Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng chốt room ngoại trước khi niêm yết sàn HoSE
Thùy Vinh - 21/10/2020 08:06
 
Kế hoạch lên sàn được đẩy mạnh và không chỉ dừng lại ở UPCoM, các ngân hàng cho biết, sẽ chốt room ngoại, tăng vốn, chuyển sang niêm yết sàn HoSE.
.
VietCapital Bank sẽ phát hành 2.000 - 2.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (không chuyển đổi, không kèm chứng quyền) trong quý I/2021.

Tăng vốn, chốt room ngoại

Ngày 12/10, VietCapital Bank (mã BVB - UPCoM) chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản thông qua một số nội dung quan trọng. Theo đó, VietCapital Bank sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông ủy quyền HĐQT quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài theo quy định hiện hành (tỷ lệ tối đa là 30%); thông qua việc đưa chứng khoán chào bán ra công chúng do Ngân hàng phát hành giao dịch trên thị trường có tổ chức thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Trước đó không lâu, ngày 26/8, VietCapital Bank đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ, với tổng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2020 và quý I/2021. Đồng thời, HĐQT Ngân hàng đã có nghị quyết thông qua phương án phát hành 2.000 - 2.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (không chuyển đổi, không kèm chứng quyền) trong quý I/2021 và kế hoạch phát hành tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, nhằm tăng vốn cấp 2.

Trả lời câu hỏi về việc khi nào Nam A Bank tính đến phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ nay đến cuối năm nằm trong phương án tăng vốn điều lệ lên gần 7.000 tỷ đồng thông qua 2 phương án phát hành 57 triệu cổ phần (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ 143 triệu cổ phần (1.430 tỷ đồng). Nam A Bank đang trong quá trình đàm phán với đối tác ngoại.

Ngày 9/10, Nam A Bank đã chính thức đưa hơn 389 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán NAB giao dịch trên UPCoM, giá chào sàn ngày đầu tiên ở mức 13.500 đồng/cổ phiếu, để nâng cao thanh khoản cổ phiếu. Sau đó, giá cổ phiếu NAB đã có sự tăng trưởng tích cực, hiện đạt 15.200 đồng/cổ phiếu.

Lienvietpost Bank cũng cho biết, sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 5,5% hiện nay lên gần 10% trong thời gian tới cùng với việc niêm yết trên sàn HoSE.

Chuyển niêm yết sàn HoSE

Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, các chỉ tiêu tài chính của Ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện để lên sàn HoSE. Đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch Nam A Bank có thể niêm yết trên HoSE trong năm nay. Tuy nhiên, do những yếu tố khách quan, trong đó có Covid-19, nên trước mắt, Ngân hàng đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UpCom, sang năm sẽ niêm yết trên HoSE sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ và chốt xong room ngoại với đối tác chiến lược. Theo Nam A Bank, tỷ lệ cổ phần bán cho nước ngoài không dưới 20%.

Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB, việc phát hành thành công 15% vốn điều lệ cho Aozora Bank (AOZ - Nhật Bản) vào cuối tháng 6/2020 là điều kiện đủ để OCB niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Ngày 10/10 vừa qua, HoSE đã nhận hồ sơ niêm yết của OCB. Theo đó, OCB sẽ niêm yết hơn 876,7 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE, tương ứng giá trị thị trường theo mệnh giá là 8.767 tỷ đồng. Ngoài cổ đông nước ngoài Aozora nắm tỷ lệ lớn 15%, gia đình ông Trịnh Văn Tuấn đang sở hữu hơn 16,5% của OCB.

Ngoài OCB, các ngân hàng VIB, LPB, ACB, SHB cũng đang hoàn tất hồ sơ niêm yết sàn HoSE.

Tại kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra cuối tháng 5/2020, HĐQT VietBank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong thời gian tới, thay vì giao dịch trên sàn UPCoM hiện nay. VietBank có kế hoạch phát hành 58,66 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:14 trong quý IV/2020. Sau phát hành, vốn điều lệ của VietBank dự kiến tăng thêm hơn 586,6 tỷ đồng, lên mức hơn 4.776,8 tỷ đồng.

Bị tước quyền tự quyết room ngoại, ngân hàng bị dồn vào thế khó - Bài 3: Nghị định “xoay” chóng mặt, ngân hàng không kịp trở tay
Các kế hoạch dài hơi của các ngân hàng có nguy cơ đổ bể, nếu quyền định đoạt về room bị tước mất. Nhiều ngân hàng tỏ ra hoang mang.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư