Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Nới quy định về việc nhập khẩu máy móc cũ vào Việt Nam
Lương Bằng (HQ Online) - 09/09/2015 07:20
 
Doanh nghiệp FDI dịch chuyển dây chuyền, máy móc cũ vào đầu tư ở Việt Nam có thể sẽ không bị điều chỉnh bởi quy định liên quan đến nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) kiểm tra máy móc nhập khẩu. Ảnh: Q.Hùng
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) kiểm tra máy móc nhập khẩu. Ảnh: Q.Hùng

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Thông tư 20/2014/TT-BKHCN về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Theo đó dự thảo lần 9 Thông tư sửa đổi Thông tư 20 vẫn "giữ" yêu cầu tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu. Lý do là vòng đời công nghệ thiết bị trung bình thường từ 7-10 năm, tùy thuộc ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, điểm được "nới" hơn là đối với trường hợp các dự án đầu tư nước ngoài FDI chuyển cả dây chuyền công nghệ đang sản xuất từ các nước khác về đầu tư sản xuất tại Việt Nam (đơn cử như trường hợp của Microsoft) có thể không phải tuân theo yêu cầu này.

Thực tế trong quá trình lấy ý kiến đóng góp, cơ quan soạn thảo nhận được một số ý kiến cho rằng trường hợp các nhà đầu tư FDI lớn dịch chuyển máy móc thiết bị vào Việt Nam sẽ gặp vướng mắc khi hạn chế tuổi của thiết bị không quá 10 năm.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng nhà đầu tư FDI lớn dịch chuyển máy móc vào Việt Nam có thể không phải áp dụng điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Thông tư này nếu trong hồ sơ dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã có kèm theo Danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu cần) có thể xin ý kiến của cơ quan quản lí khoa học và công nghệ trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp phép đầu tư.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Trong trường hợp này, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng để đưa thiết bị cũ vào Việt Nam, Thông tư quy định sau khi nhập khẩu không cho phép bán hoặc chuyển nhượng thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất đã qua sử dụng cho doanh nghiệp khác hoặc dự án khác”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng điều này có thể sẽ vướng với Luật Đầu tư, vì trong Luật Đầu tư không quy định hồ sơ dự án đầu tư phải có danh mục thiết bị của dự án,

Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng dự thảo lần 9 quy định không vướng Luật Đầu tư, vì Thông tư không quy định bắt buộc phải có danh mục thiết bị trong hồ sơ dự án. Nhà đầu tư có thể đưa hoặc không đưa danh mục thiết bị vào hồ sơ dự án. Hơn nữa, Luật Đầu tư cũng không có quy định cấm đưa danh mục thiết bị vào hồ sơ dự án.

Thực tế, nếu nhà đầu tư FDI có kê khai danh mục thiết bị của dự án trong hồ sơ đầu tư thì khi đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp phép, sẽ được nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng mà không cần đáp ứng yêu cầu về tuổi thiết bị và tiêu chuẩn sản xuất. Còn nhà đầu tư nào không có danh mục thiết bị trong hồ sơ dự án thì khi nhập khẩu sẽ phải tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng quy định tại Thông tư này.

Báo cáo Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: cần ban hành Thông tư này để hạn chế việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng vào Việt Nam, tránh nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Đồng thời tránh nguy cơ mất sức cạnh tranh khi gia nhập TPP và các hiệp định thương mại khác. Bởi nếu nhập khẩu thiết bị cũ, lạc hậu sẽ không tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành rẻ và giá trị gia tăng cao, hàng hóa Việt Nam sẽ không cạnh tranh được và doanh nghiệp Việt Nam sẽ đổ vỡ.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, dự thảo lần 9 Thông tư về cơ bản đã giải quyết được các vướng mắc của doanh nghiệp đối với các nội dung quy định tại Thông tư 20.

Để các bên liên quan chuẩn bị các điều kiện để thực hiện, dự thảo lần này đề xuất hiệu lực văn bản từ ngày 1/7/2016 (dự kiến ban hành Thông tư cuối quý III/2015).

Dự thảo sẽ được gửi đến các bộ, ngành, VCCI, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến lần cuối trước khi chính thức ban hành.

Ngày 15/7/2014 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 20 nhưng đã vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là quy định: máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải có thời gian sử dụng không quá 5 năm và có chất lượng còn lại từ 80% trở lên.

Tháng 8/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 2279/QĐ-BKHCN ngưng thi hành đối với Thông tư số 20. Cơ quan này đã có 9 lần dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20 theo hướng nới lỏng hơn quy định về nhập khẩu, máy móc thiết bị đã qua sử dụng.
Thủ tướng chấn chỉnh việc nhập khẩu máy móc lạc hậu
Sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu khiến năng suất lao động tổng hợp (TFT) của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực, giá thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư