Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng khóa room ngoại chờ cơ hội tốt
Vân Linh - 20/09/2020 09:31
 
Không ít kế hoạch huy động vốn ngoại tăng vốn của ngân hàng trong năm nay khó thành công, dù đã được thông qua tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.
.
Việc huy động vốn ngoại để tăng tiềm lực tài chính luôn được ngân hàng trong nước quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Nhiều thương vụ đang đàm phán

Trong kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ lên 7.000 tỷ đồng năm nay, Nam A Bank cho biết, sẽ hút thêm vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại Nam A Bank còn nguyên 30%. Nam A Bank đã có nhiều cuộc đàm phán với các đối tác để sớm huy động vốn thành công trước khi đưa cổ phiếu lên HoSE.

Thời điểm này, Nam A Bank đang giai đoạn hoàn tất việc tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng. Sau đó, ngân hàng này mới triển khai tiếp kế hoạch tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng. Vì thế, khả năng kế hoạch gọi vốn ngoại của Ngân hàng sẽ phải qua năm mới thực hiện được.

Theo kế hoạch năm nay, Ngân hàng SCB phát hành 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong và ngoài nước, với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020 và hoàn thành phát hành trong 2020-2021. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của SCB sẽ tăng từ 15.232 tỷ lên 20.231 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo SCB, Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược để huy động nguồn vốn ngoại. Tuy nhiên, để tìm được cổ đông chiến lược phù hợp, thì cần có thời gian. Vả lại, trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và chiến lược kinh doanh tương đồng với Ngân hàng không hề dễ.

Thực tế, để có được một cổ đông chiến lược nước ngoài phù hợp với hoạt động, chiến lược đưa ra, các ngân hàng trong nước mất không ít thời gian để tìm hiểu. Thậm chí, có nhiều thương vụ kéo dài hàng năm mới đi đến kết quả. Đơn cử thương vụ bán 15% vốn điều lệ của OCB cho Aozora Bank (AOZ - Nhật Bản) vào giữa tháng 6/2020.

Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị OCB, Ngân hàng đã làm việc với nhiều đối tác và AOZ hơn hai năm trước đó. Cuối năm 2017 và đầu năm 2018 là cơ hội vàng để niêm yết, nhưng thời điểm đó, đối tác chiến lược nước ngoài của OCB là BNP Paribas đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương 18,68% vốn điều lệ của OCB sau 10 năm đổ vốn vào Ngân hàng. Sau khi BNP Paribas rút khỏi, OCB phải tìm cổ đông chiến lược khác thay thế.

Ngày 29/6/2020, OCB đã phát hành thành công cho AOZ và hai ngân hàng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. AOZ cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử các chuyên gia tham gia hoạt động quản trị và điều hành, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số. Đồng thời, hai ngân hàng liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Khóa room, chờ cơ hội sau dịch

Việc huy động vốn ngoại để tăng tiềm lực tài chính luôn được ngân hàng trong nước quan tâm và đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 xảy ra, không những doanh nghiệp trong nước, mà ngay tập đoàn tài chính lớn trên thế giới cũng bị tác động. Không chỉ các nhà băng còn nguyên room ngoại, mà ngay cả ngân hàng đã gần cạn room cũng muốn có khoảng trống để tìm cơ hội sau khi Covid-19 được kiểm soát. Vì vậy, không ít ngân hàng đã “khóa” room ngoại chờ cơ hội tốt gọi vốn.

Techcombank vừa khóa room ngoại ở 22,5%. Hội đồng Quản trị Techcombank đã thông qua việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 22,4951% lên 22,5076% vốn điều lệ. Động thái này nhằm giúp người lao động nước ngoài được mua 439.000 cổ phiếu TCB thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Trên thị trường, cổ phiếu TCB đang được giao dịch quanh ngưỡng 21.000 đồng/cổ phiếu, tăng 44% so với mức đáy cuối tháng 3/2020.

Trong khi đó, HDBank công bố nghị quyết điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phiếu nhà đầu tư ngoại từ mức 30% xuống còn 21,5%, nhằm để dành cho kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược trong thời gian tới. Tương tự, VPBank quyết định dành “room” cho khối ngoại khi giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 22,77% xuống còn 15% khi dòng vốn toàn cầu bị biến động bởi làn sóng Covid-19 lần đầu tiên. Room ngoại còn lại của VPBank dự kiến dùng để chào bán cho nhà đầu tư khác muốn đầu tư khi đại dịch được kiểm soát và thị trường ổn định hơn.

Năm qua, có 2 thương vụ huy động vốn ngoại thành công đáng chú ý. Đó là Vietcombank huy động từ GIC (Singapore) và Mizuho (Nhật Bản) để tăng vốn thêm xấp xỉ 265 triệu USD (tương ứng vốn tăng 3,1%) và BIDV phát hành 15% cổ phần cho Keb Hana Bank với giá trị 876 triệu USD.

Cam kết tại EVFTA

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room chung. Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng TMCP mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), VIB, VPBank, Techcombank, ACB là những ứng viên tiềm năng có thể được xem xét nới room ngoại theo đề xuất của ngân hàng châu Âu nhìn từ EVFTA. Hiện ACB đã cạn room ngoại (30%); VIB chốt room ngoại chỉ 20,5%; MB nâng room từ 20,9% lên gần 23% trong tháng 3/2020.

Bị tước quyền tự quyết room ngoại, ngân hàng bị dồn vào thế khó - Bài 2: Ngân sách nguy cơ thiệt ngàn tỷ, ngân hàng hẹp cửa tăng vốn
Mất quyền tự quyết về room vốn ngoại khiến ngân hàng có nguy cơ phải bán cổ phần ở thời điểm giá rẻ nhất. Với ngân hàng thương mại nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư