Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nỗi niềm thương nhân bị "hất cẳng" khỏi Parkson Keangnam
Sơn Bách-Võ Phương - 06/01/2015 09:04
 
Ngay đầu năm 2015, vụ việc Parkson Keangnam đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu các chủ kinh doanh ở trung tâm thương mại này phải di dời khẩn cấp đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Bên cạnh câu chuyện về việc kinh doanh lỗ lãi của đại gia Parkson, những kẽ hở về pháp lý cũng dần hé lộ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vì sao một số quầy hàng ở Parkson Keangnam đóng cửa?
Vụ lùm xùm tại Parkson Landmark vẫn chưa có hồi kết 1
Vụ lùm xùm tại Parkson Landmark vẫn chưa có hồi kết (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một loạt thương nhân, những người đã ký hợp đồng thuê mặt bằng từ các công ty thứ cấp của Parkson đã bị “hất cẳng” một cách không thương tiếc và không hề có bất kỳ một lời giải thích nào từ các bên liên quan.

Họ, dù đã bỏ tiền tỷ ra để “thuê” quyền kinh doanh một cách hợp pháp giờ bỗng rơi vào cảnh tay trắng với nguy cơ phá sản rõ ràng hơn bao giờ hết.

"Đơn phương đóng cửa, giam khách hàng"

Không giấu nổi sự mệt mỏi trên gương mặt, chị Nguyễn Thị Diễm Châu, chủ cửa hàng BBQ Chicken được đặt ở sàn hầm B1 của trung tâm thương mại này cho hay: Cũng giống như nhiều người kinh doanh khác, gia đình chị thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại trên từ một đơn vị thứ cấp của Parkson.

“Giữa tháng 7/2013, chúng tôi đã ký hợp đồng số FFJS/BBQ Chicken/2013/HN/L72/TC 023 để thuê mặt bằng với công ty Cổ phần Thực phẩm gia đình (FFJS) có trụ sở tại phố Tây Sơn. Đây cũng là công ty điều hành trung tâm ăn uống tại tầng B1 của tòa nhà,” chị Châu cho biết.

Theo chị Châu, để được điều hành trung tâm ăn uống kể trên, phía FFJS đã trực tiếp ký hợp đồng với Parkson. Bản thân những thương nhân như chị về bản chất chỉ là khách hàng thứ cấp của thương hiệu trung tâm thương mại đến từ Malaysia.

Thế nhưng, điều đáng nói hơn, những thương nhân như chị vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng với FFJS cho tới khi bị “hất cẳng” ra ngoài mà không rõ lý do.

Chị Châu cho hay: Vào sáng 2/1 vừa qua, cửa hàng của chị vẫn hoạt động bình thường. Tới 14 giờ cùng ngày, phía FFJS cho người thông báo tới một số chủ kinh doanh về việc dừng hoạt động và đề nghị tất cả phải chuẩn bị dời đồ đạc đi.

“Khi chúng tôi còn chưa hết sốc và chưa rõ lý do thì chỉ 1 giờ sau, tất cả các cửa của Parkson bỗng đóng sập, nhốt cả chục người bao gồm thực khách, nhân viên và chúng tôi ở bên trong.”

Vào thời điểm này, tất cả đều hết sức hoang mang vì sự cố trên. Nhiều người đòi phá cửa kính của các cửa hàng để thoát ra. Mặc dù, lực lượng bảo vệ tòa nhà có xuất hiện nhưng họ chỉ làm nhiệm vụ giữ an ninh và… chốt ở các cầu thang máy, cửa ra vào mà không hề giải thích cho hàng chục người đang hoang mang, trong đó không ít trẻ em và cả người nước ngoài.

“Hành động đơn phương đóng cửa, giam khách hàng bên trong các cửa hàng vào mà không hề có lời giải thích đã thể hiện thái độ thiếu tôn trọng đối với chúng tôi. Họ cố tình cưỡng bức khách hàng một cách hết sức ngang ngược và phi lý,” chủ cửa hàng BBQ Chicken bày tỏ.

Vụ lùm xùm tại Parkson Landmark vẫn chưa có hồi kết
Quyết định "đuổi" khách hàng đã khiến cho các thương nhân "con rơi" gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

 

Tại điều 8 của Hợp đồng có quy định rõ các trường hợp Kết thúc hợp đồng trước thời hạn bao gồm: Khi bên Thuê vi phạm các điều khoản về thanh toán, sử dụng diện tích thuê sai mục đích và không đúng cam kết.

“Chúng tôi hoàn toàn không vi phạm bất cứ điểm nào trong số các quy định trên, trong khi thời hạn hợp đồng thuê mặt bằng kéo dài tới tận hết năm 2015, vậy mà vẫn bị đuổi ra ngoài. Hành vi này đã xâm phạm trực tiếp quyền lợi được thể hiện rõ trong hợp đồng đã ký năm 2013 vừa FFJS,” chị Châu phân tích.

Bên cạnh đó, Điều 9 của Hợp đồng trên cũng nêu rất cụ thể: “Bất kỳ thông báo nào cần được gửi cho một bên trong Hợp đồng sẽ được lập thành văn bản… gửi trực tiếp bằng thư tay hoặc thư bảo đảm cho bên kia.” Vậy mà, cho tới thời điểm nhận được “lệnh” di dời, các thượng đế tại sàn B1 nói riêng hoàn toàn chỉ nhận được những mệnh lệnh bằng... mồm.

Phía Parkson sau đó chỉ ra một thông báo với nội dung: "Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo đến quý đối tác rằng toàn bộ Trung tâm thương mại Parkson Landmark sẽ ngừng hoạt động kinh doanh ngay lập tức kể từ ngày ban hành thông báo này và Ngày kinh doanh cuối cùng của Trung tâm thương mại Parkson Landmark là ngày 02 tháng 01 năm 2015."

Trong khi đó, với tư cách là nhà đầu tư thứ cấp đồng thời là chủ hợp đồng cho thuê các gian hàng tại sảnh B1, cho tới thời điểm hiện tại, FFJS vẫn hoàn toàn im lặng, không hề giải thích cho khách hàng của mình về sự cố đã xảy ra vào ngày 2/1.

Như vậy, những thương nhân gián tiếp thuê lại mặt bằng tại Trung tâm thương mại Parkson Landmark từ bên thứ cấp như FFJS đã hoàn toàn bị tất cả các bên đánh rơi quyền lợi.

Do đặc thù kinh doanh đồ ăn, nên các chủ gian hàng tại sảnh B1 đều đứng trước nguy cơ phá sản do quyết định đơn phương và vô lý của các bên liên quan tại Parkson. Toàn bộ chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí nhập nguyên vật liệu sản xuất, tiền lương cho nhân viên, phí vận chuyển, di dời… đã trở thành gánh nặng rất lớn cho những thương nhân này.

Lời hứa hão hay chiêu trò?

Thông báo của Parkson Hà Nội do ông Tiang Chee Sung, Tổng Giám đốc ký, gửi cho các cửa hàng đang hoạt động ở trung tâm thương mại Parkson Landmark cho biết toàn bộ trung tâm sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức, theo đó ngày kinh doanh cuối cùng tại trung tâm là ngày 2/1.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Parkson Hà Nội cho biết đã cân nhắc kỹ lưỡng trước tình hình trên và để ra quyết định đóng cửa: "Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo đến quý đối tác rằng toàn bộ Trung tâm thương mại Parkson Landmark sẽ ngừng hoạt động kinh doanh ngay lập tức kể từ ngày ban hành thông báo này và Ngày kinh doanh cuối cùng của TTTM Parkson Landmark là ngày 02 tháng 01 năm 2015."

Lý giải cho quyết định đột ngột này, thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội có nói rằng:

"Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra của chúng tôi và chúng tôi cũng nhận thấy các quầy hàng của Quý đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn cho đến nay”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 5/1, một thông báo mới đã được dán lên với nội dung: "TTTM Parkson Landmark 72 sẽ tạm đóng cửa đến ngày 07/01/2015 để kiểm kê và sắp xếp hàng hóa."
 

Thông báo khó hiểu của Parkson (Ảnh: PV/Vietnam+)


Chuyển đột ngột từ đóng cửa sang “kiểm kê và sắp xếp hàng hóa,” cách hành xử của đại gia Parkson đang khiến cho những người trong cuộc cảm thấy khó hiểu.

Trao đổi với phóng viên tối muộn ngày 5/1, một chủ quầy đã bị “đuổi” khỏi Parkson Landmark cho hay, rất khó để họ tiếp tục quay lại trung tâm thương mại này vì đã quá chán ngán, mất niềm tin với cách hành xử của Parkson cũng như các bên có liên quan.

“Chúng tôi đã mời luật sư tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc,” chủ quầy khẳng định.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư