Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nỗi lo lãi thật, lỗ giả!
 
Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 5/2/2015 và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2015. Thông tư này linh hoạt thời gian áp dụng vào báo cáo tài chính bán niên 2015, tức doanh nghiệp có thể không áp dụng.
.

Với quy định mới tại Thông tư 200 và Thông tư 202, dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ không phản ánh đúng tổng mức thu nhập trong kỳ

Tuy nhiên, với các quy định mới của Thông tư 200, dự báo BCTC năm 2015 của không ít doanh nghiệp sẽ xảy ra tình trạng chuyển từ lãi sang lỗ, kéo theo đó là danh mục cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ (margin) bị thay đổi. 

Lãi thật, lỗ giả!

Không ít doanh nghiệp niêm yết từng bị nghi vấn và bị phát hiện là lãi giả - lỗ thật. Thế nhưng, với quy định mới về cách hạch toán các khoản thu nhập, doanh nghiệp có thể sẽ rơi vào tình trạng vốn chủ sở hữu trong kỳ tăng, nhưng kết quả kinh doanh trong kỳ là lỗ. Tình trạng lãi thật - lỗ giả sẽ xảy ra trong các trường hợp này.

Tháng 5/2015, TTCK lần đầu tiên được chứng kiến một doanh nghiệp có mức tăng quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lớn hơn nhiều mức lợi nhuận hạch toán trong kỳ, đó là trường hợp của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (mã CII).

Cụ thể, quý I/2015, CII ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 171,996 tỷ đồng do cách hạch toán mới theo hướng dẫn tại Thông tư số 202/2014/TT-BTC. Phần thu nhập từ chênh lệch do thoái một phần vốn đầu tư tại công ty con là CTCP Đầu tư Cầu đường CII (mã LGC) trị giá 240,083 tỷ đồng được hạch toán thẳng vào Quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, mà không thể hiện trên bảng kết quả kinh doanh trong kỳ như cách hạch toán giai đoạn trước, dẫn tới lợi nhuận hạch toán trong kỳ của CII giảm mạnh so với phương pháp cũ, dù dòng tiền về Công ty không đổi.

Với kết quả này, chỉ tiêu P/E của CII sụt giảm mạnh giữa hai cách tính toán. May mắn là CII không bị rơi vào trường hợp từ lãi chuyển sang lỗ do cách hạch toán mới.

Với quy định mới tại Thông tư 200 và Thông tư 202, dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ không phản ánh đúng tổng mức thu nhập trong kỳ.

“Với doanh nghiệp bất động sản, trong trường hợp thu nhập của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào một dự án, thì trong quá trình dự án đang triển khai, chưa bàn giao cho khách hàng dẫn tới thu nhập chưa có, trong khi chi phí quản lý vẫn phát sinh, xác suất bị hạch toán lỗ tại báo cáo kết quả kinh doanh trong khoảng 1 - 3 năm là rất lớn”, chuyên gia phân tích tại một CTCK nhận xét.

Thực tế, trong hai năm 2013 - 2014 vừa qua, không ít doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận lớn từ hoạt động thoái vốn, nhất là những doanh nghiệp trong giai đoạn tái cấu trúc. Năm nay, với quy định mới về chế độ kế toán doanh nghiệp, nhiều khả năng các doanh nghiệp này sẽ rơi vào tình trạng quỹ lợi nhuận chưa phân phối tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn… lỗ. 

Doanh nghiệp lo lắng

Đến thời điểm này, việc hạch toán kết quả kinh doanh quý II/2015 đã được cơ quan quản lý cho phép doanh nghiệp linh hoạt áp dụng theo Thông tư 200, Thông tư 202 hoặc chưa áp dụng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, thời điểm buộc áp dụng quy định mới, rất có thể biến cố sẽ xảy ra với nhiều doanh nghiệp.

Trao đổi với PV, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản lớn đang niêm yết trên HOSE chia sẻ, năm 2014, hoạt động kinh doanh cầm chừng, công ty chỉ kịp thoát lỗ trong gang tấc nhờ thoái vốn khoản đầu tư vào công ty con. Năm 2015, công ty tiếp tục thực hiện tái cấu trúc toàn diện, thoái vốn ở một loạt công ty con với mục tiêu tăng vốn vào năm 2016, nhưng với quy định mới về kế toán doanh nghiệp, nhiều khả năng công ty bị hạch toán lỗ và kế hoạch tăng vốn vào năm 2016 sẽ không thể thực hiện được (theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị lỗ sẽ không được phát hành cổ phiếu ra công chúng).

Câu chuyện của doanh nghiệp nói trên không phải là cá biệt, khi hiện có nhiều doanh nghiệp niêm yết đang kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

Với những doanh nghiệp có cả hoạt động thường xuyên và đầu tư dự án, thì khả năng lỗ hoặc lãi không đáng kể từ hoạt động thường xuyên và lãi lớn từ dự án là điều có thể xảy ra. Nếu doanh nghiệp phải hạch toán lỗ 3 năm liên tiếp, dù vẫn luôn ghi nhận tăng quỹ lợi nhuận chưa phân phối do thoái một phần vốn tại các công ty con và lợi nhuận dự kiến từ dự án rất lớn, nhưng chưa đủ điều kiện hạch toán, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều hệ lụy. Đó là, hạn chế khả năng tăng vốn do kết quả kinh doanh lỗ, cổ đông không được margin khi giao dịch cổ phiếu, doanh nghiệp đối diện với án hủy niêm yết. Chưa kể, các NĐT, nhất là NĐT cá nhân chưa có thói quen đánh giá chi tiết BCTC của doanh nghiệp, nên nếu chỉ căn cứ vào chỉ tiêu P/E để đánh giá mức độ đắt, rẻ của cổ phiếu như hiện nay thì sẽ không còn chuẩn xác. Rất có thể, doanh nghiệp sẽ lựa chọn cách “xào nấu” sổ sách!

Ưu điểm lớn nhất của Thông tư 200 và 202 của Bộ Tài chính là giúp NĐT có cái nhìn chính xác hơn, cẩn trọng hơn về thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động chính. Nhưng với các doanh nghiệp niêm yết, những quy định mới đang khiến không ít doanh nghiệp, thậm chí cả NĐT “đau đầu”.

Khi xảy ra tình trạng lãi thật, lỗ giả do áp dụng quy định mới về chế độ kế toán doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ ứng xử như thế nào với quy định hiện nay về danh mục cổ phiếu được phép margin, cũng như quy chế phát hành chứng khoán ra công chúng? 

Ai kìm hãm tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh?
Bốn tháng sau khi Nghị quyết 19/2015/NQ-CP (Nghị quyết 19) của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư