Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nới room ngoại giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính
Thùy Vinh - 17/11/2020 08:41
 
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, đang có nhiều đề xuất về việc nới room ngoại cho các ngân hàng.

Theo ông Vũ, việc nới room sẽ tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, đồng thời giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính.

.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB).

Câu chuyện nới room ngoại đã được kiến nghị từ lâu, nhưng xem ra vẫn khó. Theo ông, nới room ngoại sẽ giúp gì cho ngân hàng trong bối cảnh hiện nay?

Theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong khi đó, số lượng ngân hàng Việt Nam còn nguyên room dành cho nhà đầu tư nước ngoài không còn nhiều.

Hiện có nhiều đề xuất về việc nới room ngoại cho các ngân hàng. Việc này sẽ làm tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, đồng thời giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính. Bên cạnh đó, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết xem xét tạo thuận lợi, cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.

Vậy các ngân hàng có kế hoạch bán thêm cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, thưa ông?

Về phía VIB, ngay cả trước khi công bố kế hoạch chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE ngày 10/11, cổ phiếu của VIB đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Họ đã tiếp xúc trực tiếp với ban lãnh đạo VIB để đặt vấn đề tham gia vốn trực tiếp vào VIB thông qua các đợt tăng vốn của Ngân hàng.

Chúng tôi chưa có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn cho các nhà đầu tư mới trong năm 2020, nhưng các kế hoạch như vậy trong tương lai chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài, chúng tôi sẽ chào đón các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của VIB trong thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến hoạt động tín dụng, khiến lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng. Rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư có nên kỳ vọng vào cổ tức?

Khó khăn của thị trường năm 2020 là khó tránh khỏi khi đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, kết thúc tháng 10/2020, lợi nhuận lũy kế của VIB đạt hơn 4.560 tỷ đồng, tăng 40% so cùng kỳ và vượt mức lợi nhuận của cả năm 2019 là 4.080 tỷ đồng.

Về cổ tức, năm nay, chúng tôi tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20% cho cổ đông hiện hữu. Trong 3 năm trước đó, VIB duy trì chính sách cổ tức ổn định với mức từ 5% đến 5,5% cổ tức bằng tiền mặt, cùng việc chia cổ phiếu thưởng từ 20% đến trên 40%.

Là ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ, song nợ xấu mảng bán lẻ đang có xu hướng tăng kể từ khi Covid-19 xảy ra. Theo ông, điều đó có đáng lo ngại?

Trong 3 năm trở lại đây, VIB là ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng thuộc tốp đầu của ngành ngân hàng, dẫn đầu thị trường ở nhiều mảng trọng yếu như cho vay mua ô tô, mua nhà ở, phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (bancassurance), phát hành thẻ tín dụng và dịch vụ ngân hàng số.

Chúng tôi kiên trì chiến lược tập trung vào ngân hàng bán lẻ, hướng tới đối tượng cá nhân và hộ gia đình. Nhu cầu tín dụng của khu vực này bị ảnh hưởng bởi Covid -19, nhưng với độ co giãn thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp.

Ngân hàng bán lẻ là mảng sở trường và chúng tôi có khả năng chủ động rất cao khi thực hiện giảm tốc hay tăng tốc, tùy theo đánh giá về thị trường.

Ngân hàng chốt room ngoại trước khi niêm yết sàn HoSE
Kế hoạch lên sàn được đẩy mạnh và không chỉ dừng lại ở UPCoM, các ngân hàng cho biết, sẽ chốt room ngoại, tăng vốn, chuyển sang niêm yết sàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư