Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Nỗi lo "khoảng trống" tiêm chủng
D.Ngân - 06/05/2024 08:30
 
Mùa hè đã đến, nhu cầu đi lại, giao lưu nhiều, nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao trong khi vẫn còn khoảng trống miễn dịch do thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng vào thời điểm trước.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vắc-xin dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc. 

Ảnh minh họa.

Lý giải về tình trạng dịch sốt xuất huyết gia tăng, theo chuyên gia, sốt xuất huyết giờ không còn theo chu kỳ 4-5 năm một lần nữa mà thành bệnh lưu hành hằng năm.

Nguyên nhân sốt xuất huyết gia tăng do đô thị hóa, giao lưu đi lại tăng lên, dịch bệnh có thể xảy ra từ Bắc đến Nam. Đô thị hóa phát sinh rất nhiều dụng cụ phế thải, vật dụng chúa nước, chậu hoa, cây cảnh, trong miền Nam có thói quen trữ nước ngọt, đặc biệt người dân đi du lịch vào Nam mắc sốt xuất huyết lây nhiễm ra ngoài Bắc và ngược lại.

Với các nguyên nhân như trên, nếu ý thức người dân chưa cao, năm 2024 ca mắc sốt xuất huyết khả năng vẫn đạt đỉnh dịch.

Để phòng bệnh ngay từ thời điểm bước vào hè, ngành Y tế tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được các biện pháp phòng bệnh như loại bỏ dụng cụ chứa nước, đồ phế thải, lốp xe ôtô; lật ngược úp các dụng cụ chứa nước, che đậy để muỗi không bay vào đẻ trứng; thả cá, thay nước hằng ngày ở các lọ hoa để không cho muỗi bay vào đẻ trứng…

Với dịch cúm gia cầm, theo nguyên Cục trưởng Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người, lưu hành ở chim hoang dã, lây sang gia cầm và lây sang người.

Hiện cúm gia cầm vẫn xuất hiện rải rác, xét nghiệm trên đàn gia cầm vẫn có virus cúm A/H5N1, A/H9N2 và chủng cúm khác như cúm A/H3N8… Không phải mùa hè thì không lây lan virus cúm gia cầm, nếu gia cầm mắc cúm, người dân không đảm bảo phòng bệnh như vệ sinh giết mổ, ăn gia cầm sống… đều có thể lây bệnh.

Để phòng bệnh, người dân cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh trong chăn nuôi, trong giết mổ để không lây sang người; ăn chín uống chín, sử dụng gia cầm có nguồn gốc, không ăn gia cầm ốm, chết và phải rửa tay bằng xà phòng sau khi giết mổ, làm thịt gia cầm…

Ngành Y tế cần chuẩn bị đầy đủ vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm đủ mũi, đúng lịch cho trẻ em. Phải tiêm vét, tiêm bù với những trẻ thiếu mũi, bỏ mũi.

Còn với bệnh dại gia tăng từ đầu năm đến nay nên phải tuyên truyền để người dân tiêm vắc-xin phòng dại khi bị chó cắn và phải tiêm phòng bệnh cho chó.

Bệnh sởi đã được khống chế bằng vắc-xin nhưng thời gian qua có sự gia tăng do dịch Covid-19, nhiều trẻ không được tiêm chủng, vì thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì vậy nhiều trẻ không có miễn dịch.

Sởi có chu kỳ 4-5 năm sẽ bùng một đợt dịch lớn. Dù tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vắc-xin. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm có nguy cơ mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao vì khả năng lây lan của sởi là rất mạnh, có thể nói những ai chưa được tiêm chủng mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi đều có thể bị lây bệnh.

Như chúng ta đã biết, năm 2014 và 2019 là hai chu kỳ dịch sởi bùng phát mạnh, đặc biệt năm 2014 đã có hơn 100 trẻ tử vong vì căn bệnh này.

Năm 2024 theo chu kỳ 5 năm, có thể bùng phát dịch. Để phòng bệnh, bên cạnh nhóm tiêm đúng lịch (mũi 1 lúc 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi), ngành Y tế cần có kế hoạch tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.

Về nguyên nhân dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm theo ông Phu một phần là do vấn đề tiêm vắc-xin còn "khoảng trống", miễn dịch cộng đồng giảm, dịch bệnh gia tăng.

Ngành Y tế cần khuyến cáo tuyên truyền cho người dân hiểu biết các biện pháp phòng bệnh, bệnh nào có công thức để phòng bệnh đó. Bệnh hô hấp phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng; bệnh tiêu hóa thì ăn chín uống chín, rửa tay xà phòng; bệnh do tiếp xúc trực tiếp phải vệ sinh thân thể sạch sẽ, cách ly với người bị nhiễm bệnh, trẻ nhỏ cho nghỉ học khi bị bệnh;

Người nhiễm bệnh không nên tiếp xúc với người khác, nếu người lành tiếp xúc với người nghi ngờ thì phải dự phòng đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng. Bệnh chân tay miệng lây theo đường tiêu hóa, nên phải rửa dụng cụ để không lây cho trẻ qua đường ăn uống.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tiêm vắc-xin đầy đủ những mũi cơ bản và tuân thủ tiêm nhắc lại. Thời gian qua do thiếu vắc-xin vì dịch Covid-19 thì hiện nay và thời gian tới cần phải tiêm vét, tiêm bù.

Về việc nhiều trẻ đã tiêm đủ mũi vắc-xin nhưng vẫn có thể mắc bệnh theo ông Phu, là chuyện khá bình thường vì vắc-xin đạt hiệu quả ở mức độ nhất định.

Sở dĩ như vậy là bởi tác dụng của vắc-xin cao nhất chỉ đạt hiệu quả 90%, còn 10% vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, chưa kể có vắc-xin chỉ đạt hiệu quả 70-80%. Nhưng người đã tiêm vắc-xin phòng bệnh, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.

Đặc biệt, với vắc-xin phải tiêm nhắc lại, người dân cần ghi nhớ lịch để tiêm đủ mũi, đủ liều. Ngoài ra y tế các địa phương cần rà soát danh sách trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi thì vận động để phụ huynh đưa con đi tiêm vét để hạn chế tối đa các "khoảng trống" tiêm chủng.

Nhiều dịch bệnh tăng cao, Bộ Y tế khuyến cáo tăng cường tiêm vắc-xin
Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư