Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Nông nghiệp kết duyên CNTT: Hái ra tiền hơn sản xuất smartphone!
Hữu Tuấn - 04/11/2014 08:10
 
Nếu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào nông nghiệp đúng cách thì lợi ích mang lại cho doanh nghiệp còn hơn sản xuất iPhone, iPad, làm game…
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đại gia Việt bàn chuyện làm nông nghiệp
Doanh nghiệp Việt chuộng công nghệ Israel
Tìm hướng nâng tầm nông sản Việt
Đưa công nghệ cao vào nông nghiệp: Làm nông bằng trí
Bà chủ TH True MILK: Tôi từ chối đề nghị liên doanh

Hái ra tiền

Tại Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014 (Vietnam - ASOCIO ICT Summit 2014) vừa diễn ra tại Hà Nội, câu chuyện về việc Nhật Bản sử dụng CNTT để điều khiển từ xa cả một trang trại 5-7 ha, Isarel ứng dụng CNTT trên 1 ha đất mang lại năng suất 3 triệu bông hồng, hay chuyện 1 con bò cho tới 11 tấn sữa/năm… được đưa ra như là “lời giải” hiệu quả, hữu ích cho Việt Nam trong phát triển nông nghiệp thông minh.

  Nông nghiệp kết duyên CNTT: Hái ra tiền hơn sản xuất smartphone!  
  Mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao của TH True Milk  

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hy vọng, cùng với đẩy mạnh cải cách thể chế, những thành tựu về ứng dụng CNTT trong nông nghiệp được chia sẻ tại Diễn đàn sẽ là những bài học quý để Việt Nam vận dụng nhằm phát triển nền nông nghiệp theo yêu cầu xanh, sạch và bền vững trong bối cảnh phải đương đầu với các thách thức mới.

Cũng tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cho rằng, Việt Nam đã và đang có nhiều sản phẩm nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế lớn, như phấn hoa, nấm linh chi... Nhưng nếu áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất nông nghiệp, thì doanh thu của ngành này có khi còn lớn hơn cả sản xuất iPhone, iPad.

Trên thực tế, việc đầu tư, nghiên cứu, áp dụng CNTT vào nông nghiệp tại Việt Nam được áp dụng ngày càng nhiều. Mới đây, FPT và Fujitsu (Nhật Bản) đã ký kết thỏa thuận triển khai dịch vụ Akisai Cloud - điện toán đám mây của Fujitsu tại Việt Nam. Akisai ứng dụng các giải pháp CNTT và truyền thông, tối ưu hóa quá trình canh tác theo từng loại giống cây trồng, địa điểm canh tác..., mà không phụ thuộc vào tác động của người dân.

Ngoài FPT, nhiều doanh nghiệp khác cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào nông nghiệp như Viettel. “Tính tổng doanh thu từ ứng dụng CNTT trong nông nghiệp thì Viettel thu khoảng 7 tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với tổng doanh thu mà các nhà cung cấp ứng dụng game đem lại”, ông Bùi Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp cộng đồng Viettel cho biết.

Khó nhưng vẫn phải làm

Theo ông Bình, việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp khó làm nhưng vẫn phải làm. Dẫn câu chuyện của TH True Milk và Đà Lạt Hasfarm, ông Bình cho rằng, điều kiện cần và đủ để áp dụng CNTT vào nông nghiệp thành công là phải có quy mô đủ lớn. Nếu doanh nghiệp không đầu tư trên quy mô lớn, chấp nhận bỏ chi phí lớn thì không thể áp dụng thành công được.

GS-TS. Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới nhận xét, hiện ở nước ta, nhận thức về CNTT còn chưa đạt được sự nhất quán. Việc ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và manh mún, chỗ nào mạnh thì triển khai, chỗ nào yếu thì không áp dụng. Hiện tỷ trọng đầu tư cho CNTT trong nông nghiệp ở nước ta còn thấp hơn nhiều so với những công nghệ khác.

Theo GS. Tuấn Anh, nếu áp dụng CNTT vào chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hệ thống, đúng hướng, thì những thành tựu thu được là rất lớn trên nhiều mặt, chứ không chỉ là gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, hay tăng năng suất lao động.

“Cần sớm tạo cơ chế đầu tư ban đầu vào nghiên cứu nông nghiệp thông minh thông qua các khu CNTT tập trung và quỹ khoa học công nghệ; mở chuỗi trung tâm trên toàn quốc tại các trường, các khu CNTT về việc tự làm các thiết bị tập trung vào ứng dụng CNTT trong nông nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng giám đốc Hanel đề xuất và cho rằng, có thể đặt hàng doanh nghiệp nghiên cứu đề tài (dùng nguồn vốn khoa học công nghệ quốc gia) về nông nghiệp thông minh để tạo nền tảng chung về công nghệ, tạo điều kiện cho ứng dụng CNTT trong nông nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư