Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
“Nóng” chuyện buôn lậu hàng xa xỉ
Hữu Tuấn - 03/02/2015 08:49
 
Càng gần Tết Ất Mùi, tình trạng buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái các mặt hàng xa xỉ càng có dấu hiệu phức tạp, khó lường.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
TP.HCM phát hiện nhiều vụ buôn bán hàng hóa nhập lậu
Chống hàng giả phải khởi động từ nhân hiệu
Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền chống hàng lậu hàng giả
Hà Nội liên tiếp bắt giữ hàng giả, hàng lậu
Sản xuất buôn bán thuốc giả, 2 giám đốc bị bắt khẩn cấp

Ra ngõ gặp… hàng lậu, hàng giả

Nếu như cao điểm vận chuyển, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái chuẩn bị cung ứng cho Tết Nguyên đán qua các tuyến biên giới trên bộ, biển và hàng không thường từ tháng 9 - 12, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, thuốc lá, pháo, thực phẩm…, thì cận Tết Ất Mùi lại là “đất diễn” của các mặt hàng cao cấp. Hàng loạt vụ vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, như iPhone, iPad, vàng trang sức, mỹ phẩm, hàng hiệu… đã bị phát hiện trong những ngày áp Tết đã cho thấy điều đó.

 Dây chuyền, lắc đeo tay, hoa tai đã được một số doanh nghiệp  vàng bạc thuê doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất, dập chữ Made in Italy để bán theo giá vàng Italy
Dây chuyền, lắc đeo tay, hoa tai đã được một số doanh nghiệp  vàng bạc thuê doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất, dập chữ Made in Italy để bán theo giá vàng Italy

Mới đây nhất, ngày 30/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP.HCM) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Lê Nguyễn Thị Ái Trâm, nhân viên Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất để điều tra hành vi “buôn lậu”.

Theo đó, cơ quan điều tra đã bắt quả tang xe du lịch biển kiểm soát 51D - 009.13 chở 13 kiện hàng chứa điện thoại di dộng iPhone, máy tính bảng iPad, với 844 chiếc trị giá khoảng 10 tỷ đồng... còn nguyên số vận đơn, chưa có dấu hiệu đã được kiểm hóa hải quan. Lô hàng này được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam bằng đường hàng không qua Sân bay Tân Sơn Nhất dưới sự tiếp tay của Trâm và 2 đối tượng khác.

Trước đó một ngày, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã bắt giữ lô hàng 1.059 đôi giày mang các thương hiệu Chanel, LV nghi giả nhãn hiệu. Cụ thể, đêm 28/1, lực lượng chức năng kiểm tra, khám xét xe tải biển số 57H-5367 đã phát hiện số hàng hóa trên xe không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Lái xe tên Lê Văn Thuận khai được thuê chở lô hàng trên từ Sân bay Tân Sơn Nhất về giao cho một người tên Vân ở chợ An Đông (quận 5).

Còn tại Hà Nội, ngày 24/1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 10 tấn thực phẩm chức năng cao cấp như sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen… có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được “phù phép” thành hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu.

Chủ lô hàng là Hoàng Thị Hồng Liên (32 tuổi, trú thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An). Liên khai nhận đã nhập hàng từ Trung Quốc từ hơn một năm qua, sau đó đóng hộp, dán nhãn mác giả đem tiêu thụ với giá vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng một sản phẩm.

Một lô hàng “mỹ phẩm cao cấp” gồm hàng trăm loại mỹ phẩm có thương hiệu nổi tiếng cùng rất nhiều các loại phụ gia, hương liệu dùng trong chế biến thực phẩm đã bị phát hiện, bắt giữ trên chiếc xe tải BKS 98C-042-17 khi đang trên đường vận chuyển từ tuyến biên giới Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ trong đêm 23/1. Tại thời điểm bị bắt giữ, toàn bộ số hàng hóa này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Không chỉ có iPhone, iPad, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…, cơ quan chức năng còn bắt giữ cả đối tượng buôn lậu hàng nữ trang.

Ngày 11/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP. Hà Nội) đã bắt giữ 3 người đang giao nhận 33 bọc hàng là vàng trang sức trên xe ô tô mang BKS 18A-015.37. Người giao hàng là Bùi Thị Loan, người điều khiển xe là Vũ Văn Lân (đều ở Móng Cái, Quảng Ninh), người nhận hàng là Cơ Kiên Cơ (ở Tây Hồ, Hà Nội). Lô hàng trên gồm: dây chuyền, lắc đeo tay, hoa tai đã được một số doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc lớn của Hà Nội đặt hàng một số đối tác tại Hongkong (Trung Quốc) sản xuất theo mẫu mã thỏa thuận, dập chữ Made in Italy để bán theo giá vàng Italy.

Để đưa số vàng trên về Hà Nội, các đối tượng buôn lậu đã chia nhỏ, đi qua đường mòn, lối mở khu vực Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Về tới Hà Nội, các đối tượng tiếp tục chia nhỏ rồi giao cho các doanh nghiệp đặt hàng. Qua giám định, toàn bộ số trang sức trên bằng vàng, chủ yếu là vàng 18K. Tổng giá trị lô hàng ước khoảng 1 triệu USD, tương đương 21 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy, hàng xa xỉ có giá trị cao đang là đối tượng nhắm tới của dân buôn lậu, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng nhái. Nguyên nhân được xác định là những mặt hàng này được tiêu thụ mạnh nhất vào dịp cận Tết, bởi đây là dịp những người có thu nhập khá cao trong xã hội nhận được lương, thưởng và có nhu cầu mua sắm phục vụ tiêu dùng cũng như để biếu tặng.

Dùng đường hàng không buôn lậu

Báo cáo của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tại Hội nghị Triển khai các giải pháp đấu tranh với gian lận thương mại, buôn lậu dịp Tết Nguyên đán 2015 tổ chức ngày 28/1 đã ghi nhận: lợi dụng các đường bay quốc tế, các đối tượng buôn bán, vận chuyển lậu các mặt hàng gọn nhẹ, có thuế suất cao như vàng, điện thoại di động, hàng điện tử, thuốc tân dược, ngoại tệ, cổ vật, kim cương, đồng hồ, ma túy, sừng tê giác, sản phẩm từ ngà voi… thường có sự móc nối tham gia của một số cán bộ, nhân viên đại diện hàng không Việt Nam ở nước ngoài, bộ phận vận chuyển hàng hóa, cán bộ hải quan kiểm tra, kiểm soát ở cửa khẩu.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, năm 2014, cảnh sát kinh tế đã phát hiện, điều tra gần 9.000 vụ, với 8.163 đối tượng buôn lậu hàng cấm, hàng giả, thu hồi trên 305,5 tỷ đồng. Trong đó, Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp với Hải quan Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bắt giữ 7 vụ, khởi tố 3 vụ, thu 2,15 kg vàng, 13,1 kg sừng tê giác, hàng ngàn điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad trị giá nhiều tỷ đồng. Nhìn chung, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là dịp giáp Tết. Việc buôn lậu qua các tuyến đường hàng không đang được các đối tượng sử dụng thường xuyên.

Còn theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2014 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2015 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đđạo 389), năm 2014, các lực lượng đã phát hiện, xử lý hơn 206.000 vụ vi phạm, tăng 12% so với năm 2013. Kết quả thu nộp vào ngân sách từ tiền xử phạt vi phạm ước đạt trên 13.000 tỷ đồng, khởi tố 2.081 vụ án hình sự, với 2.275 đối tượng.

Theo Ban Chỉ đạo 389, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có chiều hướng gia tăng trong những tháng cuối năm 2014, chủ yếu là các loại thực phẩm. Ở thị trường nội địa, hiện tượng bày bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng chưa giảm. Các mặt hàng bị làm giả rất đa dạng, từ hàng tiêu dùng thông dụng như quần áo, giày dép, điện thoại di động... đến các mặt hàng có giá trị cao như vàng, thẻ tín dụng, thuốc chữa bệnh...

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả yêu cầu các địa phương và lực lượng chức năng xử lý, nghiêm trị những vụ buôn lậu lớn để làm gương cho các đối tượng khác.

Trong năm 2015, theo Ban Chỉ đạo 389, cần tập trung ngăn chặn hàng cấm (ma túy, vũ khí, chất nổ, vàng, ngoại tệ, động vật hoang dã); hàng tiêu dùng ảnh hưởng sức khỏe, đời sống người dân (dược phẩm, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm chức năng...); hàng hóa ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, rác thải công nghiệp, máy móc thiết bị...); hàng có thuế suất cao, ảnh hưởng lớn đến kinh tế (thuốc lá, rượu, bia, xăng dầu…).

Phạt 2 cơ sở bán hàng nhái Hermes tại HN

Hai cơ sở buôn bán các mặt hàng nhái thương hiệu thời trang cao cấp của nước Pháp như túi xách, dây lưng, vòng đeo tay…vừa bị cơ quan chức năng xử phạt.

Hàng hiệu làm giả dễ nhất

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, các mặt hàng xa xỉ hay còn gọi là hàng hiệu như túi xách, quần áo, đồng hồ… đang bị làm giả, làm nhái, nhãn hiệu, xuất xứ nhiều hơn cả.

Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, hàng giả

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban.

Hàng giả, hàng nhái lộng hành, vì sao?

Chế tài nhẹ, doanh nghiệp chưa quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng quản lý, kiểm soát chuyên môn mỏng, người tiêu dùng biết hàng giả vẫn mua…những yếu tố này đang tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái có đất sống và ngày càng lộng hành.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư