Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Nói lời sau cùng, ông chủ địa ốc Alibaba nhận tội và xin y án chung thân
Việt Dũng - 17/05/2023 07:24
 
Nguyễn Thái Luyện, CEO Công ty địa ốc Alibaba nhận mình là chủ mưu trong vụ án và xin y án tù chung thân, đề nghị giảm án cho các bị cáo khác.

Ngày 16/5, phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) và đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền, bước vào nghị án.

Nói lời sau cùng, bị cáo Luyện thừa nhận mình là chủ mưu, lên các kế hoạch, định hướng đi cho công ty. Những bị cáo còn lại trong vụ án chỉ là người làm công ăn lương, làm theo sự chỉ đạo của Luyện.

Theo đó, bị cáo không xin giảm nhẹ hình phạt, xin y án tù chung thân như bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, bị cáo lại xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ án để họ sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty Alibaba cùng các bị cáo tại phiên tòa.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty Alibaba cùng các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Thảo Nhân)


Luyện nói: “Trong vụ án này, các bị cáo từng là thuộc cấp của mình cũng là bị hại vì họ đã dùng tiền cá nhân, người thân để đầu tư vào các dự án của công ty. Từ đó, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cấp dưới”.

Bị cáo buộc nhận tiền khách hàng nhưng không thực hiện các nghĩa vụ, Nguyễn Thái Luyện phản bác vấn đề này và cho rằng, nếu mình không hành động thì không có việc hàng trăm khách hàng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, tại các dự án, Luyện đã cho san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng…

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, bị cáo Nguyễn Thái Luyện cam kết bản thân dư sức khắc phục toàn bộ thiệt hại trong vụ án. Người này nói, hiện tài sản đang bị kê biên có giá trị rất lớn nếu tất cả khách hàng có nhu cầu nhận đất thì mới hết 1/3 quỹ đất công ty hiện có. Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu nhận tiền thì phát mãi tài sản kê biên cũng dư khả năng bồi thường.

“Mong HĐXX xem xét tình tiết có khả năng khắc phục hậu quả để áp dụng là một tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo còn lại. Nếu được định giá lại tài sản thì bán các thửa đất đang kê biên số tiền thu về cũng dư để bồi thường cho các bị hại”, bị cáo Luyện nói.

Tiếp đó, Nguyễn Thái Luyện nói trong quá trình hoạt động Công ty Alibaba có nhiều đóng góp cho xã hội, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Từ đó, bị cáo đề nghị HĐXX ghi nhận để giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ án.

Sau khi nghe chồng nói lời sau cùng, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) không giữ được bình tĩnh rồi bật khóc thành tiếng. Người phụ nữ này xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho chồng, 3 người em và các bị cáo còn lại trong vụ án.

Theo bị cáo Mai, mức án 30 năm tù như tòa sơ thẩm đã tuyên với bản thân như án tử hình, không còn ngày trở về. Tuy nhiên, bị cáo xin nhận hết tội và mong tòa có thể cộng án của người khác cho bị cáo, giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo khác.

Những bị cáo còn lại trong vụ án trình bày các tình tiết giảm nhẹ mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Tại buổi làm việc trước đố, HĐXX thông báo đã nhận được phiếu thu do các luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai nộp.

Các phiếu thu của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM thể hiện ông Lê Viết An nộp thay cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai 6 tỷ đồng trong tội rửa tiền và 200 triệu đồng trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời nộp 200 triệu đồng cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện để khắc phục hậu quả. Tổng cộng ông An nộp 6,4 tỷ đồng thay cho vợ chồng bị cáo Luyện. 

Thậm chí, ông Lê Viết An còn có đơn đề nghị thay vợ chồng Nguyễn Thái Luyện bồi thường thiệt hại cho các bị hại (hơn 2.400 tỷ đồng) và nộp thay cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (12 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả trong tội rửa tiền.

Tuy nhiên, sau khi được chủ tọa giải thích về hệ quả pháp lý trong việc bồi thường thay nên ông An đã rút yêu cầu được khắc phục hậu quả thay. Nguyên do vì cảm thấy bỏ ra số tiền lớn mà và rủi ro cao.

Do tính chất phức tạp của vụ án nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 19/5.

Năm 2016, Luyện thành lập Công ty CP địa ốc Alibaba với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Tiếp đó, Luyện thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên. Luyện và các đồng phạm rao bán 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Các công ty này đã tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.

Cuối năm 2022, TAND TP.HCM tuyên phạt Luyện mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phạt Mai 30 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội rửa tiền.

Đồng thời, tòa còn buộc vợ chồng bị cáo Luyện phải liên đới bồi thường cho hơn 4.500 bị hại với số tiền hơn 2.400 tỷ đồng.

Phúc thẩm vụ Alibaba: Nguyễn Thái Luyện nhất mực kêu oan
Trong phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Alibaba) tiếp tục kêu oan và cho rằng chưa bao giờ có suy nghĩ hay có ý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư