Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
"Nổ" deal M&A, Masan Resources tham vọng trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới
Phương Anh - 18/09/2019 11:40
 
Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC), công ty con do Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (MSR) sở hữu 100% vốn vừa ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck GmbH (HCS).
.
.

Thương vụ đang chờ sự phê duyệt của các cơ quan quản lý (bao gồm phê duyệt của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam). Tuy nhiên, cả hai bên đồng ý không tiết lộ các điều khoản tài chính trong giai đoạn này.

Starck được biết đến là nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao “midstream” (giai đoạn giữa của chuỗi giá trị) như bột kim loại vonfram (tungsten metal powders) và vonfram các-bua (tungsten carbides).

HCS phục vụ các khách hàng trên toàn thế giới với các tổ hợp sản xuất tại CHLB Đức, Canada và Trung Quốc. HCS có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật chuyên sâu và chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng, cũng như vận hành các nhà máy hiện đại, tự động hóa cao để đảm bảo cung cấp cho khách hàng các sản phẩm có chất lượng vượt trội và ổn định.

HCS có 105 bằng sáng chế (đã được cấp và đang đăng ký) và sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm vonfram hàng đầu như hợp chất vonfram có cấu trúc siêu mịn (ultrafine). Không những vậy, HCS là một trong số ít các công ty trên thế giới có khả năng thu hồi vonfram chất lượng cao qua quá trình tái chế phức tạp đồng thời thân thiện với môi trường, trên cơ sở các bí quyết công nghệ do HCS sở hữu.

Thương vụ M&A này là bước đi chiến lược trong tầm nhìn của MSR: Trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới.

Nguồn cung APT sơ cấp ổn định với giá thành thấp từ MSR, kết hợp với năng lực tái chế của HCS, sẽ tạo cho MSR năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điều này giúp MSR tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3.5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD, và đưa MSR trở thành nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram “midstream” cho các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo và công cụ, khai khoáng, ô tô, năng lượng, hàng không và công nghiệp hóa chất.

Việc trở thành nhà chế tạo các sản phẩm vonfram “midstream” sẽ làm gia tăng đáng kể giá trị công ty, do các sản phẩm vonfram công nghệ cao có giá bán cao hơn 30-50% so với các sản phẩm APT hiện tại.

Đây là cơ hội để đào tạo và phát triển các chuyên gia kỹ thuật trong ngành vật liệu công nghệ cao của Việt Nam, như một phần trong quá trình toàn cầu hóa nền tảng kinh doanh của MSR.

Ngày 11/9 vừa qua, Jacobs Group cũng đã thanh toán 130 triệu USD cho Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty cổ phần Tài nguyên Masan - Masan Resources sở hữu 100% vốn), tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng theo phán quyết của hội đồng trọng tài do Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore chỉ định.

Vụ kiện liên quan đến việc thực hiện hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị giữa hai bên cho dự án xây dựng dây chuyền chế biến khoáng sản của Núi Pháo vào năm 2011.

Jacobs Group đã thanh toán cho Núi Pháo 130 triệu USD. Số tiền này được dự đoán sẽ ghi nhận vào báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Masan Resources, qua đó khiến lợi nhuận tăng đột biến.

Masan Resources sở hữu 100% cổ phần công ty Núi Pháo vào tháng 10/2010, sau đó ký hàng loạt hợp đồng với các ngân hàng trong và ngoài nước về khoản vay tổng cộng 285 triệu USD để phát triển dự án khai khoáng.

Masan Resources đưa ra tầm nhìn trở thành nguồn tài nguyên cho công nghệ cao toàn cầu
Masan Resources vừa công bố tầm nhìn của công ty từ năm 2019 trở đi sẽ là “đưa nguồn Tài nguyên chiến lược của Việt Nam trở thành Vật liệu cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư