Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Olympic Hàn Quốc chạm trán với Olympic Việt Nam: Huấn luyện viên đối thủ của thầy Park Hang-seo giỏi cỡ nào?
Thắng Nguyễn (vnexpress) - 29/08/2018 15:16
 
Đối thủ của HLV Park Hang-seo chiều 29/8 chú trọng việc quản lý và nắm bắt tâm lý cầu thủ - những yếu tố khiến ông được so sánh với huyền thoại của Man Utd.

Nghệ thuật đắc nhân tâm

Khi nhắc đến HLV Kim Hak-bum, HLV Park Hang-seo gọi đồng nghiệp là "Alex Ferguson của bóng đá Hàn Quốc". Khi đề cập tới nhà cầm quân đang nắm đội U23 Hàn Quốc, báo chí xứ kim chi cũng dùng cụm từ "Hakbumson", một cách ghép tên giữa nhà cầm quân này với Alex Ferguson, để thể hiện sự kính trọng.

HLV Kim Hak-bum từng nhận giải HLV hay nhất K-League năm 2006. Ảnh: Đức Đồng.

HLV Kim Hak-bum từng nhận giải HLV hay nhất K-League năm 2006. Ảnh: Đức Đồng.

Thực tế, ông Kim cũng có nhiều điểm giống huyền thoại Man Utd. Ông từng làm công việc chẳng liên quan gì tới bóng đá, giống tiền bối người Scotland. Nếu Sir Alex từng mở một quán rượu, có kèm phòng tập thể lực ở Scotland trước khi theo con đường huấn luyện, Kim Hak-bum cũng là một nhân viên kinh doanh có tiếng ở Kookmin Bank, nơi ông từng thi đấu theo dạng nghiệp dư suốt 11 năm. Khi treo giày, HLV hiện tại của Olympic Hàn Quốc bỏ quên bóng đá, và nhận giải "best seller" ở một chi nhánh của Kookmin Bank.

Nhưng rồi, mọi con đường đều dẫn Kim trở lại với môn thể thao vua. Sinh năm 1960, và chỉ kém HLV Park Hang-seo một tuổi, nhưng sự nghiệp của ông Kim trắc trở hơn nhiều. Năm 2002, khi ông Park là trợ lý của Guus Hiddink trong chiến dịch trở thành đệ tứ anh hào World Cup, và sau đó đoạt HC đồng Asiad 2002, Kim vẫn chưa được nắm đội chuyên nghiệp nào. Ông giữ một chân trong ban huấn luyện của Seongnam Ilhwa Chunma, và có cơ hội làm việc cùng HLV Cha Kyung-Bok. Chính ông Cha là người đã khơi nguồn cảm hứng và dạy Kim những bài học đầu tiên về nghệ thuật huấn luyện.

Khi được lãnh đạo CLB Seongnam Ilhwa Chunma bổ nhiệm làm HLV, Kim Hak-bum chủ trương đẩy mạnh việc quản lý cầu thủ, bên cạnh những giáo án và sa bàn trên sân tập. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA), Kim Pan-gon nhận xét ông Kim có “sự thấu hiểu tuyệt vời” và “một kế hoạch rõ ràng” để tạo ra sự gắn kết với những cầu thủ, yếu tố gợi nhớ tới triết lý quản lý mà Alex Ferguson áp dụng vào Man Utd suốt 27 năm. Cẩn trọng, chính xác và chi tiết hóa công việc một cách tối đa có thể, Kim Hak-bum đem mọi kiến thức thu thập được thuở còn là nhân viên ngân hàng vào áp dụng trong bóng đá. Ông luôn nhấn mạnh với các cộng sự về việc duy trì quan hệ trong tập thể để vươn tới thành công sau cùng.

Giống cựu HLV người Scotland, nghiệp huấn luyện của ông Kim gần với một nhà quản lý hơn là một HLV đơn thuần. Ông gần gũi với cầu thủ, thấu hiểu tâm lý từng người, và chủ động đưa ra những lời khuyên nếu thấy cần thiết. Tờ Yonhap từng nhận xét, ông là người có "tinh thần cầu tiến và làm việc không ngừng nghỉ". Cũng chính Kim Hak-bum tiên phong áp dụng sơ đồ 4-2-3-1 vào K-League, giai đoạn thập niên 2000, và thu được thành công đột phá với Seongnam (vô địch K-League 2006 và á quân năm 2007). Năm 2006 có thể xem là đỉnh cao trong sự nghiệp của "Alex Ferguson Hàn Quốc" khi ông được bình chọn là HLV hay nhất K-League.

Dù vậy, sau khi rời Seongnam năm 2008, Kim Hak-bum rơi vào nốt trầm sự nghiệp. Ông phiêu bạt nhiều nơi, thậm chí đến cả Trung Quốc dẫn dắt Hà Nam Kiến Nghiệp, nhưng đều không tạo được tiếng vang. Tuy nhiên, thành công vang dội ngày khởi nghiệp vẫn giúp ông Kim ghi điểm với KFA trong việc chọn HLV dẫn dắt đội U23. Tờ Oh My News đánh giá, HLV hiện tại của U23 Hàn Quốc đã vượt qua Kim Bong-gil, Choi Yong-su nhờ "thành tích ở K-League" và nghệ thuật "đắc nhân tâm".

HLV Kim Hak-bum ra sát đường biên, thúc giục học trò tại Asiad 2018. Ảnh: Đức Đồng.

HLV Kim Hak-bum ra sát đường biên, thúc giục học trò tại Asiad 2018. Ảnh: Đức Đồng.

Duyên nợ với HLV Park Hang-seo

Quan hệ giữa hai HLV Kim Hak-bum và Park Hang-seo gần giống như Alex Ferguson với Arsene Wenger, hay  là Pep Guardiola với Maurizio Sarri. Cả hai từng là đối thủ cạnh tranh nhau gay gắt nhưng tôn trọng người bên kia chiến tuyến bởi cùng có điểm chung về triết lý huấn luyện. 

Lần đọ sức đầu tiên giữa hai nhà cầm quân hơn kém nhau một tuổi là năm 2006, khi ông Kim Hak-bum dẫn dắt Seongnam vô địch K-League. Đó là mùa giải Gyeongnam của HLV Park Hang-seo mới thăng hạng K-League và cán đích ở vị trí thứ 13 trong 14 đội dự giải. Trong hai lần chạm trán, Seongnam toàn thắng, 1-0 ở lượt đi, 3-0 ở lượt về. Tại K-League Cup, Gyeongnam của thầy Park cũng thất bại 1-3.

Chiến thắng đầu tiên của "Ngài Park nhiệm màu" đến ở mùa sau đó. Sau khi thua 0-2 ở lượt đi, Gyeongnam thắng 2-1 lượt về. Mùa giải 2007 là một năm khởi sắc với ông Park khi Gyeongnam từng có thời điểm lọt vào top 5. Sang mùa 2008, HLV Park Hang-seo chuyển sang Jeonnam Dragons, còn Kim Hak-bum vẫn bám trụ Seongnam. Hai cuộc đọ sức năm này, ông Park toàn thua, 0-4 trên sân khách và 0-1 trên sân nhà.

Những cuộc tranh tài giữa ông Park và ông Kim bị gián đoạn bốn năm, khi "Alex Ferguson Hàn Quốc" phiêu bạt sang Trung Quốc. Năm 2012, Kim Hak-bum trở lại xứ kim chi, dẫn dắt Gangwon, còn HLV Park Hang-seo đã chuyển sang Sangju Sangmu. Đây là mùa giải không thành công của cả hai nhà cầm quân dày dạn  khi Gangwon đội sổ bảng điểm, còn Sangju Sangmu chỉ hơn một bậc. Hai CLB thường xuyên nằm trong nhóm cầm đèn đỏ gặp nhau bốn lần trong năm (do K-League đổi thể thức thi đấu), và mỗi người thắng hai trận. HLV Park Hang-seo thắng 3-0, và 2-1, trước khi gục ngã hai trận còn lại với cùng tỷ số 0-2.

Năm 2013, Gangwon của HLV Kim Hak-bum xuống hạng và hai nhà cầm quân Hàn Quốc không còn cơ hội làm việc chung ở một giải đấu. Tính đến trước lần tái ngộ ở Asiad 2018, ông Kim đang vượt trội ở thành tích đối đầu với HLV Park Hang-seo khi thắng tám, thua ba trong 11 lần gặp gỡ. 

Trợ lý của HLV Park Hang-seo trải lòng sau trận đấu với Syria
Ông Lê Huy Khoa chia sẻ trên trang cá nhân những điều đặc biệt làm nên chiến thắng lịch sử của Việt Nam ở Asiad hôm qua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư