội, trồng 1 triệu cây xanh góp phần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư