Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nước đến chân… phải nhảy
Thanh Vũ - 29/12/2014 09:33
 
Trước ngưỡng cửa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào năm 2015, các doanh nghiệp ngành xây dựng đang hối hả chuẩn bị cho cuộc chơi mới trên sân chơi rộng mở hơn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Dệt may chưa tự tin trước TPP
AEC trở thành tâm điểm của ASEAN
Có thể ký kết TPP nửa đầu năm 2015

Lớn cũng lo

Mặc dù đang tất bật với các cuộc họp tổng kết cuối năm, nhưng ông Nguyễn Quý Trị, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Austdoor miền Nam (Tập đoàn Austdoor) đã không bỏ lỡ buổi Tọa đàm với chủ đề “Việt Nam và AEC/TPP: Xu hướng đầu tư và cơ hội cho ngành xây dựng”, vừa được BlueScope tổ chức TP.HCM vào cuối tuần trước.

Tọa đàm “Việt Nam và AEC/TPP: Xu hướng đầu tư và cơ hội cho ngành xây dựng”
Tọa đàm “Việt Nam và AEC/TPP: Xu hướng đầu tư và cơ hội cho ngành xây dựng” do NS BlueScope Việt Nam tổ chức

Sự sốt sắng của ông Trị và nhiều vị điều hành doanh nghiệp lớn khác với buổi tọa đàm này không phải bởi sự mới mẻ của thông tin liên quan đến AEC hay TPP mà như ông Trị nói, họ đang muốn nghe ngóng xem những doanh nghiệp khác đã chuẩn bị những gì cho cuộc chơi sắp tới.

“Lâu nay, 100% sản phẩm của chúng tôi đáp ứng thị trường nội địa, chưa có đối thủ cạnh tranh, nên đã từng nghĩ rằng, chuyện mở cửa, hội nhập của nền kinh tế Việt Nam chưa phải là mối quan tâm ưu tiên của doanh nghiệp. Nhưng mọi việc đã thay đổi. Khi AEC mở cửa,  hàng loạt dòng thuế về 0%, hàng hóa của nhiều đối tác tầm cỡ sẽ vào Việt Nam một cách đơn giản, chi phí thấp”, ông Nguyễn Quý Trị nói. 

Được thành lập năm 2003, Tập đoàn Austdoor là nhà cung cấp chuyên nghiệp các sản phẩm cửa cuốn, cửa nhựa uPVC, cửa nhôm cao cấp trên thị trường Việt Nam. Công ty TNHH Austdoor miền Nam - công ty thành viên của Tập đoàn -  đang được xếp hàng đầu trong ngành cửa cuốn tại Việt Nam. Riêng ở TP.HCM, Công ty chiếm tới 40% thị phần. Còn xét trên phạm vi cả nước, Công ty chỉ đứng sau Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa Châu Âu (Eurowindow) ở một số dòng sản phẩm. Hiện tại, Austdoor đang tiến hành đầu tư phát triển thêm mảng sản phẩm cao cấp.

Rõ ràng, vị trí nhất nhì tại thị trường nội địa của Ausdoor không dễ bảo toàn khi danh mục đối thủ cạnh tranh tới đây có thể tiềm ẩn những người khổng lồ dấu mặt, chứ chưa nói tới mục tiêu mà tập đoàn này đang đặt ra là trở thành nhà cung cấp các giải pháp cửa hàng đầu châu Á.

Trở ngại tới đây của Austdoor có thể là những đối thủ tên tuổi trong khu vực, nhưng cũng có thể là đủ loại hàng rào phi thuế quan, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định bản quyền, về môi trường... mà doanh nghiệp Việt Nam buộc phải vượt qua khi cuộc chơi hội nhập mới chính thức mở cửa.

Tất nhiên, Austdoor cũng như các doanh nghiệp khác đang có những đối sách riêng, bởi như phân tích của các chuyên gia kinh tế, trong mọi trường hợp, doanh nghiệp buộc phải xoay xở để tồn tại và phát triển. Song nhiều doanh nghiệp thừa nhận, họ đang cần một lượng vốn lớn để dự trù cho các khoản vượt rào này.

Là một chuyên gia chuyên về doanh nghiệp, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng nhìn thấy những động thái tích cực.

“Cách đây vài ngày, tôi có dịp làm việc ở tỉnh Bình Dương và được biết, từ 2-3 năm gần đây, riêng Bình Dương đã có 200 dự án xin đầu tư vào ngành dệt may. Có nghĩa là các nhà đầu tư đã chủ động đón đầu TPP. Nhưng phải thấy rõ là cơ hội không chỉ của doanh nghiệp dệt may mà còn dành cho các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng, xử lý nước thải…”,  bà Lan phân tích.

Chìa khóa là năng lực nội tại

Rõ ràng, vấn đề của nhiều doanh nghiệp Việt Nam nằm ở chỗ, sự xoay xở của họ, kể cả doanh nghiệp quy mô lớn và nhỏ, dường như đang chậm và “bí ẩn” hơn những động thái mà các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi cực kỳ nhanh. Ngay cả khi TPP được thông qua có thể vào năm 2015, thì các nước đều đang đi vào các bước phát triển mới.  Trong khu vực này sẽ sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Với Việt Nam còn có các hiệp định thương mại song phương vừa kết thúc đàm phán và sẽ ký kết vào đầu năm 2015. Nếu doanh nghiệp quá chú ý đến TPP, thì có thể sao lãng các hiệp định khác”, bà Phạm Chi Lan khuyến nghị và cho rằng, đối sách tốt nhất để phù hợp cho tất cả là nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phân tích riêng ngành xây dựng, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nhiều cơ hội nhưng phải xác định rõ đó là cơ hội gì. “Chúng ta có lợi thế trong lĩnh vực lắp ghép, nhưng lại không có lợi thế về lĩnh vực thép, nhất là khi mở cửa với hàng hóa của Nga... Điều quan trọng là doanh nghiệp cần nắm vững luật chơi, bởi thương mại gắn nhiều với luật lệ sau biên giới và hàng rào kỹ thuật”, ông Thành cảnh báo.

Thậm chí, trong xu thế phát triển hiện tại, “hàng rào xanh” về môi trường sẽ được tận dụng, khi đó một công trình lớn có thể bị bác bỏ nếu bị xếp vào diện không phù hợp với môi trường…

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, quy định của TPP đòi hỏi rất cao về vấn đề xử lý môi trường. Chẳng hạn, ngành dệt may đòi hỏi các vấn đề xử lý nước thải phải đạt chuẩn nhất định, nên các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư mạnh cho khâu xử lý nước thải. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xây dựng tham gia đấu thầu xây dựng các công trình này cho doanh nghiệp ngành dệt may… 

Vấn đề quan trọng lúc này là, sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành xây dựng nói riêng liệu đã đủ đáp ứng yêu cầu hội nhập hay chưa. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, nếu chuẩn bị tốt thì lúc vào cuộc, doanh nghiệp có thể chơi rất tốt; nhưng nếu ngợp và đuối sức ngay thì chứng tỏ sự chuẩn bị của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

AEC mở ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới

Ông Hoàng Văn Phương, Trưởng phòng ASEAN (Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương) nhận định, cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thiết lập, sẽ mở ra cơ hội mới, với những ngành nghề mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư