Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Nobel kinh tế về khủng hoảng ngân hàng: Thật thú vị về mặt chính sách đối với Việt Nam
Ben Bernanke đã chứng minh, hoạt động của ngân hàng là yếu tố quyết định dẫn tới cuộc khủng hoảng thật sâu và triền miên. Đây là các kinh nghiệm thật hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.
Khủng hoảng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong lĩnh vực tài chính, chứ không nhất thiết bắt nguồn từ các ngân hàng thương mại

Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig cùng nhận Giải Nobel kinh tế năm 2022 do các nghiên cứu làm tăng thêm hiểu biết về mối quan hệ giữa các cuộc khủng hoảng ngân hàng và nền kinh tế thực. Với Bernanke, điều này hơi bất thường ở chỗ, Giải thưởng được trao cho ông với vai trò hoạch định chính sách, hơn là những đóng góp trong lĩnh vực hàn lâm.

Ben Bernanke, nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), người chịu trách nhiệm phản ứng với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nổi tiếng với những phân tích về đại suy thoái những năm 1930. Bernanke đã chứng minh, hoạt động của ngân hàng là yếu tố quyết định dẫn tới cuộc khủng hoảng thật sâu và triền miên. Các kinh nghiệm rút ra rất hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.

Các ngân hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế, chúng cũng rất nguy hiểm

Trước nghiên cứu của Bernanke, vào năm 1983, nhận thức chung cho rằng, khủng hoảng ngân hàng là hậu quả của suy thoái kinh tế, chứ không phải nguyên nhân. Vì vậy, một người có sức ảnh hưởng vô cùng lớn lúc đó là Milton Friedman, cũng là người đoạt Giải Nobel kinh tế học tiền tệ, cho rằng, ngân hàng trung ương chỉ cần xuất hiện để cung cấp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng với tư cách “người cho vay cuối cùng” là đủ để giải quyết khủng hoảng. Mấu chốt ở đây là mở rộng cung tiền, thay vì lựa chọn các công ty nào đó để giải cứu.

Trong khi đó, Bernanke nghĩ rằng, cung cấp thêm thanh khoản trong thời kỳ khủng hoảng là không đủ. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cứu vãn các trung gian tài chính, ngay cả khi đã được cho là phá sản.

Tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, hay ứng xử thế nào với câu chuyện Ngân hàng SCB ở Việt Nam hiện nay nằm trong chuỗi quan điểm lựa chọn chính sách của các nhà tư tưởng lớn như Friedman, Bernanke. Quan điểm của Friedman quá thiên về thị trường; còn triết lý chọn ai để cứu của Bernanke lại dẫn đến sự bất công. Chính điều này khiến Giải Nobel kinh tế năm 2022 vẫn còn một số vết gợn.

Cái nhìn sâu sắc của Bernanke đi ngược với hiểu biết phổ biến lúc đó, đã củng cố các nền tảng quan trọng của chính sách kinh tế, không chỉ trong phản ứng của Fed đối với cuộc khủng hoảng năm 2008, mà còn trong các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn suy thoái toàn cầu nghiêm trọng do đại dịch gây ra.

Quan điểm trung tâm của Bernanke và 2 nhà kinh tế đồng đoạt Giải Nobel kinh tế 2022 là các ngân hàng không chỉ là trung gian giữa người gửi tiết kiệm và người đi vay thuần tuý như các mô hình kinh tế khác giả định. Thay vào đó, ngân hàng cung cấp các dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế rộng lớn hơn: thu thập thông tin những người đi vay, cung cấp phương tiện tiết kiệm có tính thanh khoản và quyết định cấp tín dụng cho ai.

Từ cái nhìn xuyên suốt, một kết luận quan trọng được rút ra: vì các ngân hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế, chúng cũng rất nguy hiểm. Chúng cho thấy nguyên nhân của cuộc đại suy thoái 1930 không chỉ đơn giản là do sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, vốn đã trở thành kinh điển trong kinh tế học thời bấy giờ.

Vào đầu những năm 1980, Diamond và Dybvig đã phân tích vì sao hệ thống ngân hàng hữu ích với tư cách một định chế tài chính trung gian. Người gửi tiết kiệm giao phó tiền cho các ngân hàng có kiến ​​thức chuyên môn để quyết định cho ai vay, trong khi họ có thể rút tiền mặt bất kỳ lúc nào. Để đổi lấy dịch vụ này, các ngân hàng sẽ nhận được một phần lợi nhuận. Quá trình này được gọi là “chuyển đổi thời gian đáo hạn” vì liên quan đến việc chuyển đổi một tài sản có kỳ hạn ngắn - một khoản tiền gửi có thể được mua lại ngay lập tức - thành một tài sản có tuổi thọ dài hơn là khoản cho vay đầu tư thu hồi trong nhiều năm.

Việc cung cấp dịch vụ này khiến các ngân hàng dễ bị tổn thương. Nếu nhiều người tiết kiệm bằng mọi cách rút tiền cùng một lúc, nhiều khi chỉ do tin đồn ngân hàng không thể làm hài lòng các chủ nợ, thì ngân hàng buộc phải chấm dứt các khoản đầu tư dài hạn và bán tháo tài sản với giá rẻ mạt. Những khoản lỗ như vậy có thể khiến ngân hàng sụp đổ, như từng xảy ra năm 2008 khi thị trường nhà đất Mỹ sụp đổ dẫn đến khủng hoảng ngân hàng toàn hệ thống.

Để thấy tại sao hiện tượng này dẫn đến một cuộc suy thoái trên diện rộng của nền kinh tế, Bernanke tập trung vào vai trò của các ngân hàng trong cung cấp tín dụng. Vấn đề mất cân xứng thông tin giữa người đi vay và cho vay đòi hỏi các ngân hàng phải tốn kém thêm chi phí “dịch vụ thu thập thông tin”. Khi các ngân hàng phá sản vào những năm 1930, những ngân hàng chân ướt chân ráo không thể dễ dàng thay thế. Không giống một cửa hàng tạp hóa, một ngân hàng mới không thể chỉ đơn giản di chuyển đến cơ sở của người tiền nhiệm và thiết lập cửa hàng mới.

Thông tin cần thiết để hiểu biết về người đi vay rất khó thu thập. Một khi ngân hàng phá sản, “kiến thức” tích lũy bấy lâu cũng mất theo. Điều này có nghĩa là nông dân, doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình đều nhận thấy khó lòng được cung cấp tín dụng hơn trong thời kỳ suy thoái. Và cứ thế tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Vì vậy, sau này, các chuẩn mực quản trị ngân hàng như Basel phân biệt ngân hàng thành 3 dạng: ngân hàng địa phương quan trọng (đổ vỡ nhưng không lây lan hệ thống); ngân hàng địa phương quan trọng ở mức hệ thống (đổ vỡ sẽ lây lan toàn hệ thống); ngân hàng quan trọng ở mức hệ thống khu vực hay toàn cầu. Tạm thời xem Big 4 ngân hàng thương mại nhà nước Việt Nam hiện nay thuộc dạng thứ 2 - thậm chí chiến lược phát triển tương lai chúng có thể trở thành dạng thứ 3 - nên mới có chuyện nhiều năm nay Ngân hàng Nhà nước trình phương án tăng vốn cho các Big 4 để tăng thêm sức chống chịu rủi ro là vậy.

Khủng hoảng tài chính có thể xảy ra ở các “ngân hàng bóng tối” ít bị giám sát

Các ngân hàng xử lý tình trạng bất cân xứng thông tin bằng cách yêu cầu tài sản thế chấp. Tầm quan trọng của tài sản thế chấp đã trở thành cơ sở cho điều mà Bernanke sau này gọi là “gia tốc tài chính”. Nó giải thích cách mà một sự bùng nổ khiến người đi vay bỗng nhiên đáng tin cậy hơn do giá trị tài sản thế chấp tăng cao khi triển vọng kinh tế sáng sủa, làm tăng thêm dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Còn khi đổ vỡ thì tạo ra một gia tốc bán tháo ngược lại.

Điều thú vị của Nobel kinh tế 2022 đối với giới quan sát ở Việt Nam còn ở chỗ, nó đưa ra cảnh báo rằng, thậm chí hệ thống ngân hàng đang hoạt động tốt, trục trặc có thể xuất hiện ở bất kỳ lĩnh vực nào có sự mất cân đối giữa tài sản và các khoản nợ.

Hệ thống tài chính vì vậy không chỉ phản ánh mà còn thúc đẩy chu kỳ kinh doanh. Một chuỗi các gia tốc tài chính như thế làm trầm trọng thêm thảm họa kinh tế, đặc biệt là sự thất bại các ngân hàng bán buôn. Mới đầu cuộc khủng hoảng tài chính, vẫn còn phân biệt đâu là tài sản tốt và tài sản xấu ngân hàng. Nhưng khi các tài sản xấu làm ngân hàng bị thua lỗ, họ phải bán ào ạt nhiều tài sản tốt với giá rẻ để huy động thanh khoản.

Kết quả là sẽ không còn ai phân biệt giữa tốt và xấu. Ở Việt Nam, các hệ sinh thái như Tân Hoàng Minh đã sớm nghĩ ra chiêu trò tự sản xuất “các máy gia tốc tài chính”, hệt như ý tưởng của Bernanke, bằng cách thổi đấu giá đất các khu đất vàng cao hơn giá thị trường nhiều lần để làm tăng giá trị tài sản thế chấp ngân hàng.

Nghiên cứu của Bernanke đã vạch ra một lộ trình hợp lý để Fed ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính 2008 (và suy thoái do Covid-19), khi các ngân hàng phát hiện ra các khoản nợ thế chấp đang được định giá cao trên sổ sách bỗng dưng không còn giá trị. Fed can thiệp liên tục, thiết lập các cơ sở tín dụng, theo đó Fed mua các tài sản xấu của ngân hàng, mua trái phiếu thông qua các chương trình nới lỏng định lượng lên đến hàng ngàn tỷ USD và hỗ trợ các gã khổng lồ tài chính đang gặp khó khăn. Các chương trình này đã tạo ra một bức tường thành chống lại một loạt thất bại ngân hàng khác.

Chưa hết, nghiên cứu của Bernanke cũng là động lực để Fed đặt ra các bài “stress test” (kiểm tra tính căng thẳng) các ngân hàng. Để chuẩn bị kịch bản khả năng suy thoái nghiêm trọng, vào tháng 6, Fed thực hiện “stress test” 33 ngân hàng lớn nhất. Các kịch bản bao gồm, giả định giá bất động sản thương mại giảm 40%, giá cổ phiếu giảm 55%, tình trạng kiệt quệ tài chính cực cao trên thị trường nợ doanh nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp lên đến 10%, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn nhiều so với thực tế đang diễn ra. Kết quả, tất cả 33 ngân hàng đều vượt qua bài kiểm tra cực khó.

Trong một loạt kịch bản giả định về “ngày tận thế” do Fed soạn thảo, các ngân hàng có khả năng mất vốn tổng cộng 612 tỷ USD và tỷ lệ an toàn vốn tuy giảm xuống mức 9,7%, nhưng vẫn còn cao hơn yêu cầu vốn tối thiểu 8%. Nhìn chung, hệ thống ngân hàng Mỹ là nơi khá an toàn, ngay cả khi xuất hiện một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Câu chuyện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân bổ room tín dụng cho các ngân hàng Việt hiện nay có phần nào bóng dáng “stress test” (nhưng không được công bố). Ngân hàng nào có sức khoẻ tốt, room tín dụng sẽ nhiều hơn và ngược lại. Room tín dụng không chỉ là câu chuyện kiểm soát lạm phát, mà còn liên quan đến an toàn cả hệ thống tài chính.

Điều thú vị của Nobel kinh tế 2022 đối với giới quan sát ở Việt Nam còn ở chỗ, nó đưa ra cảnh báo rằng, thậm chí hệ thống ngân hàng đang hoạt động tốt, trục trặc có thể xuất hiện ở bất kỳ lĩnh vực nào có sự mất cân đối giữa tài sản và các khoản nợ. Khủng hoảng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong lĩnh vực tài chính, nhất là đối với các “ngân hàng bóng tối” ít bị điều tiết, chứ không nhất thiết bắt nguồn từ các ngân hàng thương mại.

Hàm ý Nobel kinh tế 2022 đúng với hiện tượng “ngân hàng sân sau, bất động sản bao la, chứng khoán người nhà”, nhất là các vụ thao túng trên thị trường trái phiếu ở nước ta. Sức chống chịu hệ thống ngân hàng Việt không thuộc loại cao, nếu không xử lý tốt hệ sinh thái “ngân hàng bóng tối”, thì khó có thể tránh khỏi đổ vỡ.

Giải Nobel kinh tế 2022 trao cho 3 kinh tế gia có nhiều đóng góp hoạch định chính sách hơn là đóng góp trong lĩnh vực hàn lâm. Thiết nghĩ, đây cũng gợi thêm nhiều góc nhìn lựa chọn chính sách bổ ích cho các vấn đề nóng về ngân hàng và thị trường vốn hiện nay ở nước ta.

Tỷ giá giữa muôn trùng vây và tảng băng chìm lãi suất
Ngoài sức ép tăng giá của đồng bạc xanh, tỷ giá tăng mạnh còn nhằm đối phó với tình hình trong nước, đáng chú ý nhất là cơn khát thanh khoản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư