Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nông sản ĐBSCL: Ngược đời chuyện "có miếng" mà chưa "có tiếng"
Phú Khởi - 02/10/2015 16:00
 
Tại diễn đàn “Chính sách tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập” do Văn phòng Quốc hội và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ, các diễn giả cho rằng nông sản Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp nhiều cho xuất khẩu, nhưng ngược lại, chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Theo các chuyên gia, nói đến ĐBSCL thì ai cũng biết là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Hơn 50% tổng sản lượng lương thực cho cả nước, 90% gạo, 70% thủy sản, 60% trái cây xuất khẩu hàng năm đều có xuất xứ từ vùng đất này. Tuy nhiên, cho đến nay các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của vùng vẫn chưa có một thương hiệu nào được thế giới biết đến.

Ngay cả như mặt hàng lúa gạo, hiện Việt Nam thuộc các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng vẫn chưa có thương hiệu đặc thù của quốc gia, chưa được người tiêu dùng biết đến.

Đại diện một công ty xuất khẩu gạo tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, gạo Việt Nam “ có miếng nhưng không có tiếng”, nên khi bán qua thị trường các nước thường phải ký gửi, khi nào họ bán ra hết mới trả tiền vì họ cho là tiêu thụ rất chậm. Trong khi đó, gạo nhập khẩu từ Thái Lan thì giao hàng nhận tiền ngay. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp Thái Lan mua lại gạo từ Việt Nam nhưng sau khi đóng bao bì nhãn mác của họ thì tiêu thụ rất tốt.

GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp tại vùng ĐBSCL cũng đồng tình với quan điểm trên. Thương hiệu chính là yếu tố hỗ trợ tốt nhất để bán hàng. Lúa gạo nước ta năm nào cũng làm ra khá nhiều, nhưng tiêu thụ rất khó khăn, đó là do sản xuất không theo quy hoạch, không quan tâm nhiều cho nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

GS Xuân cũng nêu cảnh báo: sản xuất nông nghiệp của Campuchia được xem là tụt hậu trong những năm qua nhưng hiện nay họ làm rất tốt từ khâu chọn giống, sản xuất và chế biến, bảo quản, sản phẩm gạo thơm của họ được thị trường thế giới biết đến.

“Để hạt gạo của Việt Nam được thế giới biết đến thì chúng ta phải thay đổi cách làm và phải bước đi từng bước vững chắc từ lai chọn giống, quy hoạch vùng, quy hoạch sản lượng, cải tiến phương pháp sản xuất, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo đặc thù”, GS Xuân nói.

 

Xuất khẩu không chỉ trông chờ vào Samsung
Cho dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các nhóm hàng điện thoại và linh kiện, điện tử máy tính và linh kiện vẫn đang ở mức rất cao, tương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư