Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Niềm tin dành cho doanh nghiệp là giá trị kết tinh của đạo đức kinh doanh
Khánh An - 12/10/2022 09:11
 
Hôm nay, 60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 sẽ được vinh danh, cùng với đó sẽ là 60 câu chuyện truyền cảm hứng về đạo đức và văn hóa kinh doanh.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tin rằng, khi cả triệu doanh nghiệp Việt kết tinh được niềm tin, thì GDP của Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua con số hơn 400 tỷ USD... 

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Năm 2022, lần đầu tiên Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu được bình xét dựa nhiều hơn vào tiêu chí đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội. VCCI muốn gửi đi thông điệp gì khi quyết định như vậy?

Có hai điều chúng tôi mong muốn đặt nền móng vào thời điểm này. Đó là xây dựng niềm tin về cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; và truyền cảm hứng trong các thế hệ doanh nhân Việt Nam về đạo đức, tinh thần, văn hóa kinh doanh của người Việt.

Trong kinh doanh, niềm tin là vàng. Nhiều người hỏi tại sao cứ đến mùa bánh Trung thu, nhiều người không ngại mất thời gian để xếp hàng, mua cho được sản phẩm mình yêu thích, hay tại sao mỗi khi Apple ra dòng điện thoại mới, người mê điện thoại quả táo lại cất công bay sang Singapore để xếp hàng...

Người tiêu dùng mua sản phẩm một phần, nhưng phần lớn là họ đặt niềm tin vào doanh nghiệp về chất lượng, giá trị, đẳng cấp của sản phẩm, dịch vụ. Niềm tin mà khách hàng dành cho doanh nghiệp chính là giá trị kết tinh của văn hóa và đạo đức kinh doanh. Cả triệu doanh nghiệp Việt kết tinh được niềm tin, thì GDP của Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua con số 400 tỷ USD hiện nay.

Nhưng không dễ để lựa chọn, chấm điểm đạo đức, thưa ông?

Việc này khó, cần phải làm. Không một quốc gia phát triển thịnh vượng, bền vững nào dựa trên những doanh nghiệp gian dối, doanh nhân không liêm chính.

Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp thành công sẽ là một câu chuyện truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp và cả thị trường, cho những người tiêu dùng Việt Nam. Từ đó, sẽ thúc đẩy cộng đồng kinh doanh cùng tạo ra giá trị cho xã hội, gây dựng hình ảnh những doanh nhân Việt Nam với sức sáng tạo, khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc của người Việt.

Khi cộng đồng xã hội nhìn vào những tấm gương doanh nhân với sự tin tưởng, ngưỡng mộ, thì nhiều người trẻ sẽ chọn kinh doanh là sự nghiệp, như cách mà các bạn trẻ vì ngưỡng mộ Bill Gate, Steve Jobs mà dấn thân vào công nghệ thông tin... Khi đó, Việt Nam sẽ có cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp có đức, có tài, phát triển bền vững, tương xứng với khát vọng phát triển đất nước.

Chính vì vậy, quy trình bình xét doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm nay được tổ chức chặt chẽ, công phu, dựa trên cả hồ sơ và các ý kiến của các đoàn thẩm định thực tế tới doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nhân được đề cử. Dựa trên 6 tiêu chuẩn quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, chúng tôi thiết kế bộ câu hỏi chi tiết với hơn 100 câu đã được xây dựng, làm cơ sở để các trưởng đoàn thẩm định có đánh giá, cảm nhận sát thực hơn về nhận thức, quan điểm kinh doanh của doanh nhân.

Ví dụ, để làm rõ tiêu chuẩn tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, sẽ có câu hỏi đánh giá những đóng góp về sản phẩm, dịch vụ, hay hoạt động nghiên cứu và phát triển... Hay tiêu chí tuân thủ pháp luật sẽ đánh giá dựa trên việc tuân thủ nộp thuế, bảo hiểm xã hội... Tương tự, các tiêu chí còn lại gồm minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình, cũng có các câu hỏi làm rõ.

Đặc biệt, qua các câu chuyện kinh doanh của các doanh nhân nhiều thế hệ, chúng tôi cũng học hỏi lẫn nhau, cảm nhận được những khác biệt trong tư duy, nhận thức, từ đó có cách thức chia sẻ, thúc đẩy đạo đức, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng. Văn hóa là câu chuyện gắn với chủ thể cụ thể, với những điều kiện, bối cảnh nhất định, không thể áp đặt hay rao giảng lý thuyết xuông được, nhất là khi sau hơn 30 năm đổi mới, giai đoạn chuyển giao thế hệ doanh nhân đã bắt đầu với không ít thách thức, khó khăn.

Ông là một trong những người tham gia phong trào doanh nhân trẻ Việt Nam ngay từ những ngày đầu. Nhiều doanh nhân trẻ thế hệ đầu tiên đã có mặt trong Top 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Ông thấy có điểm gì khác biệt giữa thế hệ doanh nhân trẻ hiện tại và các thế hệ đi trước?

Doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay may mắn hơn thế hệ trước ở nhiều góc độ. Đầu tiên, phải nhắc đến vai trò, vị trí của kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế thế giới đã tăng hơn rất nhiều so với 30 năm trước. Thương hiệu Việt Nam không còn vô danh, đã có vai vế trên nhiều thị trường.

Tôi vẫn nhớ giấc mơ có được chiếc Peugeot của Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền những ngày đầu khởi nghiệp. Ông ấy vẫn giữ lại chiếc xe đầu tiên ấy, một kỷ niệm về thời thanh xuân khó khăn, ôm hoài bão thoát nghèo. Hồi đó, nhiều người chọn trở thành doanh nhân vì nhu cầu sinh tồn, chấp nhận đối mặt với những con mắt hoài nghi, không mấy coi trọng của xã hội để khẳng định mình.  

Thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay được đào tạo bài bản, có kiến thức, có thông tin, đặc biệt là có vị thế khác hẳn so với thế hệ cha anh họ. Nhưng thách thức không hề nhỏ. Thị trường đã định hình khá rõ và để có được một vị trí là vô cùng khó khăn. Tốc độ thay đổi của khoa học công nghệ rất nhanh, chu kỳ đầu tư ngắn lại, nên cơ hội cũng đi nhanh nếu không thực sự nhạy bén, sáng tạo.

Cạnh tranh bây giờ là cạnh tranh toàn cầu, kể cả tại thị trường nội địa. Người tiêu dùng có thể mua hàng của doanh nghiệp Trung Quốc qua sàn thương mại điện tử và được ship tới tận cửa nhà, với chi phí rất rẻ.

Tuy nhiên, về tinh thần vươn lên và khát vọng làm giàu, có lẽ thế hệ doanh nhân đầu tiên mạnh mẽ hơn. Có thể, tìm kiếm động lực và khát vọng vươn lên sẽ là thách thức của thế hệ doanh nhân trẻ.

Ông nghĩ thế nào về mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030?

Tôi đã ngồi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bàn về con số 1,5 triệu doanh nghiệp vào nhiệm kỳ này, 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Nhiều người nói mục tiêu này rất thách thức, cần có nhiều chính sách để thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, trong đó có cả việc thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp...

Quan điểm của tôi là chúng ta không chỉ nhìn vào mục tiêu con số, mà phải nhìn vào lợi ích của người kinh doanh, lấy lợi ích đó là tâm điểm, chủ thể của chính sách. Nếu hộ kinh doanh không thấy lợi khi chuyển thành doanh nghiệp, thì sẽ không có động lực thay đổi để chuyên nghiệp hơn, cạnh tranh hơn...

Trở lại câu chuyện của văn hóa, đạo đức kinh doanh, thể chế tạo nên động lực cũng theo nghĩa này. Nếu muốn doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững, hướng tới các ngành xanh, sạch, sáng tạo, bảo vệ môi trường..., thì cần có cơ chế động lực thu hút vốn vào các ngành này, đồng thời khuyến khích nhu cầu của thị trường...

Động lực phải nhìn thấy được, phải thực chất, khi đó doanh nghiệp, doanh nhân sẽ có sự chuyển dịch thực chất. Không rõ động lực, thì dù có chính sách cũng khó khả thi.

Tất nhiên, trong sự phát triển này, cần sự nhận thức của cả doanh nghiệp, doanh nhân. VCCI nhận trách nhiệm thúc đẩy đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh cũng để thay đổi ứng xử, thái độ của doanh nhân với xu thế phát triển, với đòi hỏi chuyên nghiệp hơn, tôn trọng và tuân thủ pháp luật...

Điều này cũng có nghĩa, nếu môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thì doanh nhân cũng sẽ thực hành đạo đức, văn hóa kinh doanh một cách trách nhiệm hơn, thưa ông?

Môi trường kinh doanh như là nước, nước có tốt thì cá mới lớn nhanh, phát triển mạnh được; và ngược lại, nước xấu thì cá bỏ đi. Phải khẳng định là, thể chế có vai trò quan trọng trong thúc đẩy đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, làm thay đổi hành vi của thị trường, của người tiêu dùng.

Trong giai đoạn vừa qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã cầu thị lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh đang được cải thiện, vận hành theo xu thế ngày càng tốt lên. Nhưng nhiều cơ chế, chính sách chưa được thực hiện như kỳ vọng. Ví dụ, trong các chính sách, giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế, một số chính sách triển khai tốt như giãn, hoãn thời gian nộp thuế..., nhưng một số chính sách khác thì chưa, như gói hỗ trợ lãi suất...

Có một thực tế là, doanh nghiệp không kêu ca, không chờ đợi, mà tìm cơ hội, tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ người lao động, tìm vốn để chớp cơ hội kinh doanh. Nhưng cũng có thể thấy, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dù tốt thế nào mà không kịp thời, không thực hiện nhanh, thì doanh nghiệp cũng không thể ngồi đợi.

Trong giai đoạn phục hồi và phát triển tới đây, doanh nghiệp rất cần sức và lực để vượt lên, đủ sức chiếm các vị trí mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, nên họ cần sự hỗ trợ, hậu thuẫn kịp thời của cơ chế, chính sách.

Chúng ta phải xác định rõ, để thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030, đến năm 2045, thì cần đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tương xứng.

60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 được tôn vinh đều có quá trình lập nghiệp đáng ngưỡng mộ, thể hiện bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo vượt khó, tinh thần tự hào dân tộc. VCCI sẽ cho xuất bản bộ sách những câu chuyện hay về các doanh nhân tiêu biểu, qua đó vừa khuyến khích các doanh nhân khác và thế hệ trẻ noi theo, vừa góp phần từng bước xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam qua những tấm gương thực tế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Người kinh doanh đều hiểu rõ “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"
Trong câu chuyện liêm chính của doanh nhân, bà Lan cũng cho rằng, nếu không có sự liêm chính của khu vực Nhà nước, trong bộ máy Nhà nước thì rất khó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư