Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nợ chồng chất, Xi măng Công Thanh vẫn xây thêm trạm nghiền
Thế Hoàng - 11/10/2017 19:19
 
Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh sở hữu dây chuyền công suất hơn 6 triệu tấn/năm, vẫn quyết tâm xây dựng trạm nghiền xi măng tại TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), dẫu khoản nợ của Công ty vượt cả chục ngàn tỷ đồng.
.
.

Nợ khủng

Thông tin từ Xi măng Công Thanh cho biết, sau khi chuẩn bị mọi thủ tục pháp lý, Công ty sẽ xây dựng trạm nghiền xi măng tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh.

Như vậy, với  trạm nghiền xi măng hiện có ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), trạm nghiền Cam Ranh sẽ là trạm nghiền thứ 2 của Xi măng Công Thanh. Khi hoàn thành sẽ đáp ứng mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ của Công Thanh.

Ngành xi măng không còn xa lạ với thương hiệu Xi măng Công Thanh từ chục năm nay. Khởi điểm từ năm 2006 với vốn điều lệ chỉ vẻn vẹn 50 tỷ đồng, từ một công ty ban đầu làm các dịch vụ sản xuất clinker và cho thuê xe trộn bê tông, Công ty Xi măng Công Thanh đã phát triển trở thành Tập đoàn Công Thanh gồm 9 công ty thành viên, với  sản phẩm và dịch vụ chính là xi măng, nhiệt điện, phân đạm, vận tải, khách sạn, resort…

Cuối năm 2015, dây chuyền 2 của Công ty được đưa vào hoạt động, đã nâng tổng công suất của Xi măng Công Thanh lên 6 triệu tấn/năm.

Niềm vui có thêm dây chuyền mới, gia tăng công suất chưa nguôi, thì kết thúc năm 2016, những con số buồn về kết quả kinh doanh đã cho thấy sự mất cân đối tài chính nghiêm trọng của Xi măng Công Thanh.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2016, Công ty gánh trên vai khoản nợ 13.763 tỷ đồng, trong đó riêng vay nợ ngắn hạn là 1.181 tỷ đồng và vay nợ dài hạn là 7.309 tỷ đồng, chủ yếu từ 2 chủ nợ là VietinBank và VPBank. Trong khi tổng tài sản chỉ là 14.080 tỷ đồng, hệ số nợ trên tổng tài sản là 97,75%.

Năm 2016 ghi dấu một năm kinh doanh ảm đạm của nhà sản xuất này. Cùng với sự kiện đưa dây chuyền 2, công suất 3,6 triệu tấn vào hoạt động, Công ty đã phát sinh khoản lỗ sau thuế hơn 478 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên 582,7 tỷ đồng.

Áp lực lớn từ lãi vay và khấu hao khi dây chuyền hơn 12.000 tỷ đồng đi vào hoạt động là những nguyên nhân chính khiến Công ty đột ngột lỗ lớn trong năm 2016.

Đáng nói là, nợ phải trả ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2016 đã vượt mức tổng tài sản ngắn hạn của Công ty là 1.575 tỷ đồng (năm 2015 là 1.209 tỷ đồng), khiến kiểm toán báo cáo tài chính nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Vốn đâu để xây thêm trạm nghiền?

Ngành xi măng trong nước đang đối diện với cơn bão dư cung khá lớn, lên tới 30 triệu tấn. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, tổng công suất ngành xi măng đã đạt xấp xỉ 90 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 59 triệu tấn, xuất khẩu được 15 triệu tấn.

Với thị trường dư cung lớn như vậy, bài toán tiêu thụ được tối đa công suất nhà máy với Xi măng Công Thanh đã là một vấn đề lớn. Nay lại quyết tâm đầu tư trạm nghiền Cam Ranh, “ông chủ” Xi măng Công Thanh sẽ lo vốn bằng cách nào.

Sở hữu hệ thống nhà máy xi măng quy mô hơn chục triệu tấn/năm, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai cho hay, với thị trường xi măng dư cung lớn như hiện nay, doanh nghiệp luôn cân nhắc kỹ các hạng mục đầu tư để dồn sức lớn nhất cho tiêu thụ, giảm thiểu tối đa việc bỏ thêm vốn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng cho rằng, Xi măng Công Thanh cần tính toán kỹ việc đầu tư xây dựng trạm nghiền tại Cam Ranh.

“Khu vực Cam Ranh, Khánh Hòa đã có tới 5 - 6 trạm nghiền của các “ông lớn” như Hà Tiên 1, Nghi Sơn, Thăng Long, Xuân Thành… Với mật độ như vậy thì việc xây thêm trạm nghiền tại đây có hợp lý hay không”, vị đại diện này đặt vấn đề.

Chính Ban lãnh đạo Xi măng Công Thanh cũng thừa nhận, năm 2017, thị trường xi măng trong nước tiếp tục dư cung (tổng công suất thiết kế toàn ngành hiện đã xấp xỉ 95 - 97 triệu tấn), trong khi tiêu thụ nội địa chỉ đạt tối đa 64 - 65 triệu tấn.

Chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay ngày một tăng cao đã thực sự trở thành gánh nặng cho Xi măng Công Thanh. Để giữ được sự tăng trưởng về doanh thu, chi phí bán hàng mà doanh nghiệp bỏ ra cũng không nhỏ.

Để cải thiện tình hình tài chính, Ban lãnh đạo Công ty Xi măng Công Thanh khẳng định, vẫn đang tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, lập kế hoạch trả nợ chi tiết cho các khoản vay.

Dù vậy, với gánh nặng nợ nần hơn chục ngàn tỷ đồng, để đầu tư trạm nghiền Cam Ranh, nếu không phải bằng nguồn vốn tự có, liệu tổ chức tín dụng nào dám tài trợ vốn cho Xi măng Công Thanh thực hiện dự án này?

Xi măng Công Thanh đầu tư 40 xe ô tô đầu kéo vận chuyển xi măng
40 xe ô tô đầu kéo hiệu Hyundai Xcient H380 loại 6x4 do Hyundai Motor Hàn Quốc sản xuất đã được Công ty Nam Việt bàn giao cho Công ty CP Xi măng Công Thanh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư