Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Nở rộ các hội nhóm trao đổi thời trang cũ trên mạng
Nhung Bùi - 27/02/2023 16:06
 
Thay vì mua sắm những món đồ thời trang mới, nhiều người tiêu dùng không ngần ngại mua lại quần áo, giày dép, túi xách đã qua sử dụng.
TIN LIÊN QUAN

Đại dịch đã thay đổi hành vi mua sắm của nhiều người, trong đó có cả Thu Hòa (Bắc Ninh). Hòa cho biết nếu trước đây cô thường mua quần áo giá rẻ khoảng 200.000 - 300.000 đồng/chiếc thì nay cô chấp nhận mua những món đồ có thương hiệu, giá cao hơn, chất lượng tốt hơn và khả năng bán lại cũng dễ dàng hơn. Điều này giúp tủ đồ của cô được cập nhật liên tục và chi phí cho sở thích mua sắm cũng đỡ tốn kém hơn.

Tương tư như Hòa, chị Mai (Hà Nội) tình cờ chuyển hướng sang mua sắm quần áo đã qua sử dụng hai năm gần đây. Là một người phụ nữ hai con, chị gần như không còn thời gian ra cửa hàng mua sắm trực tiếp. Trong những lần mua sắm online, chị Mai biết đến các hội nhóm trao đổi đồ cũ và dần ưa thích hình thức này. Một mặt chị dễ dàng tìm được các món đồ phù hợp với bản thân mà giá cả không quá đắt đỏ, mặt khác chị cũng tự thanh lý được những món quần áo mình không dùng nữa cho người khác.

Sự gia nhập của Thu Hòa hay chị Mai đã dẫn tới hình thực nở rộ của các hội nhóm mua bán đồ cũ trên mạng. Đặc biệt sau đại dịch, khi nhiều chị em phụ nữ cần thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn mong muốn duy trì sở thích mua sắm của mình, các hội nhóm này lại càng được quan tâm nhiều hơn. Không khó để tìm thấy những hội nhóm trên Facebook có tới hàng trăm nghìn người tham gia với hàng chục chủ đề mua bán đồ cũ mỗi ngày. Hay chính bản thân các thương hiệu thời trang nội địa cũng bắt đầu chủ ý tới việc xây dựng hội nhóm trao đổi đồ cũ, tạo điều kiện để khách hàng thanh lý lại những món đồ họ mua mới nhưng không vừa hoặc không còn sử dụng.

Một hội nhóm trao đổi quần áo với sự tham gia của hơn 150.000 thành viên.
Một hội nhóm khác có sự tham gia của hơn 200.000 người.

“Với các món đồ có thương hiệu, nhờ tham gia hội nhóm, mình tìm được nhiều mẫu váy còn nguyên tag (chưa mặc, chưa cắt tem, PV) mà giá rẻ hơn tới vài trăm ngàn đồng. Sau khi mặc chụp ảnh 1-2 lần, mình bán lại cho người khác, tính ra gần như không tốn kém bao nhiêu”, Thu Hòa tiết lộ.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Theo Liên Hợp Quốc, thời trang là ngành đứng thứ 2 về mức độ gây ô nhiễm đến môi trường, chỉ đứng sau dầu mỏ. Lượng khí thải cacbon của ngành thời trang chiếm 10% lượng khí thải cacbon được tính chung cho các ngành còn lại, nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại. Đặc biệt, tính trung bình, mỗi nhà máy cần đến 2.700 lít nước để sản xuât một chiếc áo thun và 7.000 lít nước để tạo ra một cái quần jeans.

Hành động mua bán, trao đổi đồ cũ, nhìn trên góc độ rộng hơn, là cách để hạn chế tối đa những sản phẩm thời trang dùng 1-2 lần rồi bỏ, gia tăng vòng đời của sản phẩm và góp phần giảm lượng rác thời trang thải ra môi tường.

Trên thế giới, xu hướng sử dụng đồ thời trang cũ được ủng hộ nhiệt tình tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc,…Người Trung Quốc từng coi đồ cũ là vận rủi thì nay, giới trẻ nước này đã không còn e ngại mua quần áo cũ. Họ sẵn sàng đón nhận các tư tưởng tiêu dùng có trách nhiệm và ủng hộ các nhãn hàng thời trang thân thiện với môi trường.

Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Carousell, ngành hàng thời trang luôn nằm trong top 3 danh mục hàng hóa được mua bán nhiều nhất trên trang rao vặt hàng second-hand (đã qua sử dụng) Chợ Tốt. Bên cạnh các hội nhóm online, nhiều startup đã ra đời để đón bắt trào lưu trao đổi, mua bán quần áo cũ giữa người dùng, ví dụ như SSSmarket, Passii.vn, Piktina,…

Một nghiên cứu của RedSeer Strategy Consultants (Ấn Độ) cho thấy thị trường đồ cũ ở Việt Nam được dự báo sẽ vượt 5 tỷ USD vào năm 2026, tăng lớn so với giá trị hiện tại là 1,1 tỷ USD. Các mặt hàng đồ cũ được tiêu thụ rộng rãi nhất là đồ điện tử, đồ gia dụng gia đình, và quần áo. Trong nghiên cứu này, 83% người Việt Nam được hỏi cho biết họ đã từng mua hàng qua sử dụng và sẽ tiếp tục mua tiếp trong tương lai. Như vậy, không chỉ các hội nhóm mua bán đồ cũ trên online mà ngay cả thị trường trao đổi thời trang cũ nói chung vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư