Thứ Sáu, Ngày 18 tháng 07 năm 2025,
Ninh Bình: Tín dụng chính sách là bệ đỡ an sinh, đòn bẩy phát triển bền vững
Phương Liên - 17/07/2025 16:21
 
Với mạng lưới phủ khắp 129 xã, phường và tổng dư nợ vượt 13.500 tỷ đồng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đang khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn bền vững, kịp thời và nhân văn đến từng hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Ổn định tổ chức, giữ vững dòng chảy vốn ưu đãi

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hôi (CSXH) tỉnh Ninh Bình được thành lập theo Quyết định số 56/QĐ-HĐQT ngày 26/6/2025 của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam, trên cơ sở hợp nhất địa bàn hoạt động của các chi nhánh tại Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam trước đây. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Chi nhánh đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách xã hội được duy trì liên tục, không bị gián đoạn.

Hiện Chi nhánh có 21 phòng giao dịch và Hội sở chính, với 397 điểm giao dịch tại 129/129 xã, phường, thị trấn, 6.219 Tổ tiết kiệm và vay vốn, phục vụ hơn 219.000 hộ vay còn dư nợ. Nhờ hệ thống phân bố rộng khắp, người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn chính sách.

Từ đầu tháng 7 đến nay, doanh số cho vay toàn tỉnh đạt gần 80 tỷ đồng, với trên 1.300 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; doanh số thu nợ đạt trên 200 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2025 đạt trên 13.500 tỷ đồng, tăng 853 tỷ đồng so với đầu năm.

Người dân tới giao dịch tại phòng giao dịch chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình

6 tháng đầu năm 2025, hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng CSXH tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả, chất lượng tín dụng được giữ vững. Chi nhánh đã phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới.

Một điểm nổi bật là việc bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương, với hơn 342 tỷ đồng được ủy thác sang Ngân hàng CSXH trong 6 tháng đầu năm. Đây là cơ sở để mở rộng đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm áp lực vốn trung ương, đồng thời thể hiện rõ cam kết của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công cuộc giảm nghèo bền vững.

Ngân hàng CSXH tỉnh cũng phối hợp với Sở Tài chính, các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh sửa đổi cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc trong triển khai tín dụng chính sách, lồng ghép hiệu quả với các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, công tác rà soát đối tượng vay, tổ chức giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng được đặc biệt chú trọng. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố xử lý phù hợp nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Không chỉ là kênh vốn, tín dụng chính sách còn là công cụ mạnh mẽ thúc đẩy an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững. Trong 6 tháng qua, vốn vay từ Ngân hàng CSXH đã giúp hơn 14.000 lao động có việc làm, hỗ trợ 437 học sinh, sinh viên khó khăn tiếp tục học tập, xây dựng và cải tạo hơn 44.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, xây mới 193 căn nhà cho hộ nghèo, người yếu thế.

Chất lượng tín dụng tiếp tục được giữ vững, với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,13% (thấp hơn mức bình quân toàn quốc là 0,22%), nợ khoanh chiếm 0,02%, phản ánh sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở.

Thúc đẩy tín dụng chính sách từ cơ sở

Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Đồng thời, đơn vị sẽ kiến nghị thành lập Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, tạo nền tảng pháp lý và điều phối cho hoạt động tín dụng chính sách tại địa bàn.

Trên cơ sở kế hoạch tín dụng trung hạn (2026–2030) của các chi nhánh trước hợp nhất, Chi nhánh sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tín dụng 5 năm và năm 2026 phù hợp với địa giới hành chính mới. Đồng thời, đơn vị sẽ tham mưu ban hành Quy chế quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH, bổ sung nguồn lực cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo dòng vốn được luân chuyển kịp thời, đúng mục tiêu, không để người dân có nhu cầu và đủ điều kiện bị bỏ lại phía sau.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình ký kết văn bản liên tịch với các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh

Chi nhánh cũng sẽ chủ động phối hợp rà soát nhu cầu vay vốn từ cơ sở, đảm bảo tiếp cận tín dụng chính sách là quyền lợi thực chất của người dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đúng tiến độ.

Song hành cùng đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục là cánh tay nối dài, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng từ cơ sở, củng cố hiệu quả hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần gìn giữ sự an toàn, minh bạch và nhân văn trong hoạt động giao dịch xã.

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước
Sáng 27/3, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì buổi làm việc để đánh giá tình hình tổ chức và hoạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư