Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ô tô điện mong được “kéo đẩy”
Thanh Hương - 31/07/2018 06:38
 
Với mong muốn Việt Nam có tên trên bản đồ các quốc gia hàng đầu về sản xuất ô tô điện cũng như ứng dụng các công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, Công ty VinFast đã đề xuất nhiều chính sách cụ thể.

Thuế nhập khẩu linh kiện bằng 0%

Trước thực tế nhiều linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất ô tô, đặc biệt là xe điện, xe bus điện - một sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường và là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong tương lai gần - chưa sản xuất được trong nước, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast dự kiến phải nhập khẩu hàng loạt linh kiện, phụ tùng để phục vụ hoạt động sản xuất cho đến khi tìm được nguồn thay thế phù hợp trong nước hoặc tự mình sản xuất.

.
Mô hình 2 mẫu xe Vinfast sẽ mang tới Paris Motor Show 2018 diễn ra vào tháng 10

Theo đánh giá của VinFast, trên cơ sở đối chiếu quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP liên quan đến Biểu thuế xuất khẩu, biểu nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hoá và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan với thực tế nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam, đặc biệt là xu hướng phát triển các sản phẩm ô tô điện công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có thể nhận thấy các hỗ trợ, ưu đãi cho sản phẩm ô tô điện chưa được nêu trong Nghị định 125/2017/NĐ-CP.  

Bởi vậy, VinFast cũng đề nghị bổ sung toàn bộ các linh kiện phục vụ sản xuất ô tô điện vào đối tượng được hưởng mức ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo Chương trình ưu đãi thuế mà không phụ thuộc vào các điều kiện về mức tiêu hao nhiên liệu, dung tích động cơ. Đây cũng là bởi ô tô điện không có chỉ số về mức tiêu hao nhiên liệu và dung tích động cơ như xe sử dụng động cơ đốt trong.

Trước đó, đề xuất rà soát, đánh giá lại Danh mục linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc nhóm 98.49 quy định tại mục II Chương 98 của Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP và bổ sung vào Danh mục các linh kiện mà thực tế các doanh nghiệp sản xuất ô tô phải nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được, đặc biệt là các linh phụ kiện phục vụ việc sản xuất ô tô điện cũng đã được doanh nghiệp đang đầu tư mạnh mẽ vào ô tô điện như VinFast đưa ra.

Cũng để khuyến khích các doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ô tô có thể tham gia được Chương trình ưu đãi thuế theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP, một đề xuất khác về miễn trừ điều kiện về sản lượng, cả sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu cho 2 năm đầu kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất cũng được VinFast kiến nghị.

Cơ hội cho xe điện

VinFast là chủ đầu tư Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast có quy mô vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng trên diện tích hơn 300 ha tại Khu Đình Vũ, Cát Hải. Hiện nhà đầu tư này cũng đang gấp rút hoàn thành các hạng mục chính của Dự án để sớm đi vào sản xuất các sản phẩm ô tô và xe máy theo kế hoạch đã công bố.

Tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 vừa diễn ra tại Hà Nội, VinFast đã khiến khách hàng bất ngờ với robot hàn sẽ làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô của họ.

Ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách Dự án VinFast cho biết, có khoảng 1.200 robot hàn mà VinFast sẽ nhập từ ABB về trong tháng 8. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy hàn thân xe vận hành hoàn toàn tự động, hiện đại nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Nhưng ABB cũng chỉ là một trong rất nhiều thương hiệu sản xuất danh tiếng mà VinFast bắt tay làm đối tác để xây dựng - vận hành nhà máy.

VinFast đã đề nghị bổ sung toàn bộ các linh kiện phục vụ sản xuất ô tô điện vào đối tượng được hưởng mức ưu đãi thuế suất 0% theo Chương trình ưu đãi thuế của Nghị định 125/2017/NĐ-CP.

Đại diện Vingroup cũng giới thiệu tại diễn đàn công nghệ của nhà máy dập hợp tác với Schuler (Đức), có khả năng thu thập dữ liệu tự động và chuẩn đoán thông minh như hộp đen của máy bay, dễ dàng phân tích hồi cứu các sự cố. Hệ thống quản lý không khí thông minh EcoSmart VEC của Duerr (Đức) trong nhà máy sơn giúp giảm tối đa lượng khí và điện năng. Đặc biệt, trong nhà máy sản xuất động cơ, VinFast đã giao cho công ty GROB, Thyssenkrupp, AVL, MAG thiết kế và cung ứng dây chuyền và máy móc thiết bị.

“Để làm chủ được công nghệ, VinFast đã thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển để làm cầu nối chuyển giao công nghệ từ các đối tác hàng đầu thế giới, góp phần đào tạo nhân sự chuyên môn cao tự vận hành nhà máy sản xuất. Hiện Viện đã quy tụ được chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phần mềm và phần cứng tham gia các đề án liên quan đến phát triển các sản phẩm mới, chế tạo và sản xuất xe máy điện và ô tô”, ông Huệ bày tỏ.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực vận hành nhà máy, VinFast vừa tổ chức thi tuyển sinh khóa đầu tiên cho Trung tâm đào tạo VinFast với hai ngành học chính là Cơ khí Công nghiệp và Cơ-điện tử. Trung tâm đào tạo được Vingroup đầu tư 10 triệu USD, không chỉ là cái nôi, khởi đầu cho các kỹ thuật viên có tay nghề cao, mà sẽ hướng tới trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực cho sản xuất theo công nghiệp 4.0 lớn nhất Đông Nam Á.

Cũng theo kế hoạch, tại Triển lãm ô tô Paris 2018 vào tháng 10 tới, VinFast sẽ giới thiệu tới công chúng trên toàn thế giới hai mẫu xe mới gồm bản sedan 4 cửa và SUV 5 cửa.

Chưa dừng lại ở đó, VinFast cũng có tham vọng sẽ ra mắt nhiều mô hình mới vào năm 2019, cụ thể sẽ là 5 mẫu xe mới khác.

Cũng mới đây, VinFast và  General Motors (GM) đã ký kết một thoả thuận hợp tác chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của cả hai thương hiệu ô tô Chevrolet của GM và VinFast tại thị trường Việt Nam.

Sản xuất xe điện sẽ dễ hơn với công nghệ "mô-tơ trong bánh xe"
Protean Drive – loại mô-tơ điện mới tích hợp ngay trên bánh xe – hứa hẹn sẽ giúp các nhà sản xuất tiết kiệm thời gian cũng như đơn giản hóa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư