Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Nỗ lực chuyển đổi số tại các hợp tác xã
D.Ngân - 10/07/2024 09:26
 
Chuyển đổi số trở thành công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực.

Động lực chuyển đổi số

Hiện nay, cả nước có hơn 28.000 hợp tác xã hơn 100 liên hiệp hợp tác xã và khoảng 100.000 tổ hợp tác, trong đó, hợp tác xã nông nghiệp chiếm khoảng 66%.

Chuyển đổi số trở thành công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực.

Trong khi đó, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên trong đó có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Trong 20 năm qua, chính sách, pháp luật về kinh tế hợp tác, hợp tác xã được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Theo đó, nhiều văn bản quan trọng mang tính chiến lược đã được ban hành như là bệ đỡ để giúp các hợp tác xã phát triển.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai những nhiệm vụ cụ thể giúp hợp tác xã chuyển đổi số, như xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký hợp tác xã trực tuyến có liên thông với đăng ký thuế;

Bộ này cũng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số...

Việc hoàn thiện thể chế khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã tạo ra chuyển biến tích cực về chất và lượng. Về cơ bản, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, tận dụng và khai thác được dư địa, tiềm năng, không gian phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một trong những thành phần kinh tế nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.

Nhiều hợp tác xã đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, tiếp cận chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường.

Chuyển đổi số trở thành công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Xác định chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã tăng cường công tác hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động, qua đó tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2023, cả nước có 100 liên hiệp hợp tác xã và 20.789 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có gần 2.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, đặc biệt có hơn 4.339 hợp tác xã tham gia đảm nhận bao tiêu nông sản cho thành viên và 2.169 hợp tác xã là chủ thể OCOP.

Doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, đạt bình quân 400 triệu đồng/ hợp tác xã/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã đạt 52 triệu đồng/người/năm.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo nên kỳ tích về giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất canh tác; rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa lao động trong ngành nông nghiệp với các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp…

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất không chỉ giải quyết được bài toán quản trị doanh nghiệp, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng mà còn đem lại nhiều lợi ích khác như giảm thiểu sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Còn đó những khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn nhiều tồn tại, bất cập, khó khăn, thách thức, cụ thể, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số cho khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã nói riêng chưa thật sự sâu rộng, nhất là người đứng đầu.

Khó khăn này thể hiện rõ qua việc chưa quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho công tác này. Hoạt động chuyển đổi số ở một số nơi còn mang nặng tính hình thức, phong trào, chưa thực chất, hiệu quả. Chưa xác định chuyển đổi số là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công hoặc kém hiệu quả của mô hình kinh tế này.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã đang ở giai đoạn bước đầu; hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn nhỏ lẻ, manh mún mới tập trung ở một số khâu như quản lý hợp tác xã, sản xuất (công nghệ tưới tiêu, chế biến...), truy xuất nguồn gốc (dán tem, mã QR), thương mại điện tử.

Vẫn còn nhiều thách thức trong chuyển đổi số do tỷ lệ và hiệu quả chuyển đổi số chưa cao trong nhiều loại hình ngành nghề hoạt động và địa bàn hoạt động của hợp tác xã.

Cụ thể, trong số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, vẫn còn nhiều hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh Trong đó, các hợp tác xã này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã kinh doanh sản phẩm chưa được quan tâm. Điều này khiến các hợp tác xã gặp khó khăn trong quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan trong hệ sinh thái.

Hệ thống công nghệ thông tin và hạ tầng số chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, gây khó khăn rất lớn cho việc kết nối liên thông giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Dịch vụ viễn thông và Internet ở khu vực nông thôn (nơi có số lượng hợp tác xã chiếm tới trên 70% số lượng hợp tác xã của cả nước) phát triển chậm. Trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số (hệ thống máy tính, thiết bị đầu cuối) của các hợp tác xã còn thiếu, lạc hậu.

Nguồn lực tài chính, đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn hạn chế, trong đó có đầu tư cho chuyển đổi số. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số còn ít.

Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực quản trị hợp tác xã còn thiếu số lượng và yếu về chất lượng.

Để khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số thực sự mạnh mẽ, hiệu quả, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực sự phát huy vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, theo các chuyên gia, cần có một số giải pháp cụ thể.

Chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, do vậy, cần có tầm nhìn xa, tổng thể; phải đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững.

Các bộ, ngành, địa phương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất, sửa đổi các quy định còn bất cập, cản trở phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật hợp tác xã năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt nội dung chuyển đổi số phải là một nội dung cốt lõi, làm nền tảng; thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về nội dung chính sách đặc thù cho khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong bối cảnh nền kinh tế số.

Đồng thời xây dựng được hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về hợp tác xã, dùng chung và liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác;

Tập trung xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho hợp tác xã về thông tin thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế...

Có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho khu vực kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ như xây dựng các chương trình, đề án, dự án chuyển đổi số để hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và đội ngũ tư vấn giúp các hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương...

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã cần chủ động chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, gắn với tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới.

Nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số phù hợp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số hiệu quả; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư