Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Nửa nhiệm kỳ Quốc hội và dấu ấn xây dựng pháp luật
Nguyễn Lê - 07/09/2023 07:32
 
Ngày 6/9, tại nhà Quốc hội diễn ra hoạt động chưa từng có tiền lệ - Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất Triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, một nhiệm kỳ đã qua nửa chặng đường với nhiều dấu ấn trong công tác lập pháp.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV (2021 - 2026) đến nay, Quốc hội đã thông qua 23 đạo luật

Tăng cường gắn kết giữa xây dựng và thực hiện

Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) đã đi qua những tháng ngày khá đặc biệt. Năm đầu nhiệm kỳ vừa phải tập trung cho công tác chuyển giao nhiệm kỳ, vừa phải nỗ lực cao độ cho công tác phòng, chống Covid-19.

Sang năm 2022 và 2023, đại dịch dần được kiểm soát, nhưng phát sinh nhiều khó khăn mới, do hậu quả của dịch bệnh cũng như tác động bởi diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực.

Trong bối cảnh đó, việc đáp ứng yêu cầu pháp luật phải theo kịp cuộc sống và phải mang tính linh hoạt càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ: “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật…”.

Thực hiện chủ trương này, “Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, thích ứng linh hoạt với tình hình để hoàn thành khối lượng lớn công việc về xây dựng và triển khai thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, được nhân dân ghi nhận, dư luận các nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao”, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất Triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV là hoạt động chưa có tiền lệ, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ năm (tháng 6/2023), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội; 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hành trình ra đời của các luật, nghị quyết nói trên chứa đựng rất, rất nhiều câu chuyện chưa từng có tiền lệ. Có những quyết sách mang tính tình thế, nên “giằng co” đến phút cuối; có dự án luật đã cố gắng đến tận “phút bù giờ” cũng chưa yên tâm bấm nút. Rồi những kỳ họp bất thường (điều chưa từng có trong lịch sử 77 năm qua của Quốc hội Việt Nam) vốn không phải để sửa luật, Quốc hội cũng vẫn phải linh hoạt dùng một luật sửa nhiều luật để gỡ khó cho môi trường kinh doanh, gỡ nút thắt cho những vấn đề nan giải của ngành y đang trong cơn bĩ cực…

Dù thế, người dân và doanh nghiệp vẫn còn không ít lo lắng về môi trường pháp lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, chất lượng một số văn bản chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển.

Hạn chế này, theo đánh giá của Chính phủ, có nguyên nhân từ tính chủ động đề xuất, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, xử lý các bất cập chưa kịp thời, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật.

Nửa cuối nhiệm kỳ, số lượng các luật cần ban hành sẽ lớn hơn nửa đầu nhiệm kỳ rất nhiều. Tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 luật, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác. Trong năm 2024, Quốc hội xem xét, thông qua 18 luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến về 2 dự án luật khác.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc lập pháp có thể còn tăng thêm do tiếp tục bổ sung một số dự án mới vào chương trình để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nhưng, như đã nói ở trên, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật là yêu cầu được đặt ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Bởi thế, tại Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, không làm phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định.

Ngoài ra, cần chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành luật, nghị quyết.

Cùng lúc thay đổi chính sách đất đai, nhà ở

Như Báo Đầu tư đã nhiều lần đề cập, Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp đặc biệt quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội này. Cùng với việc đồng thời sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở vào Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, đây sẽ là cơ hội hiếm có để san phẳng những “ổ gà, ổ voi” có nguyên nhân từ sự khập khiễng trong hệ thống pháp luật, tạo cơ hội cho cả 3 lĩnh vực nói trên vận hành lành mạnh hơn.

Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cuối tháng 8 vừa qua, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi) cho biết, phạm vi điều chỉnh của 3 luật trên và các luật có liên quan đã được rà soát. Việc rà soát bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn về phạm vi điều chỉnh, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra Dự án Luật Nhà ở sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng cũng làm rõ những chính sách của Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cần quy định thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và Luật Đầu tư.

Chẳng hạn, hình thức sử dụng đất được đầu tư dự án nhà ở thương mại sẽ được quy định trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thay vì quy định tại Luật Nhà ở sửa đổi.

Về các dự án nhà ở phải thu hồi đất, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật theo hướng, lược bỏ các quy định về loại đất làm dự án nhà ở trong Luật Nhà ở để thực hiện theo Luật Đất đai.

Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào Điều 79, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định: thu hồi đất đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trừ trường hợp dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phù hợp với quy hoạch, do các chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất ủy quyền quyền sử dụng đất của mình cho chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở.

Một vấn đề khác, qua rà soát cũng đã có hướng xử lý. Đó là Điều 180, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình cho phép tổ chức được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng và tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không giao đất thực hiện dự án cho tổ chức nước ngoài và cũng không cho phép thế chấp quyền sử dụng đất tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Để bảo đảm chặt chẽ và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, quy định tại Điều 180, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được chỉnh lý theo hướng: tổ chức được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.

Tất nhiên, chính sách về nhà ở, kinh doanh bất động sản, đặc biệt là chính sách đất đai thay đổi đến mức độ nào, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đến đâu, còn phải chờ Quốc hội đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng, như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Dự án Luật Đất đai đã có một bước tiến rất dài, nhiều vấn đề lớn đã được tập trung giải quyết.

Nhưng, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rằng, cần lạc quan thận trọng, bởi vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Mà, kiến tạo và phát triển cũng từ đạo luật quan trọng, đặc biệt này, luật mà không xử lý được những vấn đề đặt ra, thì sẽ còn tiếp tục cản trở quá trình phát triển của đất nước.

Ưu tiên sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong suốt thời gian qua nhiều lần đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội sớm nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm cơ sở áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2024.

Tuy nhiên, thời hạn trình Quốc hội Dự án Luật Thuế TNDN đang được đề xuất lùi từ kỳ họp tháng 5/2024 sang kỳ họp tháng 10/2024. Tiến độ này là chậm so với yêu cầu thực tế đang đặt ra, liên quan đến các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, các cơ quan liên quan của Chính phủ cần khẩn trương tập trung xây dựng Dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi, đặc biệt là nội dung về chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế TNDN trong bối cảnh thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và coi đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp ưu tiên cần hoàn thành trong năm 2024.
Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV: Việc quốc gia đại sự phải chuẩn bị kỹ càng
Nội dung Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội rất lớn, nhiều nội dung khó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải chuẩn bị thật kỹ càng, trong đó Quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư