Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Người kinh doanh đều hiểu rõ “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"
Khánh Linh - 11/10/2022 21:04
 
Trong câu chuyện liêm chính của doanh nhân, bà Lan cũng cho rằng, nếu không có sự liêm chính của khu vực Nhà nước, trong bộ máy Nhà nước thì rất khó cho doanh nghiệp liêm chính.
,
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 

Câu nói quen thuộc của người Việt Nam, rằng “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, người kinh doanh đều hiểu. 

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ quan điểm khi được hỏi về đạo đức doanh nhân. Có cả một sự nghiệp đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, nên bà tin là thấy rõ sự thay đổi về đạo đức doanh nhân và cả lý do của những thay đổi đó.

“Tư duy tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp tư nhân có lẽ bắt đầu từ những năm 1990-1991, khi Việt Nam có Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân”, bà Lan nói.

Trước thời điểm đó, vì không có danh chính, nên kinh doanh là phi pháp. Để tồn tại, để mưu sinh, những người kinh doanh khi đó nhiều khi buộc phải làm trái với lương tâm của họ, trái với luật pháp, chấp nhận rủi ro rất lớn.

Khi có sự công nhận và khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, vào năm 1990-1991, chính danh cho doanh nghiệp hoạt động, tinh thần tuân thủ pháp luật bắt đầu, dù cách làm ăn có phần chụp giật, lẩn tránh còn khá rất phổ biến.

“Điều tôi thấy rõ là theo truyền thống của người Việt, những người làm kinh doanh của người Việt có ý thức rất cao về đùm bọc lẫn nhau, nên khi làm kinh doanh, họ cũng nghĩ đến việc làm thế nào để cung ứng sản phẩm, hàng hóa, đỡ đi khó khăn vô cùng của thời đó. Đặc biệt, những người kinh doanh cũng hiểu rõ câu nói mua danh ba vạn, bán danh ba đồng, nên rất hiểu chữ tín là vô cùng quan trọng”, bà Lan chia sẻ quan điểm.

Những điểm mạnh đó xuyên suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp, ngày càng mở rộng hơn, cùng với những yêu cầu của không chỉ của khách hàng, của đối tác mà của toàn xã hội, ở trong nước và quốc tế.

Song, những lùm xùm trong giới kinh doanh, của cả đại gia rất lớn khiến bà lo ngại.

“Điều tôi lo lắng khi nói về đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là bối cảnh chung, nền tảng đạo đức xã hội hiện tại. Cảm nhận của tôi là đạo đức xã hội của chúng ta đang có những vấn đề nghiêm trọng", bà thẳng thắn khi nhìn vào con người, vị trí tưởng như đã đạt được những chuẩn mực rất tốt vừa bị trừng trị, nhìn vào những lĩnh vực lâu nay vẫn đề cao chuẩn mực đạo đức như y tế, giáo dục, tư pháp cũng đều có những vi phạm lớn.

Bối cảnh này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nhân là điều bà Lan tâm tư.

Vì, trong câu chuyện liêm chính của doanh nhân, bà Lan cũng cho rằng, nếu không có sự liêm chính của khu vực Nhà nước, trong bộ máy Nhà nước thì rất khó cho doanh nghiệp liêm chính.

Thực tế là, nếu dặt câu hỏi doanh nghiệp có muốn đưa hối lộ không, phần lớn câu trả lời sẽ là không, vì cái giá phải trả cho việc này rất lớn, rủi ro cao. Nhưng nếu bên có quyền phân bổ nguồn lực đòi hỏi thì làm sao họ liêm chính được.

“Muốn có liêm chính trong doanh nghiệp, sư liêm chính trong khu vực Nhà nước phải được đề rất cao. Chừng nào Nhà nước liêm chính được thì doanh nghiệp sẽ liêm chính theo”, bà Phạm Chi Lan nói.

Một lần nữa, câu nói thể chế nào, doanh nhân đó của ông Vũ Quốc Tuấn (nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải) được bà nhắc lại tại Hội thảo khoa học về “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” sáng 11/10, vẫn nguyên tính cảnh báo.

Đề xuất tại Hội thảo, bà tiếp tục gửi đi khuyến nghị, việc cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là mong muốn được Chính phủ thực hiện, tạo khuôn khổ để doanh nghiệp có thể làm được tốt, có thể tuân thủ tốt nhất. 

Liêm chính là phép thử đầu tiên về sự cống hiến của doanh nghiệp, doanh nhân
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, theo đuổi lợi nhuận là mong muốn chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư