Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Những lãnh đạo góp phần “thổi bay” hơn 4.200 tỷ đồng tại Vinachem
Hải Yến - 15/09/2017 07:30
 
Bốn dự án đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có số lỗ lũy kế lên tới 4.200 tỷ đồng. Đóng góp đáng kể vào việc "thổi bay" nhiều ngàn tỷ đồng đó chính là những sai phạm của một số lãnh đạo Vinachem.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều Dự án tập đoàn đầu tư không hiệu quả, trong đó có 4/5 Dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỷ đồng, mà điển hình nhất là Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều dự án tập đoàn đầu tư không hiệu quả, trong đó có 4/5 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỷ đồng, mà điển hình nhất là dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Liên quan đến việc Bộ Công thương vừa thông tin về việc cần phải xử lý nghiêm minh, không bỏ sót vi phạm, xử lý đúng pháp luật, có lý có tình các tập thể, cá nhân vi phạm đối với những sai phạm tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), hãy nhìn lại các dự án thua lỗ nghìn tỷ tại Vinachem và sai phạm của lãnh đạo Tập đoàn.

4 lãnh đạo  của Vinachem sai phạm gì?

Theo đó, 4 lãnh đạo cấp cao của Vinachem gồm ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem nhiệm kỳ 2010-2015 và các nguyên lãnh đạo nhiệm kỳ 2005-2010.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận nhiều nội dung, trong đó có kết luận về kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cùng một số cá nhân.

Cụ thể, ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010-2015. Với trách nhiệm người đứng đầu, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ; trong quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.

Thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án DAP số 2 Lào Cai. Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong việc triển khai dự án đạm Hà Bắc.

Ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong chỉ đạo thực hiện dự án Đạm Ninh Bình ở giai đoạn đầu, cụ thể là: Thiếu trách nhiệm khi trình cấp có thẩm quyền Báo cáo tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, trong khi Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam chưa được phê duyệt.

Mặc dù đã được các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn cảnh báo Dự án hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, song Đồng chí vẫn trình cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư. Đến nay, Dự án hoạt động không hiệu quả, thua lỗ rất nghiêm trọng, mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu của Nhà nước.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn chịu trách nhiệm chung về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn.

Với cương vị người đứng đầu, ông Tuấn đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý vốn, tài sản, đất đai, đầu tư. Chịu trách nhiệm khi ký các quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án trái với ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.

Thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Dự án Đạm Hà Bắc, Dự án DAP số 2 Lào Cai. Chịu trách nhiệm chính trong việc ban hành nghị quyết của HĐQT về thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp tại số 233B, Nguyễn Trãi, Hà Nội trái quy định.

Ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan; nguyên Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty; nguyên Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong quản lý vốn, tài sản, đất đai, đầu tư của Tập đoàn.

Chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định và triển khai Dự án đạm Ninh Bình, Dự án đạm Hà Bắc và Dự án DAP số 2 Lào Cai.

4 dự án ngàn tỷ thua lỗ đình đám của Vinachem:

1. Dự án Đạm Ninh Bình lỗ hơn 3.000 tỷ đồng

Dự án Đạm Ninh Bình tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư.

Đạm Ninh Bình là dự án số lỗ phát sinh nhiều nhất lên tới 3.217 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2016), Bộ Công thương đánh giá tình hình tài chính gặp khó khăn do chi phí đầu tư dự án quá cao, phải trả nợ vay ngân hàng, lại thêm các khoản thua lỗ nên sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Nhà máy đã phải dừng hoạt động.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, mặc dù đã được các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn cảnh báo dự án hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, song HĐTV và Tổng giám đốc tập đoàn vẫn trình cấp có thẩm quyền quyết định triển khai, dẫn đến nhà máy liên tục thua lỗ với số tiền trên 2.500 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra được Bộ Công thương chỉ rõ, Vinachem đã phê duyệt điều chỉnh dự án trên cơ sở đánh giá hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn rủi ro, dự báo còn hạn chế.

Tại Kết luận thanh tra dự án này, Bộ Công thương đã chỉ ra một số sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình. 

Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc của Vinachem, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, các lãnh đạo thiếu kiểm tra, giám sát để Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình thay đổi thiết bị xuất xứ từ các nước EU, G7 sang thiết bị của Trung Quốc không đúng với hợp đồng.

Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc cũng có nhiều vi phạm trong ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh quyết toán với nhà thầu, chậm quyết toán hoàn thành dự án. Một số dự án sai phạm từ khâu lập dự án, thẩm định, phê duyệt, ký kết hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán và thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước, làm tăng tổng mức đầu tư; có dự án phải tạm dừng thanh toán cho nhà thầu do không có kinh phí.

 2. DAP Lào Cai nhiều sai phạm

Tổng mức đầu tư Dự án DAP Lào Cai lên tới gần 5.200 tỷ đồng, tăng khá lớn so với mức phê duyệt ban đầu (hơn 4.400 tỷ đồng).

Đáng chú ý, từ tháng 7/2015, khi Nhà máy đi vào sản xuất thương mại đến thời điểm 30/6/2016, sản lượng sản xuất không đạt mục tiêu.

Cụ thể, từ 1/7/2015 - 31/12/2015, công suất trung bình chạy máy chỉ đạt 65,2%, sản lượng 107.571 tấn DAP; từ 1/1/2016 - 30/6/2016, công suất trung bình chạy máy giảm xuống còn 43,5%, sản lượng 71.758 tấn DAP. Năm 2015, Công ty lỗ hơn 100 tỷ đồng, năm 2016 là trên 800 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Vinachem ngày 27/10/2016 của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm.

Kiểm toán Nhà nước phát hiện Dự án trong quá trình thực hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nên qua kiểm toán đã chuyền hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.

Cụ thể, phê duyệt tổng mức đầu tư không chính xác 70,2 tỷ đồng; trong quá trình đàm phán giảm giá dự thầu Gói thầu số 3 EPC1 38,48 triệu USD, chủ đầu tư đã hạ thấp yêu cầu kỹ thuật, xuất xứ, chất lượng một số thiết bị, chưa tuân thủ triệt để thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu; thực hiện một số gói thầu không cần thiết làm lãng phí chi phí đầu tư 9,3 tỷ đồng,...

Ngoài ra, công tác quản lý đầu tư, nghiệm thu, thanh toán tồn tại nhiều sai phạm nên KTNN đã kiến nghị giảm thanh toán 34,5 tỷ đồng, xử lý khác 795 tỷ đồng.

Việc nghiệm thu, thanh toán vượt hơn 1,2 triệu USD tiền thuế giá trị gia tăng mua hàng nhập khẩu, không tính đủ tỷ trọng thanh toán của các thành phần, làm tăng chi phí lên tới hàng ngàn USD...

Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, Vinachem phải chỉ đạo các chủ đầu tư dự án giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tranh chấp để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án trước ngày 30/9/2017.

3. Dự án Đạm Hà Bắc

Là một trong 4 nhà máy đang thua lỗ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, từng là "cánh chim đầu đàn" của ngành công nghiệp phân bón Việt Nam. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, từ khi đầu tư mở rộng nhà máy với số vốn hơn 10.000 tỷ đồng, phải mang trên mình gánh nặng với khoản lỗ ngày một lớn.

Năm 2010, công ty khởi công dự án cải tạo và mở rộng nhà máy với tổng mức đầu tư hơn 568 triệu USD. Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2015, nâng công suất từ 180.000 tấn lên mức 500.000 tấn/năm.

Dự án mở rộng Nhà máy mới đi vào hoạt động nên áp lực về chi phí lãi vay bị phân bổ và trích khấu hao khá cao. Ngay sau khi hoàn tất mở rộng năm đầu tiên (2015), Đạm Hà Bắc đã công bố lỗ 669 tỷ đồng (cao hơn số lỗ theo kế hoạch 70 tỷ đồng). Con số tiếp tục tăng lên khoảng 1.000 tỷ đồng chỉ một năm sau đó

Theo kế hoạch năm đầu tiên (năm 2015), công ty lỗ 26,55 triệu USD, tương đương với 585 tỷ đồng, năm thứ 2 (năm 2016) lỗ 5,659 triệu USD, tương ứng 124,69 tỷ đồng. Tới năm thứ 3 (năm 2017) công ty dự kiến sẽ lãi 4 triệu USD, tương ứng với 88,3 tỷ đồng (tính theo tỷ giá tại thời điểm hiện nay).

Dù có lãi trở lại từ năm 2017 nhưng phải đến năm 2019 công ty mới hết lỗ luỹ kế.

Nguyên nhân dẫn tới tình cảnh thua lỗ như trên là do nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, dẫn đến tiêu thụ khí công nghiệp gặp khó khăn. Trong khi đó, thị trường urê cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất trong nước, giữa urê trong nước với urê nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc.

Tại dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc, kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ quá trình triển khai thực hiện dự án đã để xảy ra nhiều sai phạm như tính thừa chi phí, xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng, thi công sai phép, bố trí cán bộ không đủ điều kiện tham gia quản lý dự án... với tổng số tiền phạt vi phạm lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Hiện dự án cũng chưa hoàn thành quyết toán gói thầu EPC, do chủ đầu tư chưa cân đối và thu xếp đủ nguồn vốn để giải ngân và vướng mắc về thủ tục.

4. DAP Đình Vũ, Hải Phòng trầy trật thoát lỗ

Theo báo cáo tài chính của chủ đầu tư, Công ty cổ phần DAP- VINACHEM (DDV) của Nhà máy DAP Hải Phòng hay còn gọi là DAP Đình Vũ, tính đến 30/09/2016 đang có khoản lỗ lũy kế gần 321 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn gần 1.145 tỷ đồng, giảm 24% so với thời điểm đầu năm. Nợ vay tài chính của DDV đang ở mức 817 tỷ đồng, gồm gần 682 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và gần 135,4 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Nhà máy DAP Đình Vũ cũng được chủ đầu tư Vinachem giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện theo phương thức EPC. Dự án được khởi công từ năm 2003, nhưng mãi đến năm 2009 mới cơ bản hoàn thành, tiến độ rất chậm so với yêu cầu. Sản phẩm của nhà máy này cũng không đạt tiêu chuẩn chất lượng như thiết kế ban đầu, chỉ ra được phân bón DAP có hàm lượng hơn 61%. Nhà thầu Trung Quốc không tìm được biện pháp khắc phục nhược điểm về kỹ thuật công nghệ, đành chấp nhận chịu phạt để rút lui. Sau hai năm bàn giao, DAP Đình Vũ bắt đầu “nếm” vị thua lỗ vì tồn đọng sản phẩm.

Tính đến ngày 30/6/2017, DDV đang có khoản lỗ lũy kế gần 521 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 944,6 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ ở mức hơn 1.461 tỷ đồng.

Tổng tài sản của DDV ở mức 2.073 tỷ đồng, giảm 6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn hơn 503 tỷ đồng (chiếm 24% cơ cấu tài sản); tài sản dài hạn 1.534 tỷ đồng, chiếm 76%.

Năm 2016, DDV ghi nhận mức lỗ đậm nhất, khi chỉ đạt sản lượng tiêu thụ 168.000 tấn so với kế hoạch. Doanh thu giảm mạnh so với năm 2015, chỉ đạt 1.319 tỷ đồng, dẫn đến mức lỗ 470 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo DAP Đình Vũ cho rằng, nguyên nhân lỗ lớn là do thị trường phân bón mất giá nhanh, phân bón xuống thấp, trong khi chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Cộng với hạn chế về quản trị chi phí sản xuất, kế hoạch thị trường yếu kém.

[Infographic] 12 dự án thua lỗ, yếu kém thuộc ngành Công thương
Trong số 12 dự án thua lỗ, yếu kém thuộc ngành Công thương, hiện chỉ các dự án thuộc ngành hóa chất và thép đã có biện pháp tháo gỡ khó khăn,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư