Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Những lỗi vi phạm giao thông bị tăng mức phạt từ 1/8/2016
Duy Trần (GTVT) - 01/06/2016 11:16
 
Theo Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1/8, nhiều lỗi vi phạm phạm giao thông sẽ bị tăng mức phạt.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn với các lái xe. Ảnh Tạ T

CSGT kiểm tra nồng độ cồn với các lái xe. Ảnh: Tạ Tôn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2016 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB, đường sắt, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014 sẽ có hiệu lực từ 1/8/2016, trong đó có những lỗi vi phạm sẽ bị phạt rất nặng nhằm tăng sự răn đe.

Tăng nặng chế tài các hành vi uy hiếp ATGT

Cụ thể, đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, Nghị định 46 tăng mức phạt tiền tất cả hành vi của tài xế ô tô: Tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước GPLX 4-6 tháng.

Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3-5 tháng. Cũng theo Nghị định mới, với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt được tăng cao. Theo đó, người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 500.000 - 1 triệu đồng thay vì mức 2- 4 triệu đồng trước đây.

Nghị định cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây TNGT sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Theo Nghị định số 171 thì hành vi vi phạm này chỉ bị phạt từ 8-10 triệu đồng.

Nghị định cũng tăng mức phạt đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ các mức từ 20-50%, 50-100%, 100-150%. Đối với lái xe, mức phạt cao nhất khi chở quá tải trên 150% sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3- 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định.

Theo Nghị định 171, hành vi này chỉ bị xử phạt 7-8 triệu đồng. Đối với chủ phương tiện, phạt tiền từ 28 - 32 triệu đồng đối với cá nhân; từ 56 - 64 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô khi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%.

Phạt nặng để răn đe

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ thực tiễn thực hiện Nghị định 171, các hành vi là nguyên nhân chính gây TNGT nghiêm trọng đều đã được điều chỉnh nâng cao mức phạt tiền cũng như phạt bổ sung. Hoặc một số hành vi mới được quy định như xử phạt người điều khiển xe ô tô sử dụng điện thoại di động sẽ bị phạt cao nhất là 800.000 đồng. "Đây là một trong những nguyên nhân gây TNGT do mất tập trung khi lái xe. Điều kiện hạ tầng đã tốt lên, tốc độ được tăng thêm, vì vậy đòi hỏi phải tập trung cao khi lái xe", ông Thái phân tích.

Đặc biệt, theo ông Thái, việc phải tăng mạnh mức xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn là vì theo thống kê, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia gây ra trung bình mỗi năm chiếm tới 16%-20%. Tỉ lệ này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Hơn nữa, các vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia thường rất nghiêm trọng về cả tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản, đe dọa ATGT đối với người khác.

“Việc tăng mức phạt liên quan đến các nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây ra TNGT lần này nhằm tác động vào ý thức của người tham gia giao thông. Với các hành vi này, dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng vi phạm vẫn xảy ra phổ biến. Mức phạt như trước đây chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là đối với hành vi vi phạm tốc độ hay chở quá tải trọng quy định, là nguy cơ gây mất ATGT. Nghị định 46 tập trung vào xử phạt nặng đối với lái xe và chủ phương tiện”, ông Thái nói.

Hà Nội bỏ quy định cụ thể mức kỷ luật học sinh vi phạm giao thông
Thay vì quy định cụ thể việc buộc thôi học 1 tuần với học sinh vi phạm luật giao thông nhiều lần, Hà Nội để các trường tự quyết theo Điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư