Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 18 tháng 06 năm 2024,
Nông nghiệp đô thị: Nâng đầu tư để giải quyết bài toán thực phẩm an toàn
Hoài Sương - 08/06/2024 07:55
 
Nông nghiệp đô thị Việt Nam đang phát triển theo hai hướng: Chính quy và phi chính quy. Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình này còn hạn chế do người dân chưa tiếp cận được công nghệ mới.

Bất cập nhiều phía

Báo Kinh tế và Đô thị vừa phối hợp với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học tổ chức hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị” tại TP.HCM.

Hiện nay, cư dân đô thị tăng nhanh theo mức độ đô thị hóa, do đó nhu cầu về lương thực thực phẩm của các thành phố cũng tăng lên. Tại Việt Nam, dân số đến ngày 29/5/2024 là gần 100 triệu người. Cơ cấu cư dân thành thị cũng tăng rất nhanh. Nếu năm 1990, tỉ lệ dân số thành thị là 19,51% thì con số này đã tăng lên 36,76% (2020), tức là gần gấp 2 lần trong 30 năm. Dự báo tỉ lệ này sẽ vượt 50% sau năm 2030.

Như vậy, việc cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho cư dân đô thị, khách du lịch và khách vãng lai sẽ là áp lực lớn.

Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị”.

GS.TS Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, một lý do khác cho sự cần thiết phát triển nông nghiệp đô thị chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu ở nông thôn từng có (và có thể vẫn còn) tình trạng “Rau 2 luống, lợn 2 chuồng” thì nông nghiệp đô thị chính là giải pháp phòng tránh tốt nhất ngộ độc thực phẩm vốn đang tăng nhanh hiện nay.”

Ngoài ra nông nghiệp đô thị của Việt Nam hiện đang phát triển mang tính tự phát. Đến nay chưa có một chủ trương, chính sách chính thức nào của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp đô thị.

“Hiện TP.HCM chỉ mới phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị vào ngày 29/12/2023 và có thể nói chưa thể đi vào cuộc sống. Riêng thành phố Hà Nội cũng mới chỉ phê duyệt “Đề cương Đề án nông nghiệp đô thị” mà chưa có đề án chính thức. Có thể nói chưa hề có quy hoạch, chiến lược, đề án hay chương trình nào cho phát triển nông nghiệp đô thị ở Việt Nam”, GS.TS Nguyễn Văn Bộ chia sẻ.

Các mô hình nông nghiệp đô thị đang phát triển ở Việt Nam theo hai hướng là mô hình nông nghiệp chính quy (như các trang trại, vùng sản xuất chuyên canh ở ngoại thành) và mô hình nông nghiệp phi chính quy (do các hộ gia đình tận dụng không gian hạn hẹp nơi sinh sống). Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình này hiện còn hạn chế do người dân chưa tiếp cận được nhiều công nghệ mới.

Đồng tình với ý kiến, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Chuyên gia nông nghiệp cho rằng, Việt Nam cũng trong xu thế phát triển nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ cao còn hạn chế, chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi các loại động thực vật thích hợp như: Hoa kiểng, rau, sinh vật cảnh.

“Các thành phố và đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long Xuyên... cũng đang manh mún hình thành các mô hình nông nghiệp đô thị”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa nhận định.

Xây dựng giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị sẽ giải quyết bất cập từ nhiều phía.

Cần được đầu tư nghiêm túc

Hiện Việt Nam là quốc gia có nhiều diện tích đất nông nghiệp hơn Singapore, Malaysia… nhưng với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ và trong tương lai, đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng giảm đi.

Do đó, những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp đô thị mà các quốc gia này đã đạt được là gợi ý quan trọng cho việc xây dựng chiến lược và mô hình phát triển nông nghiệp đô thị tại Việt Nam.

Theo TS Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành Công nghệ sinh học Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang, dựa vào khu vực và diện tích trồng trọt, chăn nuôi để có phương pháp phát triển tối ưu nhất.

Cụ thể, các quận nội thành có diện tích đất nông nghiệp không đáng kể (2.526 ha, chiếm khoảng 11%) và thường không tập trung. Do đó, có thể kết hợp mô hình truyền thống với mô hình canh tác theo phương đứng (vườn đứng) để tận dụng tối đa không gian dinh dưỡng cho quá trình sản xuất.

Với mô hình canh tác quy mô lớn, hiện tập trung chủ yếu ở ba huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh (18.624 ha, chiếm khoảng 89% diện tích trồng rau toàn thành phố). Với diện tích tập trung này, có thể thiết lập hệ thống canh tác trong nhà màng, nhà lưới hoặc bên ngoài hoàn toàn tuỳ theo loài cây trồng và tiêu chuẩn chất lượng đầu ra…

Một trong những giải pháp tiềm năng hiện nay là phát triển nông nghiệp đô thị xanh - một mô hình kết hợp giữa việc canh tác nông sản và việc bảo vệ môi trường sống đô thị.

Ngoài ra, theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ, hiện tại, TP.HCM cho mỗi dự án phát triển nông nghiệp đô thị vay tối đa 200 tỷ đồng, mức hỗ trợ lãi suất từ ngân sách có thể ở mức 60, 80 và 100% với thời gian hỗ trợ không quá 5 năm. Do đó, các địa phương nên tham khảo chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM để có chính sách phù hợp.

“Đặc biệt, TP.HCM có chủ trương hình thành các Trung tâm dịch vụ theo hướng “Một điểm đến - đa chức năng”, mô hình này rất phù hợp cho nông nghiệp vùng ven đô. Do vậy, tại vùng ngoại ô, cần tạo mối liên kết khép kín theo chuỗi, sản xuất - chế biến - tiêu thụ và có thể truy xuất nguồn gốc để đảm bảo vệ sinh an toàn thwujc phẩm”, GS.TS Nguyễn Văn Bộ chia sẻ.

Ngày Môi trường Thế giới 5/6: "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá"
Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư