Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Ninh Thuận định hướng thu hút đầu tư
Nguyễn Đức Thanh - 21/03/2013 00:00
 
Để khai thác hiệu quả các tiềm năng,lợi thế về nhiều mặt, Ninh Thuận đã xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, với định hướng thu hút đầu tư gắn với kết nối phát triển vùng và tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược lớn.
TIN LIÊN QUAN

Tháp Chàm vào dịp lễ hội. Ảnh: K.A.D

Các điều kiện thuận lợi về địa lý, tài nguyên

Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Với diện tích tự nhiên 3.358 km2, Ninh Thuận cách TP.HCM 350 km, cách Sân bay Cam Ranh 60 km, cách TP. Nha Trang 105 km... Vị trí địa lý này đã tạo cho Ninh Thuận có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hoá với các tỉnh trong khu vực, đồng thời bắt nhịp với tiến trình hội nhập chung của cả nước.

Ninh Thuận nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đặc trưng khô nóng, mưa ít, gió nhiều, rất thích hợp để trở thành trung tâm của cả nước về phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), sản xuất muối công nghiệp, giống thủy sản; sản xuất sản phẩm đặc thù có quy mô lớn, như cây nho, chăn nuôi bò, dê, cừu.

Với bờ biển dài hơn 105 km, có nhiều vịnh đẹp, như Bình Tiên và Vĩnh Hy, Ninh Thuận có lợi thế về tiềm năng biển cùng các điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản, xây dựng cảng nước sâu, phát triển công nghiệp ven biển, và là địa điểm được chọn để xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng thể

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên của cả nước mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài (2 tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh) lập chiến lược, Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch chung xây dựng TP. Phan Rang - Tháp Chàm và dải ven biển.

Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển đến năm 2020 đã được xác định như sau: xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt nam trong tương lai, kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế “xanh”, tốc độ tăng GDP bình quân 18 - 19%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 1.400 USD và đến năm 2020 đạt 2.800 USD, bằng 85% mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước.

Tỉnh ưu tiên phát triển 6 nhóm ngành trụ cột, gồm: năng lượng; du lịch; nông - lâm - thủy sản; công nghiệp; giáo dục - đào tạo và xây dựng, kinh doanh bất động sản, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 6 cụm ngành này đóng góp 91% GDP, giải quyết 85% lao động của tỉnh.

Ba khâu đột phá quan trọng để thu hút đầu tư

Để thực hiện các mục tiêu Quy hoạch theo phương án phát triển đã chọn, thu hút đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh về kinh tế trong giai đoạn tới, Ninh Thuận tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược quan trọng sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời tiếp tục hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng TP. Phan Rang - Tháp Chàm và Quy hoạch phát triển dải ven biển. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch và xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thông tin về quy hoạch, đất đai.

Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Về hạ tầng, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông kết nối để tận dụng khai thác lợi thế về hạ tầng cảng biển, sân bay của các tỉnh trong khu vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, mà trọng tâm là tuyến đường ven biển dài 116 km. Việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh, khai thác lợi thế của vùng, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nhất là chuẩn bị cho việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.

Về phát triển nguồn nhân lực, mục tiêu là xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên một số lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế...

Thứ ba, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trọng tâm là nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) để tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến thực hiện dự án tại tỉnh.

Với mục tiêu là bạn đồng hành của các nhà đầu tư, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Ninh Thuận, tỉnh chủ trương dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư trong khung quy định của Chính phủ khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu…

Với truyền thống thân thiện và mến khách, chính quyền và người dân Ninh Thuận luôn sẵn sàng chào đón và đồng hành cùng nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư thực hiện thành công dự án của mình tại Ninh Thuận.n

(*) Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư