Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ổn định chính sách vĩ mô cho tăng trưởng kinh tế 2019
Hồng Phúc - 12/03/2019 15:23
 
Năm 2018 là năm thành công toàn diện của Kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt được và đạt mục tiêu đề ra. Nhiều kỷ lục mới đã được xác lập. Những thành quả này, là nền tảng, cũng là áp lực không nhỏ cho những kế hoạch hành động của năm 2019, đặc biệt kỳ vọng ổn định chính sách vĩ mô để giữ vững, duy trì và phát triển đạt mức cao hơn các kỷ lục đã xác lập của năm 2018.

Tại Hội thảo kinh tế Việt Nam thường niên-năm 2019 với chủ đề “Bứt phá từ những động lực tăng trưởng” diễn ra hôm nay tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để tận dụng các lợi thế cũng như các cơ hội mà hội nhập kinh tế mang lại, việc phát triển doanh nghiệp được Việt Nam xác định là một trong những trọng tâm cần thúc đẩy.

Đi kèm với đó là hoàn thiện thể chế cho các hoạt động này nhằm tạo ra các bứt phá phát triển từ cơ hội và vị thế mới đem lại. 

Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch, nhiều lĩnh vực có mức độ tăng trưởng cao trong 2018 sẽ khó duy trì trong năm nay như công nghiệp chế biến, giá trị sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp,…nhất là những điểm nghẽn về thể chế như đầu tư công, BT, BOT,…chưa được tháo gỡ.

Một yếu tố cần quan tâm là đầu tư công giảm dần nên vai trò tác động lan toả của lĩnh vực này như những năm trước sẽ giảm dần.

Bên cạnh đó, trong nhiều năm tới, bài toán vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam vẫn là chất lượng tăng trưởng gắn với đổi mới thể chế cùng với diễn biến phức tạp của kinh tế và thương mại toàn cầu.

Do đó, sự điều hành chính sách kinh tế- tài chính của Chính phủ vẫn phải thực hiện “mục tiêu kép” cả chất lượng và tốc độ tăng trưởng.

Trong 2 năm 2019 và 2020, TS Trần Du Lịch cho rằng, có nhiều triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng 6.9%/năm,và bình quân cả 5 năm 2016-2020 tăng bình quân 6.75%/năm (so với mục tiêu kế hoạch bình quân 6.5%-7%/năm).

Về thị trường tài chính Việt Nam, TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra một số thách thức lớn.

Một là, sự mất cân đối nhất định giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Thị trường vốn tuy có sự chuyển biến về tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế song còn nhỏ và chưa phát triển.

Cụ thể, vai trò của nhà đầu tư tổ chức còn hạn chế, sản phẩm thiếu đa dạng. chưa có nhiều sản phẩm như phái sinh, chứng khoán hóa,…việc cung cấp thông tin hạn chế khi chưa có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Đặc biệt, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện tốt vai trò là kênh cung cấp vốn cho các doanh nghiệp. Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp ước khoảng 7%GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước trong khu vực (21%).

“Điều này khiến cho việc cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn của khu vực ngân hàng cũng gia tăng hơn”, TS. Hà Huy Tuấn nói.

Hai là, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục cải thiện.

Đó là tỷ lệ an toàn vốn chưa phản ánh đầy đủ mức độ an toàn vốn của hệ thống NHTM và chịu nhiều áp lực tăng vốn theo BASEL II, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn vướng mắc chủ yếu liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, cơ sở hạ tầng tài chính còn chưa bắt kịp với chuẩn mực quốc tế, dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản và xây dựng tuy được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao. Điều này khiến việc hạ chi phí vốn cho nền kinh tế tiếp tục gặp trở ngại.

Ba là, hoạt động tín dụng đen diễn biến rất phức tạp, gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Hoạt động tín dụng đen chủ yếu lợi dụng và núp bóng doanh nghiệp như hiệu cầm đồ, công ty tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng với phương thức, thủ đoạn của hoạt động này rất tinh vi, phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra để xử lý. 

Điều này phản ánh một phần khả năng có tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được với tín dụng ngân hàng, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Bốn là, sự phát triển của công nghệ tài chính trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đạt ra nhiều thách thức cho hệ thống tài chính tại Việt Nam.

Cụ thể như các vấn đề liên quan đến phòng chống tội phạm công nghệ cao, bảo mật dữ liệu người dùng, nâng cao sự hiểu biết của người sử dụng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sản phẩm tài chính.

TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo năm 2019, mặt bằng lãi suất có thể giữ ổn định do, áp lực lạm phát giảm bớt khi giá dầu thế giới được dự báo không biến động, cũng như đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.

“Năm 2019, áp lực lên tỷ giá có thể không quá lớn bởi các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo, khả năng USD sẽ suy yếu hơn. Citigroup dự báo USD index có thể giảm giá 2% trong 6 đến 12 tháng tới và lạm phát tổng thể có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá dầu thế giới có xu hướng giảm, do đó giảm áp lực lên tỷ giá. Đây là các yếu tố tích cực giúp chính sách tỷ giá chủ động hơn để tiến dần đến điểm cân bằng ngang giá tiền tệ”, TS. Hà Huy Tuấn. 

Còn theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, đất nước đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng chưa từng có trong lịch sử. Đây là những cơ hội rất lớn để trở nên phát triển hơn.

Tuy nhiên, việc tận dụng các cơ hội không phải là điều đơn giản và các cơ hội đã biến thành thách thức.

Với dư địa cho tăng trưởng sẵn có không còn và nội lực chưa được phát huy, thách thức phía trước với Việt Nam trên con đường hội nhập là rất lớn.

“Nhà nước chỉ nên tập trung ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo sân chơi bình đẳng thay vì có sự tham gia một cách chủ động như thời gian qua”, TS Huỳnh Thế Du nói và đánh giá, nếu nhìn ngắn hạn, tiềm ẩn rủi ro lớn nhất trong năm 2019 với kinh tế Việt Nam là các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước.

“Nền kinh tế Việt Nam, thực ra, rất mong manh, chỉ cần một hoặc một vài doanh nghiệp lớn nào đó gặp trục trặc là cả nền kinh tế gặp vấn đề. Do vậy, một trong những việc hết sức quan trọng là các cơ quan giám sát phải để mắt rất kỹ đến các doanh nghiệp này. Chính sách và quản lý vĩ mô cần phải đảm bảo sao cho các rủi ro đừng xảy ra song song với việc tạo dựng môi trường kinh doanh tốt hơn”, TS Huỳnh Thế Du chia sẻ.

Lựa kịch bản tăng trưởng kinh tế 2019
Nền kinh tế vẫn đang diễn biến tích cực, nhưng những dấu hiệu khó khăn đã bắt đầu xuất hiện, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư